| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò sinh sản, thu hàng trăm triệu đồng mỗi lứa

Thứ Hai 04/03/2024 , 09:05 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Việc chuyển sang nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi vỗ béo giúp gia đình anh Nguyễn Văn Thuận thu về hàng trăm triệu đồng mỗi lứa xuất bán.

Năm 2019, nhận thấy nuôi bò sinh sản và nuôi vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế, anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi đối tượng này để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Thuận nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Chi.

Anh Thuận nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Chi.

Ban đầu anh Thuận mua 6 con bò BBB và 9 con bò sinh sản về nuôi. Sau khi xuất bán lứa bò đầu tiên có lãi, anh đã gia tăng đàn bò.

Theo anh Thuận, mặc dù nuôi bò vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian nuôi tương đối dài, tuy nhiên vật nuôi này mang lại kinh tế ổn định hơn so với nhiều vật nuôi khác. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cung cấp hàng ngày cho đàn bò cũng đơn giản, chủ yếu là cỏ cắt ngoài tự nhiên. Với ưu thế nơi anh sinh sống có nguồn cỏ tự nhiên dồi dào nên đàn bò sinh trường, phát triển tốt.

“Buổi sáng tôi đi cắt cỏ, đến trưa cho bò ăn, buổi chiều tiếp tục cắt thêm cỏ đợt 2. Mỗi ngày tôi cho bò ăn 2 lần hết khoảng 500kg cỏ. Những ngày trời mưa không đi cắt cỏ được, tôi lấy rơm khô dự trữ sẵn để cho bò ăn”, anh Thuận nói và cho biết thêm, đàn bò được anh nuôi nhốt trong chuồng nên không tốn nhiều công chăm sóc.

Nguồn thức ăn chủ yếu được anh Thuận cung cấp cho đàn bò là cỏ tự nhiên và rơm khô. Ảnh: Phương Chi.

Nguồn thức ăn chủ yếu được anh Thuận cung cấp cho đàn bò là cỏ tự nhiên và rơm khô. Ảnh: Phương Chi.

Đối với bò sinh sản và bò thịt, ngoài cỏ tươi và rơm khô, anh còn cho bò ăn thêm thức ăn tinh. Với bò thịt, sau khi nuôi 18 tháng bắt đầu vỗ béo (bổ sung thêm thức ăn tinh), từ 24 tháng trở lên anh bắt đầu xuất bán.

Theo anh Thuận, sở dĩ vỗ béo thêm trong 6 tháng để bò gia tăng thêm trọng lượng, từ đó gia tăng thêm lợi nhuận. Đối với giống bò BBB, chăm sóc trên 15 tháng là có thể xuất bán được, còn bò giống thì từ 8 - 9 tháng.

Mỗi ngày, đàn bò của anh Thuận tiêu tốn hết khoảng 500kg cỏ. Ảnh: Phương Chi.

Mỗi ngày, đàn bò của anh Thuận tiêu tốn hết khoảng 500kg cỏ. Ảnh: Phương Chi.

Để bảo vệ đàn bò khỏe mạnh, công tác tiêm phòng vacxin được anh Thuận chú trọng. Hàng năm, anh tiêm phòng định kỳ 3 loại vacxin gồm tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, lở mồm long móng cho đàn bò. Việc tiêm phòng đầy đủ giúp đàn bò có sức đề kháng tốt nên anh rất yên tâm trong việc chăn nuôi.

“Từ trước đến nay đàn bò của tôi chưa xảy ra tình trạng bệnh dịch tràn lan, chỉ xuất hiện tình trạng bỏ ăn. Đàn bò được tôi theo dõi hàng ngày, khi phát hiện cá thể bò nào có vấn đề tôi báo ngay cho cán bộ thú y xã xuống kiểm tra và trị bệnh, sau 2 - 3 ngày bò đã khỏe”, anh Thuận cho hay.

Hiện nay, mỗi con bò thịt được anh Thuận bán với giá hơn 35 triệu đồng. Ảnh: Phương Chi.

Hiện nay, mỗi con bò thịt được anh Thuận bán với giá hơn 35 triệu đồng. Ảnh: Phương Chi.

Nhờ làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn bò, cộng với nguồn thức ăn có sẵn, tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp nên đàn bò con nào cũng lớn nhanh. 

Đến nay, anh Thuận đã xuất bán được 2 đợt. Đợt đầu tiên xuất bán 6 con bò BBB và 1 con bò thịt vào giữa năm 2022, thu tổng cộng 320 triệu đồng. Tiếp đến, vào cuối năm 2023 anh bán thêm 4 con bò giống và 4 con bò thịt, thu về gần 200 triệu đồng.

Ngoài nuôi bò sinh sản, anh Thuận còn phối giống bò BBB. Ảnh: Phương Chi.

Ngoài nuôi bò sinh sản, anh Thuận còn phối giống bò BBB. Ảnh: Phương Chi.

Sau hơn 4 năm gây đàn, đến nay đàn bò của anh đã đẻ được 3 lứa, gia tăng số lượng đàn lên đến 25 con. Nhờ chuyển sang nuôi bò, đến nay kinh tế gia đình anh Thuận đã khá giả hơn trước, thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Ngoài nuôi bò sinh sản để bán giống và vỗ béo bán thịt, anh còn phối thêm giống bò BBB để nuôi, vỗ béo xuất bán.

Hiện nay, người dân lựa chọn nuôi giống bò BBB bởi giống bò này có nhiều ưu điểm vượt trội như trọng lượng lớn, ngoại hình đẹp, thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt xẻ cao. Bò BBB có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, trong khi nguồn thức ăn và điều kiện chăm sóc như các giống bò địa phương.

Bên cạnh đó, bò BBB tăng trọng nhanh, không kén ăn, ít xảy ra dịch bệnh, rất phù hợp với việc nuôi nhốt nên người dân có thể tranh thủ thời gian làm thêm các công việc khác.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.