| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi gà cho ăn bã bia, đầu tư ít, tiền đút túi nhiều

Thứ Ba 29/10/2024 , 15:21 (GMT+7)

KIÊN GIANG Bã bia có thể bổ sung thay thế tới 60% khẩu phần ăn trong chăn nuôi gà, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nhà nông.

Thành phần xơ trong bã bia rất dễ tiêu hoá, giúp kích thích vi sinh vật có lợi trong đường ruột phát triển. Ảnh: Đào Chánh.

Thành phần xơ trong bã bia rất dễ tiêu hoá, giúp kích thích vi sinh vật có lợi trong đường ruột phát triển. Ảnh: Đào Chánh.

Nguồn thức ăn giá rẻ

Các hộ nông dân chăn nuôi gia cầm ở huyện Châu Thành và TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đã thực hiện mô hình sử dụng bã bia bổ sung vào khẩu phần ăn nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả cao. Đối tượng là giống gà nòi lai nuôi theo hướng an toàn sinh học, tận dụng nguồn protein từ bã bia có chi phí thấp và giảm chi phí thuốc thú y phòng bệnh trong chăn nuôi. Nhờ đó, giúp tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm có chất lượng cao hơn.

ThS Nguyễn Thùy Trinh, Giảng viên Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang, người trực tiếp nghiên cứu, chuyển giao và cùng nông dân thực hiện mô hình này cho biết: “Bã bia có hàm lượng đạm, khoáng và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B rất cao, được xem là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bổ sung đạm có thể thay thế thức ăn giàu đạm khác, mà chi phí thấp hơn nhiều. Thành phần xơ trong bã bia rất dễ tiêu hoá, giúp kích thích vi sinh vật có lợi trong đường ruột phát triển”.

Bã bia có thể sử dụng cho vật nuôi ăn ở dạng tươi hoặc tiến hành thủy phân bằng chế phẩm vi sinh trước khi cho ăn. Trong thành phần của bã bia gồm: đạm thô 23-26%, đạm tiêu hoá gần 90%, độ ẩm 75%, chất béo thô 4% và chất xơ thô 8%. Do đó, có thể sử dụng kết hợp với các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám gạo, cơm dừa, bã đậu nành... trong mô hình chăn nuôi giúp giảm giá thành sản phẩm.

Kiên Giang có nhà máy bia với công suất thiết kế hàng chục triệu lít/năm, quá trình sản xuất cho ra lượng bã bia tươi khá lớn. Mỗi ký bã bia có giá chỉ khoảng 1.000-1.200 đồng, rẻ hơn nhiều so với thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn, nhưng khá giàu dinh dưỡng, dễ hấp thụ, giúp gà mau lớn. Nên tận dụng bã bia làm thức ăn giúp giảm chi phí đầu tư, hạ giá giá thành sản phẩm.

Tăng cao lợi nhuận

Theo ThS Nguyễn Thuỳ Trinh, bã bia có thể sử dụng bổ sung thức ăn cho chăn nuôi gà từ 40-80%. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy mức thay thế 60% khẩu phần ăn cho gà là mang lại hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, chi phí thức ăn cho chăn nuôi gà có bổ sung bã bia giảm hơn 50% so với nuôi gà hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp bán trên thị trường. Nhờ giảm chi phí đầu tư nên lợi nhuận từ chăn nuôi gà có bổ sung bã bia vào khẩu phần ăn đạt tương đối cao, khoảng 43%. 

Tận dụng bã bia làm thức ăn giúp giảm chi phí đầu tư, hạ giá giá thành sản phẩm. Ảnh: Đào Chánh.

Tận dụng bã bia làm thức ăn giúp giảm chi phí đầu tư, hạ giá giá thành sản phẩm. Ảnh: Đào Chánh.

Tận dụng protein từ bã bia để nuôi gà nòi theo hướng an toàn sinh học có tiềm năng ứng dụng và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Việc triển khai hiệu quả mô hình này đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội cho địa phương. Mô hình giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi do tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có là bã bia.

Góp phần giảm thiểu lượng chất thải từ công nghiệp sản xuất bia, bảo vệ môi trường. Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gà và mầm bệnh nhằm bảo đảm cho đàn gà được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh.

Gà nòi thịt săn chắc, quy trình chăn nuôi tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nên được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho người chăn nuôi.

Xem thêm
Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

'Tuyệt chiêu' trồng hồng giòn Jiro Nhật Bản của lão nông Sơn La

Ứng dụng kỹ thuật sinh học, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, ông Phạm Văn Quyết đã gây dựng thương hiệu hồng giòn Jiro Nhật Bản thành đặc sản trên cao nguyên Mộc Châu.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Trái cây an toàn, chất lượng nhờ công nghệ giám sát ruồi vàng

BÌNH DƯƠNG Sử dụng công nghệ IoT giám sát ruồi vàng giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng trừ, không phải đợi đến khi ruồi vàng gây hại quá nặng mới xử lý.

Ngư dân Đồ Sơn được mùa sứa đỏ

HẢI PHÒNG Sau hơn 20 năm, người dân vùng biển Đồ Sơn mới lại trúng đậm sứa đỏ, sau mỗi ngày ra khơi, hầu hết tàu thuyền trở về đều bội thu.

Cơn mưa dập tắt đám cháy rừng trên núi

Sơn La Vụ cháy xảy ra chiều 5/4, ở khu vực núi cao, dốc đứng, địa hình hiểm trở, nhiều đá lăn nên việc tiếp cận hiện trường, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất