Đơn vị thi công Phúc Thành Hưng chưa làm tốt nhiệm vụ được giao
Báo Nông nghiệp Việt Nam làm việc với đại diện của Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, Doanh nghiệp dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Nghệ An.
Lãnh đạo Công ty CP đầu tư Phúc Thành Hưng xác nhận đơn vị phụ trách hơn 49 km tổng tuyến, bao gồm 4,4 km ở địa phận Hà Tĩnh, còn lại chủ yếu đi qua Nghệ An: Phân đoạn này là hợp đồng BOT, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Quá trình thực hiện, Doanh nghiệp dự án (Phúc Thành Hưng) thấy vướng mắc gì sẽ trực tiếp báo cáo lên Bộ để chờ hướng chỉ đạo.
Khi phóng viên đề cập việc chậm thực hiện các thủ tục, hồ sơ làm ảnh hưởng đến công tác GPMB, đại diện Phúc Thành Hưng khẳng định nội dung này thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án 6, phía doanh nghiệp dự án chỉ tiếp nhận mặt bằng sạch và triển khai thi công.
Lãnh đạo doanh nghiệp dự án cũng chia sẻ “nguyên liệu phục vụ dự án cơ bản đủ, nhưng địa điểm ở xa nên kéo theo nhiều vấn đề phát sinh”. Lấy diễn biến tình hình tại huyện Hưng Nguyên sẽ thấy, dù tỉnh đã chủ động quy hoạch các mỏ đất ngay tại địa bàn để cung cấp nguyên liệu nhưng tất cả không đủ điều kiện khai thác, hoặc chất lượng không phù hợp. Buộc doanh nghiệp phải đi đường vòng, chấp nhận lấy đất từ các mỏ tại huyện Diễn Châu với khoảng cách dao động từ 35-40 km so với hiện trường, đồng nghĩa chi phí phát sinh lại nảy sinh rắc rối.
Từ thực trạng bí bách nêu trên, Phúc Thành Hưng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện, bổ sung một số mỏ khác thay thế nhưng chưa được giải quyết.
Triển khai phân đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, huyện Hưng Nguyên khẳng định trên tuyến chính chỉ duy nhất 1 điểm chưa xử lý xong công tác GPMB, trong khi đại diện Phúc Thành Hưng khăng khăng có đến 4 điểm chưa kịp hoàn thiện để bàn giao mặt bằng sạch.
Quan điểm của Phúc Thành Hưng không hẳn thiếu cơ sở, có điều đơn vị này cũng chưa làm tốt trọng trách chuyên môn được giao phó. Qua khảo sát, không ít vị trí tại các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Tây… đã làm thủ tục bàn giao từ lâu nhưng đơn vị thi công tiếp cận chậm, hoặc bắt tay vào làm nhưng chẳng đến đầu đến đũa.
Đơn cử như việc xây dựng hầm chui dân sinh tại Km453+206, là dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, hầm chui được đầu tư nhằm mục tiêu phục vụ người đi đường và phương tiện lưu thông trên tuyến đường trục nối tỉnh lộ 542E với đường Nguyễn Trường Tộ, đi qua xóm 4, xã Hưng Yên Nam. Đây cũng là tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ cho người dân 2 xã Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc khi các tuyến đường khác nối từ trung tâm 2 xã đến các xóm thường xuyên bị ngập.
Không chấp nhận “khẩu độ phi thực tế”, người dân trong vùng ảnh hưởng có cản trở thi công. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Hưng Nguyên đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trường, phát hiện cao độ đáy hầm chui dân sinh theo hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt thấp hơn cao độ mặt đường hiện trạng từ 1,2 - 1,6m, tiềm ẩn nguy cơ gây ngập úng hầm chui và đoạn đường hai đầu hầm, trong mùa mưa lũ khả năng cao chia cắt xóm 4 xã Hưng Yên Nam và xóm 5 xã Hưng Yên Bắc.
Ngày 14/2/2023 UBND huyện Hưng Nguyên đã phát Công văn số 183/UBND-KTHT đề nghị Ban quản lý dự án 6, Sở Giao thông vận tải Nghệ An và Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng tổ chức kiểm tra để sớm xử lý ổn thỏa. Gần 3 tháng trôi qua, đến nay công tác khắc phục vẫn đang nằm… trên giấy.
Ông Nguyễn Đình Nghiêm, công dân xóm 4, xã Hưng Yên Nam bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi kiến nghị phải chỉnh sửa lại thiết kế bản vẽ của cầu chui, nâng lên ngang bằng với hệ thống đường dân sinh, chứ như thế này thấp quá, mùa mưa bão kéo đến chắc chắn ngập lụt nặng”.
Nghệ An khẳng định doanh nghiệp thiếu trung thực
Sau khi tiếp nhận Văn bản 5458/BGTVT-CQLXD của Bộ Giao thông vận tải, ngày 2/6/2023 UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn 4264/UBND-CN báo cáo một số nội dung liên quan đến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, phân đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
UBND tỉnh Nghệ An khẳng định một số đầu việc thuộc quyền hạn của Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) và doanh nghiệp dự án (Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 2 đơn vị này chưa làm tròn trách nhiệm.
Cụ thể, đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, ghi nhận đến ngày 2/6/2023 huyện đã hoàn thành một số nội dung chính (di dời xong 2 ngôi mộ xóm Đại Huệ; 1 hộ có đất ở tại xã Hưng Đạo; 3m tuyến chính đoạn Km458+700 - Km459+500; đường gom số 4 qua hộ ông Chiến tại Km471+500; đất nông nghiệp tuyến chính của hộ ông Chín tại Km472+600 - Km472+650).
Đặc biệt, nhiều vị trí đã được người dân đồng thuận cho triển khai thi công nhưng doanh nghiệp dự án chưa thực hiện. Ngoài ra còn một số điểm vướng mắc cục bộ do quá trình thi công được doanh nghiệp dự án điều chỉnh, bổ sung thiết kế kéo theo chậm tiến độ chung. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hưng Nguyên và các Sở, ngành tập trung xử lý, giải quyết nhưng tình hình không mấy khả quan.
Về việc này, UBND tỉnh Nghệ An giữ vững quan điểm: “Vị trí vướng mắc do Ban quản lý dự án 6, Doanh nghiệp dự án thiếu chủ động, chậm cung cấp hồ sơ cho địa phương để giải quyết các vướng mắc liên quan làm ảnh hưởng đến công tác GPMB”.
Nguyên nhân tiếp theo đến từ các mỏ đất đắp, dù được quy hoạch để phục vụ dự án trọng điểm nhưng công tác chuẩn bị của các bên liên quan thực sự thiếu trách nhiệm.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện trên địa bàn tỉnh đã cấp đến 40 giấy phép khai thác đất san lấp với trữ lượng khai thác trên 66 triệu m3. Trong đó có 18 mỏ đang khai thác với trữ lượng gần 26 triệu m3, nhìn chung đảm bảo nhu cầu vật liệu đất đắp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An. Số liệu là vậy nhưng thực tế không mấy suôn sẻ.
Lấy thực trạng tại chính huyện Hưng Nguyên để nêu bật vấn đề. Đầu tiên là mỏ Rú Đỉnh Ngô tại xã Hưng Yên Nam do Công ty CP Đầu tư Trường Thi làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 15/QĐ-UBND ngày 30/1/2023, được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 24/4/2023. Thế nhưng đến nay chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khoáng sản, chưa thực hiện thủ tục thuê đất, chưa tiến hành lập các hồ sơ theo quy định.
Trong khi đó, các mỏ đất tại khu vực Eo Gió, xã Hưng Tây; khu vực Rú Rày và Rú Rậm, xã Hưng Yên Nam qua xác định không phải… mỏ đất đắp (?!).
Chi tiết hơn, tại Eo Gió là vị trí đang thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã cấp phép nguyên liệu cho Khu công nghiệp và đô thị VSIP Nghệ An. Còn Rú Rày, Rú Rậm thuộc dự án xử lý sạt lở. Như vậy, việc Công ty CP đầu tư Phúc Thành Hưng kiến nghị mỏ đất đắp là không phù hợp.
Xâu chuỗi các vấn đề, UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Doanh nghiệp dự án đã phản ánh các nội dung đến Bộ Giao thông vận tải không trung thực, thiếu khách quan và không phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan của tỉnh trong quá trình xử lý các vướng mắc của dự án.