| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc cây lựu và những lưu ý

Thứ Sáu 22/04/2022 , 08:05 (GMT+7)

Ở nước ta, cây lựu được trồng khá lâu đời từ Bắc chí Nam, chủ yếu để làm cảnh. Nhưng khi trồng lựu hàng hóa lấy trái, cần phải nắm rõ sinh thái của cây.

Yêu cầu về khí hậu của cây lựu

Cây lựu có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, từ vùng lạnh ôn đới đến vùng á nhiệt đới và nhiệt đới, nhưng thích hợp nhất là vùng á nhiệt đới có mùa đông lạnh, mùa hè nắng ráo, cây cho trái 1 vụ trong năm. Ở vùng nhiệt đới, như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có ưu điểm là lựu cho trái hầu như quanh năm.

Giống lựu đỏ Peru của nước Cộng Hòa Peru được trồng ở Việt Nam.

Giống lựu đỏ Peru của nước Cộng Hòa Peru được trồng ở Việt Nam.

Nhiệt độ thích hợp cho cây lựu khá rộng, từ 5 - 40 độ C, nhưng lý tưởng nhất là từ 23 - 32 độ C. Chính vì vậy mà từ Bắc chí Nam nước ta đều trồng được lựu. Tuy nhiên, có một số giống cần thụ hàn để ra bông (cần từ 100 - 400 giờ thụ hàn ở nhiệt độ 7 độ C). Do vậy khi mua lựu giống mới, cần chú ý điều này. Giống lựu đỏ Peru của nước Cộng Hòa Peru thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nên không đòi hỏi thụ hàn.

Cây lựu kháng hạn tốt và rất sợ úng nên vũ lượng chỉ cần từ 180 - 1.000mm, lý tưởng là từ 500 - 800mm. Có khuyến cáo không trồng lựu ở vùng có vũ lượng trên 1.000mm. ĐBSCL có vũ lượng biến động từ trên 2.200mm ở bờ biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, dưới 1.600mm ở bờ biển Đông từ Long An đến Bạc Liêu và mưa theo mùa. Do đó, trồng lựu ở ĐBSCL cần có biện pháp lên liếp cao, che liếp mùa mưa.

Ẩm độ không khí cao không thích hợp cho lựu, làm cây ít trái và trái bị xốp. Nếu ẩm độ cao ở giai đoạn ra hoa đậu trái, sẽ ảnh hưởng nhiều đến thụ phấn, thụ tinh và gây nứt trái khi chín. Ở nơi có ẩm độ không khí thấp, khô ráo cho chất lượng lượng trái lựu cao hơn. Có lẽ vì vậy mà trên thế giới, lựu được trồng hàng hóa ở vùng có khí hậu khô và bán khô. Mùa mưa ở ĐBSCL có ẩm độ không khí cao đến 90 - 100%, vì vậy không nên cho lựu ra hoa đậu trái trong thời gian này.

Về mặt ánh sáng, lựu là loại cây ưa nắng. Cây cần 6 - 8 giờ nắng trực tiếp mỗi ngày. Khí hậu khô và nhiều nắng giúp trái có chất lượng cao, phát triển đúng mức màu sắc, mùi thơm và vị. Thiếu nắng cây vươn lóng, chồi ốm, trái phát triển kém. ĐBSCL có nhiều nắng hầu như quanh năm nên rất thích hợp cho cây lựu, nhưng không nên trồng dày và phải trồng ngoài trảng.

Yêu cầu về đất trồng lựu

Có thể nói cây lựu không kén đất, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, từ sét nặng đến cát đều trồng được lựu. Nhiều tài liệu cho thấy khả năng chịu mặn của lựu khá cao, có thể lên đến gần 4‰ và pH đất thích hợp nhất từ 5,5 - 6,5. Tuy nhiên, khả năng chịu úng của lựu rất kém, nên đất trồng phải thông thoáng, thoát nước tốt. Vì vậy, mỗi loại đất phải có kỹ thuật canh tác phù hợp để lựu cho năng suất và phẩm chất cao.

Ở ĐBSCL, các loại đất như phù sa ven sông, đất giồng cát, đất phù sa cổ, đất ven chân núi là những loại đất có sa cấu thịt pha sét hay thịt pha cát có địa hình cao, thoát nước tốt, thích hợp trồng lựu. Tuy nhiên, đất cần được bón nhiều phân hữu cơ. Nhiều nghiên cứu cho thấy cây lựu đáp ứng tốt với phân hữu cơ hơn cả phân hóa học. Nếu trồng lựu ở đất có địa hình thấp cần phải lên liếp cao, có đê bao để không bị úng ngập trong mùa mưa lũ và nước trong mương phải được giữ ổn định quanh năm cách mặt liếp tối thiểu 6 - 8 tấc.

Nước tưới

Mặc dù cây lựu không cần nhiều nước và có khả năng kháng hạn rất tốt (trên thế giới, lựu hàng hóa được trồng ở vùng khô hạn và bán khô hạn), nhưng để có năng suất cao và chất lượng tốt thì phải tưới nước cho lựu vào mùa nắng ở ĐBSCL. Tưới 2 - 4 tuần một lần, nhất là ở giai đoạn cây ra hoa, đậu trái cây phải đủ nước.

Phân bón Đầu Trâu rất tốt cho các loại cây trồng, trong đó có lựu. 

Phân bón Đầu Trâu rất tốt cho các loại cây trồng, trong đó có lựu. 

Một số lưu ý

Cây giống: Lựu có thể nhân giống dễ dàng bằng hột, nhưng cây trồng bằng hột lâu cho trái (sau 3 - 4 năm trồng) và đôi khi bị lai tạp. Giâm cành (cắt cành đã trưởng thành dài khoảng 15 - 20 phân, có xử lý hormone ra rễ rồi đem giâm) hoặc chiết cành được sử dụng phổ biến trong canh tác lựu hàng hóa vì nó mau cho trái và giữ được phẩm chất giống cây mẹ. Nhân giống bằng cách ghép có tỷ lệ thành công không cao nên ít được sử dụng.

Xén tỉa cây con: Khi cây cao 5 - 6 tấc cần cắt đọt để cây ra nhiều chồi, tỉa chừa 5 - 6 chồi theo nhiều hướng để cây có bộ tán phân bố đều quanh thân chính. Trong 2 - 3 năm đầu, các nhánh này đều được cắt đọt để cây cho ra nhiều nhánh thứ cấp. Phải thường xuyên cắt bỏ cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành chết.

Ra hoa: Cây ra hoa tận ngọn, đôi khi ở nách lá, của chồi mới ra trong năm. Do đó, cắt tỉa hàng năm để cây ra hoa tốt và phải bảo vệ chồi non lúc mới ra. Hoa lựu lưỡng tính nên tự thụ và có thể thụ phấn nhờ côn trùng. Thụ phấn nhờ gió không đáng kể. Vì vậy, phải bảo vệ côn trùng để tăng khả năng thụ phấn.

Thu hoạch: Nên thu hoạch trước khi trái quá chín vì trái dễ bị nứt, nhất là khi gặp mưa hay tưới nhiều nước. Giống như trái táo, trái lựu tồn trữ được rất lâu, có thể đến 6 - 7 tháng ở nhiệt độ 1 - 5 độ C, ẩm độ 80 - 85%.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.