| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Bắc Tây Nguyên: Địa bàn rộng, thú y mỏng

Thứ Năm 23/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

Là địa bàn chiến lược phát triển chăn nuôi, song hai tỉnh Bắc Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum) vẫn còn khá lúng túng do đội ngũ thú y viên vừa thiếu lại vừa yếu.

Ngành chăn nuôi Bắc Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển nhờ quỹ đất rộng lớn. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngành chăn nuôi Bắc Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển nhờ quỹ đất rộng lớn. Ảnh: Đăng Lâm.

Tiềm năng chăn nuôi lớn

Tại tỉnh Kon Tum, tính đến cuối năm 2022, tổng đàn gia súc ước đạt trên 274.000 con. Trong đó, 25.000 con trâu, 84.000 con bò và 165.000 con lợn. Tổng sản phẩm chăn nuôi đạt 35.000 tấn, trong đó thịt lợn hơi 22.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 844ha, sản lượng thủy sản ước đạt 8.350 tấn.

Toàn tỉnh hiện có 142 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, với 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 104 cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn, 1 trang trại chăn nuôi dê quy mô lớn, 1 trang trại chăn nuôi bò quy mô vừa và 34 liên kết trong hoạt động chăn nuôi.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, ông Đoàn Thanh Mai cho biết: “Ngành chăn nuôi tỉnh Kon Tum trong những năm qua đã phát triển tương đối nhanh, không những đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt cho người dân trong tỉnh mà còn xuất bán ra một số địa phương trong nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương”.

Tại Gia Lai, số liệu mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước khoảng 470.000 con, đứng thứ hai cả nước (sau Nghệ An), tổng đàn lợn trên 763.000 con. Toàn tỉnh hiện có trên 39.700 hộ nuôi lợn. Chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm 64,50%.

Gia Lai có 634 trang trại chăn nuôi tập trung, chiếm 34% tổng đàn với, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ với khoảng 39.000 hộ chăn nuôi lợn, 74.000 hộ chăn nuôi trâu bò và trên 110.000 hộ chăn nuôi gia cầm. Tổng đàn lợn đến tháng 10 năm 2023: 763.000 con. Toàn tỉnh hiện có trên 39.700 hộ nuôi lợn. Chăn nuôi lợn tập trung có 351 trang trại với trên 492.000 con. 

Đội ngũ thú y cơ sở mỏng khiến ngành chăn nuôi Gia Lai, Kon Tum gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đăng Lâm.

Đội ngũ thú y cơ sở mỏng khiến ngành chăn nuôi Gia Lai, Kon Tum gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đăng Lâm.

Đội ngũ thú y viên mỏng

Tiềm năng chăn nuôi lớn là vậy, nhưng đội ngũ thú y viên ở hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai đang là một thách thức lớn cho ngành chăn nuôi bởi vừa thiếu, lại vừa yếu.

Tỉnh Kon Tum đã chuyển giao các Trạm Chăn nuôi và Thú y về cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã sát nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có nhiệm vụ tổ chức, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ về chăn nuôi, thú y.

Đối với cấp xã, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND ngày 16/7/2020 về quy định số lượng chức danh cán bộ không chuyên trách, trong đó có 1 vị trí là nhân viên thú y để thực hiện công tác giám sát và triển khai các nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh bệnh động vật trên địa bàn cấp xã.

Theo ông Đoàn Thanh Mai, việc thay đổi về hệ thống thú y từ cấp huyện đến cấp xã, thời gian đầu công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, được sự quan tâm thường xuyên của chính quyền địa phương các cấp, của ngành NN-PTNT trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện, hàng năm cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, viên chức cấp huyện và nhân viên thú y cấp xã, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đến cơ sở.

“Đến nay, về cơ bản hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở vẫn đang hoạt động hiệu quả và đảm bảo về năng lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nhưng để theo kịp sự phát triển của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, thời gian đến, lực lượng thú y cơ sở cần phải được quan tâm đầu tư về con người, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu trong phát triển chăn nuôi công nghệ cao”, ông Mai chia sẻ. 

Với Gia Lai, ngành chăn nuôi tỉnh này đang phải đối mặt với thực trang thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ thú y. Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Toàn tỉnh hiện có 250 cán bộ thú y, trong đó tại Chi cục có 22 người, cấp huyện có 67 người, cấp xã có 161 người/220 xã, phường, thị trấn. Riêng cấp xã, có gần một nửa cán bộ làm công tác thú y là kiêm nhiệm, phần lớn là cán bộ Khuyến nông, Hội Nông dân làm kiêm công tác thú y. Do đó, không thể đáp ứng được cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

“Việc thiếu cán bộ thú y cơ sở dẫn đến khó khăn trong việc hướng dẫn  tổ chức sản xuất, đặc biệt công tác triển khai phòng chống dịch bệnh do tổng đàn lớn, lại chăn nuôi phân tán. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra nguồn gốc thịt cũng hết sức khó khăn, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Thái Văn Dũng chia sẻ.

Đang có một thực trạng là sinh viên chuyên ngành chăn nuôi, thú y, đặc biệt là sinh viên nam sau khi tốt nghiệp ra trường không muốn vào cơ quan Nhà nước, chủ yếu xin làm cho các doanh nghiệp ngoài với mức lương cao hơn nên khiến hệ thống cán bộ thú y vốn đã thiếu, đã yếu lại càng thêm khó khăn.

Để ngành chăn nuôi 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên phát triển rất cần đội ngũ thú y cơ sở. Ảnh: Đăng Lâm.

Để ngành chăn nuôi 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên phát triển rất cần đội ngũ thú y cơ sở. Ảnh: Đăng Lâm.

Người chăn nuôi ngóng cán bộ thú y

Huyện Krông Pa là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của tỉnh Gia Lai. Riêng đàn bò với khoảng 63.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con bò lai, là huyện có đàn bò lớn nhất nước so cùng đơn vị hành chính. Tổng đàn chăn nuôi lớn, địa bàn quá rộng, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác thú y lại quá… khiêm tốn.

Ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Huyện có 14 xã xã, thị trấn, tổng đàn chăn nuôi lớn, trong khi cán bộ làm công tác thú y của huyện chỉ có 15 người, gồm 3 người tại trung tâm (1 chăn nuôi và 2 thú y), cấp xã, thị trấn có 12 người (mỗi xã, thị trấn 1 người. Xã Phú Cần và xã Uar không có cán bộ thú y; xã Ia R’mok, Ia R’Sai cán bộ thú y chưa qua đào tạo).

Trong 12 cán bộ thú y cấp xã, chỉ có 1 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành chăn nuôi, thú y, Trung cấp khuyến nông lâm 6 người, Sơ cấp thú y 3 người, 2 người chưa qua đào tạo, tập huấn về thú y.

"Cán bộ làm công tác thú y ở xã là cán bộ hợp đồng bán chuyên trách, lượng công việc nhiều, trách nhiệm cao, nhưng chính sách hỗ trợ đối với thú y xã thì mới được nhận mức phụ cấp hệ số 1. Với mức phụ cấp này chỉ đủ để nhân viên thú y cấp xã rất khó trang trải cuộc sống”, ông Âu Thành Trung chia sẻ.

Là một hộ chăn nuôi bò lâu năm, đến nay gia đình ông Tạ Ngọc Giám ở tổ 10, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) có đàn bò 9 con. Hàng năm, cứ gần đến mùa dịch, ông thực hiện theo các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò của gia đình.

“Đàn bò của gia đình chủ yếu chăn thả và về cho ăn thêm, còn phòng, chống luôn tiêm vacxin đầy đủ, chỉ con nào mang thai to gia đình không tiêm. Đàn bò nhà tôi vừa tiêm xong, sức khỏe hiện vẫn tốt”, ông Giám nói.

Ông K’sor Luynh, ở buôn Tang, xã Phú Cần có 5 con bò. Trong đợt dịch viêm da nổi cục vừa rồi, đàn bò của ông K’sor Luynh có 3 con bị nhiễm bệnh. Với sự hướng dẫn của thú y xã cùng với phương pháp chữa trị dân gian nên 3 con bò nhà ông đều khỏi bệnh. Ông Luynh nói: “Đợt dịch trước, mình cũng có 3 con mắc bệnh. Khi nghe thông tin Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng cho đàn bò nên mình thực hiện không đi chăn thả nữa, để cán bộ đến tiêm”, ông Luynh nói.

Ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa bộc bạch: “Mỗi khi có dịch, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng để chống dịch. Chủ yếu là cán bộ trung tâm, còn lực lượng cộng tác viên yếu, lực lượng thú y cấp xã chỉ làm theo buổi… Nhìn chung, người chăn nuôi vẫn đang ngóng cán bộ thú y”.

“UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 449 về quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung, theo đó đã tạo thuận lợi cho ngành thú y trong việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, nâng cao mức độ an toàn sản phẩm đối với người tiêu dùng”, ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.