| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng thanh long tốt nhưng chưa bán được giá cao thì ai trồng

Thứ Sáu 29/09/2023 , 13:23 (GMT+7)

TP.HCM Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu quan điểm tại Hội nghị 'Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam' ngày 29/9 do Bộ NN-PTNT và UNDP phối hợp tổ chức.

Hội nghị 'Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tạo hành lang pháp lý bền vững cho phát triển thanh long

Hội nghị do Bộ NN-PTNT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, vấn đề kinh tế xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững đang là chủ đề được Chính phủ Việt Nam, các Bô, ngành, tổ chức quốc tế rất quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nam, thanh long là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với diện tích khoảng 55.000ha và sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.

"Đây là lợi thế rất lớn tập trung ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số vùng nhỏ ở một số địa phương khác. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là nâng cao chất lượng, giá trị hiệu quả thanh long để tạo hành lang pháp lý bền vững cho sự phát triển. Vấn đề đặt ra là thực hiện quy trình như thế nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt vấn đề.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT đang quan tâm đến vấn đề chỉ đạo về các mặt hàng nông lâm thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, trong đó có thanh long.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để phát triển ngành thanh long bền vững thì điều đầu tiên là phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải và nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Do đó, Thứ trưởng đề nghị, Hội nghị tập trung bàn để triển khai được các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải, nhưng phải đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm.

Thứ hai, phải tổ chức lại sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết. “Dù giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì không hiệu quả, không đem lại giá trị gia tăng. Chất lượng thanh long tốt nhưng chưa bán được với giá cao thì ai trồng làm gì”, Thứ trưởng nói và cho biết thêm, thanh long hiện nay vẫn đạt chuẩn, vẫn có chất lượng nhưng chưa làm gia tăng giá trị. Do đó, cần xác định vai trò của từng thành phần tham gia trong chuỗi.

Thứ ba, phải tập trung kết nối chuỗi cung ứng thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, đảm bảo giá trị gia tăng.

"Đó là 3 vấn đề, là bộ khung cơ bản để xây dựng một vùng thanh long phát triển bền vững tại Việt Nam", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định và cho biết thêm, hiện Bộ NN-PTNT vừa trình Chính phủ Đề án xây dựng chuỗi giá trị cung ứng nông sản đến năm 2030 - 2050, do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải có các vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo cung cấp đầu vào đầu ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ thống theo dõi việc giảm phát thải các bon trong toàn chuỗi

Theo ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, UNDP đã hỗ trợ cho chương trình chuyển đổi xanh để chuỗi thanh long trở thành chuỗi giá trị xanh từ năm 2020 đến nay. Nhiều nhà sản xuất thanh long, HTX đã tiếp nhận và thực thi chương trình sản xuất xanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm thanh long cao hơn.

"Hiện nay, chúng ta đã có quy trình về tưới tiêu, sử dụng các biện pháp chiếu sáng ra hoa sử dụng đèn led để tiết kiệm năng lượng, cũng như nhiều kỹ thuật mới đang sử dụng, đang được áp dụng. Nhiều nhà sản xuất cũng đang quan tâm đến việc thực hiện các chương trình truy xuất nguồn gốc trên điện tử để có thể tăng thêm giá trị của thanh long khi đưa ra thương mại trên thị trường", ông Patrick Haverman nói và cho biết thêm, hiện nay nhiều sản phẩm thanh long đã có mã QR và nhiều mô hình sản xuất thanh long bền vững, sản xuất xanh là một hình mẫu tuyệt vời.

Từ đó, giúp có những ý tưởng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh của ngành thanh long ở Việt Nam.

Ông Patrick Haverman khẳng định, UNDP muốn mở rộng thông lệ và cách sản xuất thanh long xanh bền vững, giảm phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu ở các vùng sản xuất chính của thanh long Việt Nam, từ đó cũng chính là giúp cho ngành thanh long tham gia chuỗi giá trị cấp toàn cầu.

Theo Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, để phát triển thanh long bền vững, Việt Nam cần phải cân bằng các vùng sản xuất thanh long ở Việt Nam tập trung vào chất lượng hơn là sản lượng, số lượng; cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung, và có thể áp dụng các biện pháp về canh tác đạt chuẩn GAP, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần phải chuyển sang tư duy sản xuất hướng đến thị trường và thiết lập các vùng sản xuất chuyên biệt về thanh long phù hợp với nhu cầu xuất khẩu ở các thị trường chính. Song song đó, cần sản xuất xanh, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Bà Lê Phương Chi, Giám đốc HTX DVSX thanh long Hàm Minh 30 (Bình Thuận) giới thiệu các sản phẩm với Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Lê Phương Chi, Giám đốc HTX DVSX thanh long Hàm Minh 30 (Bình Thuận) giới thiệu các sản phẩm với Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Người sản xuất thanh long cần phải có các chứng nhận về sản xuất và thông lệ sản xuất tốt, cần có áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, hợp tác công tư quan trọng để giúp chúng ta nâng cấp được mối liên kết trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu và cùng nhau có thể xây dựng cơ sở hàm logictis hoàn chỉnh để hỗ trợ cho ngành thanh long.

Theo ông Patrick Haverman, dựa trên một số nghiên cứu, 4 trên 5 người tiêu dùng ở châu Âu khi mua thực phẩm muốn thấy các sản phẩm nông nghiệp có nhãn giảm phát thải. Do đó, việc thực hiện các biện pháp sản xuất giảm phát thải, tối thiểu chi phí sản xuất cũng như tăng cường chất lượng của sản phẩm, an toàn sản phẩm và tăng cường giá trị kinh tế của sản phẩm trong toàn chuỗi là điều cấp thiết phải triển khai hiện nay.

Đại diện HTX Thanh long sạch Hòa Lệ giới thiệu sản phẩm làm từ thanh long với Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại diện HTX Thanh long sạch Hòa Lệ giới thiệu sản phẩm làm từ thanh long với Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"UNDP tự hào khi cùng Bộ NN-PTNT giới thiệu các phương pháp luận và các phương pháp điện tử để có thể theo dõi lượng phát thải của chuỗi cung ứng ngành thanh long. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một hệ thống để theo dõi việc giảm phát thải các bon trong toàn chuỗi từ nhà sản xuất, tiêu dùng.

Đây là công cụ rất quan trọng cho các nhà sản xuất ở Việt Nam và các công ty Việt Nam có thể theo dõi mức độ phát thải ở mỗi công đoạn khác nhau trong chuỗi sản xuất để có thể đạt được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, thị trường phát triển cao đòi hỏi sản xuất và sản phẩm các bon thấp", ông Patrick Haverman thông tin.

Hội nghị còn tập trung trao đổi những thông lệ tốt nhất về thương mại thanh long trên thế giới cũng như các phương pháp, chuẩn mực tốt về sản xuất thanh long xanh, bền vững, để tìm các ý tưởng mới giúp gia tăng giá trị chuỗi thanh long ở Việt Nam.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất