| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học ngăn dịch bệnh, hiệu quả cao

Thứ Tư 22/03/2023 , 11:40 (GMT+7)

Đầu tư bài bản, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên trang trại của ông Hòa luôn duy trì hoạt động ổn định, mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ.

Ông Hòa đầu tư xây dựng trang trại với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống xử lý môi trường và chất thải đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho heo sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: L.K.

Ông Hòa đầu tư xây dựng trang trại với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống xử lý môi trường và chất thải đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho heo sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: L.K.

Ông Đặng Xuân Hòa (trú xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) được biết đến là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Mô hình chăn nuôi heo của lão nông này thực sự là một điểm sáng được nhiều người ngưỡng mộ khi trụ vững qua các đại dịch lớn, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tốt nghiệp Trung cấp thú y năm 1985, sau nhiều năm công tác trong ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), đến năm 2007, ông Hòa quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mô hình nuôi heo theo quy mô hộ gia đình. Được sự hỗ trợ từ Trung tâm khuyến nông huyện Phú Ninh cũng với số vốn nhỏ tích cóp được, ông Hòa tiến hành xây dựng chuồng trại trong vườn nhà rồi mua 5 con heo giống về nuôi.

Nhờ có có vốn kiến thức từ trường lớp cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, số heo nuôi của gia đình ông phát triển nhanh và bắt đầu sinh sản. Với mục tiêu làm giàu từ con heo, sau khi heo sinh sản, ông Hòa không bán mà giữ lại nuôi toàn bộ, từng bước phát triển đàn.

Đến năm 2010, khi số lượng heo giống và heo thương phẩm ngày càng nhiều, quy mô vườn nhà không thể đáp ứng được diện tích cũng như bất tiện về môi trường, ông Hòa liền xin chính quyền địa phương 2.000m2 đất tại Gò Thôn (xã Tam Phước) để đầu tư xây dựng trang trại. Từ số vốn 200 triệu đồng tích cóp và vay mượn thêm, ông Hòa bắt tay vào thực hiện ý tưởng đã ấp ủ từ lâu.

Qua từng năm, với số lãi có được từ xuất bán heo, ông Hòa dành toàn bộ để đầu tư, nâng cấp trang trại. Trong đó, ông tập trung nâng cấp hệ thống thông gió, xử lý chất thải, nâng sàn cách xa mặt đất để thuận tiện cho việc vệ sinh, đảm bảo môi trường sạch cho heo sinh trưởng, phát triển tốt; đặc biệt là hệ thống xử lý, khử khuẩn nhằm phòng trừ dịch bệnh.

Mỗi năm, ông Hòa xuất bán ra thị trường hàng ngàn con heo giống và heo thương phẩm. Ảnh: L.K.

Mỗi năm, ông Hòa xuất bán ra thị trường hàng ngàn con heo giống và heo thương phẩm. Ảnh: L.K.

“Môi trường có sạch, thông thoáng thì heo mới lớn nhanh được. Bên cạnh đó, do trang trại ở cách khu dân cư không xa nên tôi rất chú trọng đến công tác xử lý chất thải. Sau 1 thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, hiện nay trang trại của tôi đang sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng hầm Bioga 6 ngăn. Với cấu tạo của hầm này, qua quá trình lắng lọc, nước thải ra môi trường hoàn toàn không còn mùi hôi. Mô hình này của tôi đã được rất nhiều đơn vị đến tham quan, học tập và áp dụng theo”, ông Hòa chia sẻ.

Với sự đầu tư từng bước, đến nay, nguồn kinh phí xây dựng trang trại nuôi heo của ông Hòa đã lên đến hàng tỷ đồng, diện tích cũng được mở rộng ra đến 5.000m2 với quy mô 150 con heo giống, hơn 1.000 con heo thương phẩm. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng trên 4.000 con heo thịt và heo con. Sau khi trừ chi phí các chi phí và tiền nhân công, ông Hòa lãi ròng từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.

Theo ông Hòa, đối với con heo thì ngoài phương pháp nuôi an toàn sinh học thì vấn đề được quan tâm hàng đầu chính là phòng trừ dịch bệnh. Có như thế mới hạn chế được rủi ro và đảm bảo tính ổn định. Những năm qua, trang trại của ông thực hiện rất tốt điều này, chưa hề bị một loại dịch bệnh lớn nào “tấn công” trên diện rộng. Điển hình nhất là thời điểm dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019.

Trang trại ông Hòa luôn chú trọng công tác phòng dịch nên tránh được nhiều rủi ro. Ảnh: L.K.

Trang trại ông Hòa luôn chú trọng công tác phòng dịch nên tránh được nhiều rủi ro. Ảnh: L.K.

Lúc đó, dịch bệnh lây lan khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như trên cả nước. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng này, ông Hòa đã mua hàng chục tấn vôi bột về rải trong và bên ngoài trại 1 lớp dày khoảng 5cm. Những nhân viên làm việc ở trang trại được yêu cầu thực hiện các quy trình nghiêm ngặt về phòng dịch như mặc áo bảo hộ, ăn ở tại trang trại, khử khuẩn thường xuyên với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

“Tôi áp dụng phòng chống dịch như phòng Covid-19. Nhờ vậy mà trang trại với hàng ngàn con heo của tôi an toàn vượt qua đại dịch. Đến cuối năm 2019, giá heo hơi tăng lên đến đỉnh điểm nhiều năm qua đạt 100.000 đồng/kg, tôi xuất bán số heo thịt trong chuồng, thu về hàng chục tỷ đồng. Có thể nói, để được như vậy phải gặp thời chứ với con số này bình thường phải mất hơn chục năm mới đạt được”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, đối với việc chăn nuôi, cần phải theo dõi thị trường để có những giải pháp thích ứng phù hợp. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo thương phẩm lại hạ đã khiến nhiều trang trại lâm vào cảnh lao đao vì thua lỗ. Thấy thế, ông liền chuyển qua giảm số lượng heo nuôi thịt và tăng lượng heo con bán ra. Nhờ vậy, trang trại ông cũng đang duy trì rất tốt, vẫn đảm bảo nguồn thu nhập cho nhân viên mà không hề bị thua lỗ.

Hiện nay, trang trại nuôi heo của ông Hòa giải quyết việc làm cho 5 – 7 lao động thường xuyên với mức lương trung bình từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Hòa cũng đóng góp cho công tác xã hội của địa phương như xây dựng đường sá, thành lập quỹ hỗ trợ cho thanh niên thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Với những gì đã làm được, năm 2022, ông Đặng Xuân Hòa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.