| Hotline: 0983.970.780

Chặng đường mới cho ngành hàng xuất khẩu triệu đô ở Bảo Lộc

Thứ Tư 05/07/2023 , 07:11 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Bảo Lộc xác định chè và dâu tằm tơ là những ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, mang về nguồn thu hàng chục triệu USD mỗi năm.

Chè, dâu tằm tơ thu về 15 - 21 triệu USD

Theo UBND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), những năm qua, địa phương đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, tập trung xây dựng và phát triển ngành trà (chè) và dâu tằm với các thương hiệu “Trà B’Lao”, "Lụa tơ tằm Bảo Lộc”.

Tổng diện tích chè hiện nay của thành phố Bảo Lộc khoảng 2,5 nghìn ha. Ảnh: Minh Hậu

Tổng diện tích chè hiện nay của thành phố Bảo Lộc khoảng 2,5 nghìn ha. Ảnh: Minh Hậu

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho hay, cây chè được trồng tại thành phố từ trước năm 1930 với các giống chính gồm Trung du, Shan và đến những năm 90 có thêm các giống như Shan LĐ 97, TB 11, TB 14. Những giống mới này được sản xuất bằng phương pháp vô tính, có chất lượng cao và năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha. Đến năm 2000, ngành sản xuất trà của địa phương tiếp tục phát triển với các giống chất lượng cao như Kim tuyên, Tứ quý, Thúy Ngọc, Olong. 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, hiện nay tổng diện tích trà tại địa phương khoảng 2,5 nghìn ha. Hoạt động sản xuất, chế biến trà ở địa phương này cũng thay đổi công nghệ theo thời gian. Các quy trình sản xuất chế biến hiện đại, tự động hóa một số công đoạn từ thu hái, chế biến phân loại thành phẩm được áp dụng.

Hiện nay, nhiều cơ sở đã đầu tư máy vò, máy sao, máy sấy để sản xuất trà thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè đen nhập từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, đưa các thiết bị tách màu, máy đóng trà túi lọc, máy đóng gói vào sản xuất nhằm tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.

Các giống chè mới được đưa vào sản xuất có nhiều ưu điểm như trọng lượng lá lớn, khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu

Các giống chè mới được đưa vào sản xuất có nhiều ưu điểm như trọng lượng lá lớn, khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Minh Hậu

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, hiện nay sản phẩm trà của địa phương được tiêu thụ rộng khắp ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, mỗi năm có gần 12 nghìn tấn chè xanh, chè xanh ướp hương, Olong được tiêu thụ trong nước. Các sản phẩm chè đen, chè xanh, chè xanh uớp hương được xuất khẩu qua Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Afghanistan, Pakistan, Ảrập Xêút, Trung Quốc. Một lượng lớn sản phẩm cũng được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ. Giá trị xuất khẩu từ các sản phẩm chè hàng năm của địa phương này đạt khoảng 15 triệu USD.

Không những ngành chè, những năm qua, Bảo Lộc còn tập trung phát triển ngành dâu tằm tơ và lĩnh vực này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ngành nông nghiệp Bảo Lộc, hiện nay địa phương có khoảng trên 700ha dâu phục vụ nhu cầu sản xuất từ 32 nghìn đến 33 nghìn hộp trứng tằm/năm, tương đương khoảng 1,4 đến 1,5 nghìn tấn kén.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng Phòng kinh tế thành phố Bảo Lộc cho biết, để nâng cao giá trị ngành dâu tằm tơ, địa phương đã đưa các giống dâu mới cho năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất. Cùng với đó, việc nhập khẩu trứng tằm, đáp ứng giống tằm sản xuất cũng được địa phương quan tâm, phát triển.

Bảo Lộc được xem là 'thủ phủ' ngành dâu tằm của Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu

Bảo Lộc được xem là "thủ phủ" ngành dâu tằm của Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu

Đối với lĩnh vực dâu tằm tơ, các sản phẩm như tơ, lụa của thành phố Bảo Lộc được xuất khẩu qua các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, các nước châu Âu, các nước vùng Trung Đông… Theo UBND thành phốP Bảo Lộc, kim ngạch xuất khẩu tơ lụa hàng năm của địa phương đạt khoảng 21 triệu USD.

Để đảm bảo phát triển ngành tơ lụa, UBND thành phố Bảo Lộc tổ chức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 276882/QĐ-SHTT ngày 27/02/2017. Đến nay, UBND thành phố Bảo Lộc đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” cho 14 doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng, thu hút đầu tư

Với những lợi thế của mình, Bảo Lộc xác định ngành trà và dâu, tằm tơ là lĩnh mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Trong đó, thành phố tập trung vào thực hiện tái cơ cấu ngành, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Cùng với đó, cải tạo vườn trà già cỗi, kém chất lượng sang phát triển các giống trà mới, chất lượng cao.

Thành phố cũng tiếp tục hỗ trợ khuyến nông, khuyến công, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu trà, tơ lụa Bảo Lộc ra thị trường quốc tế...

Bảo Lộc cũng tổ chức, phát triển ngành trà, tơ lụa theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng nguyên liệu trà, dâu tằm và đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị.

Thành phố Bảo Lộc tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để được nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Thành phố Bảo Lộc tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để được nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc thông tin, hiện nay địa phương đã đưa ra các giải pháp trong phát triển ngành chè và dâu tằm tơ. Trong đó, đối với phát triển chè, song song với việc phát triển vùng nguyên liệu, thành phố tập trung vào định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất. Đặc biệt, xây dựng mô hình chuyên canh cây trà theo hướng an toàn ở các khu vực có lợi thế về đất đai, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thúc đẩy liên doanh, liên kết trong sản xuất...

Ở lĩnh vực dâu tằm tơ, Bảo Lộc ưu tiên và tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống mới cho năng suất và chất lượng cao, thích ứng với các tiểu vùng khí hậu nhằm khai thác lợi thế vùng. Theo UBND thành phố Bảo Lộc, địa phương sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để được nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư các dự án phát triển trứng giống tằm và đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nghiên cứu, lai tạo các giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, địa phương sẽ tập trung phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các làng nghề dâu, tằm tơ. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, tăng phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gắn với truy xuất nguồn gốc để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

 Việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất giúp tạo ra các sản phẩm tơ lụa có chất lượng cao. Ảnh: Minh Hậu 

 Việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất giúp tạo ra các sản phẩm tơ lụa có chất lượng cao. Ảnh: Minh Hậu 

Các giải pháp về cơ chế, chính sách trong phát triển ngành dâu, tằm tơ cũng được Bảo Lộc quan tâm. Theo đó, địa phương này sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào nghiên cứu, sản xuất giống tằm, giống dâu. Đồng thời hỗ trợ về thuế, vốn vay cho các tổ chức nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc theo đường chính ngạch.

UBND thành phố Bảo Lộc còn chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách và lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án khác để thực hiện hiệu quả ngành dâu, tằm tơ; tập trung vào thu hút các thành phần kinh tế có năng lực vào đầu tư phát triển sản xuất dâu, tằm tơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, phát triển ổn định.

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh trà, trong đó có khoảng 70 doanh nghiệp và khoảng 90 cơ sở sản xuất. Sản lượng sản xuất các loại trà hàng năm của địa phương đạt khoảng 23 nghìn tấn.

Đối với lĩnh vực dâu, tằm tơ, địa phương hiện có 29 doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất. Trong đó có 10 doanh nghiệp ươm tơ, 9 doanh nghiệp dệt, 1 doanh nghiệp in, chải, nhuộm, 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm, 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm. Ngoài ra còn có khoảng 10 hộ gia đình ươm tơ cơ khí. Sản lượng sản xuất, sản lượng tơ khoảng trên 1 nghìn tấn/năm, sản lượng vải lụa khoảng 5 triệu mét.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.