| Hotline: 0983.970.780

Cháu cứ cố giữ thăng bằng giữa hai nhà

Thứ Tư 28/06/2017 , 06:40 (GMT+7)

Không thuyết phục bố mẹ cháu góp thì nhà vợ cho, cứ cầm và đưa vợ về nhà cho ông bà đỡ đần hộ, cháu cứ giữ thăng bằng giữa hai nhà. Cô tin, bố mẹ nào cũng thương con, và khi đã có cháu thì hai nhà sẽ vui sáng lên, mọi chuyện cũ xí xóa, không lo.

Thưa cô,

Cháu và vợ cưới nhau đã 7 năm. Chúng cháu biết mình đã thuộc diện hiếm muộn, do vợ cháu cô ạ. Mấy năm đầu cháu tưởng do mình có mắc quai bị hồi bé, khi cả hai lên thành phố làm thì mới biết do trứng của vợ hay bị non, bị lép. Không phải tắc ống mà thông được, trứng như thế, đành phải thể.

Lần đầu chúng cháu đi chọc trứng để thụ tinh ngoài rồi cấy vào, bố mẹ cháu chu cấp hoàn toàn. Rất đau cho vợ, rất cực cho cháu và rất tốn kém đấy cô. Lần thứ hai, chúng cháu tự lực, cháu cố được. Nhưng thai không giữ được. Chúng cháu rơi vào tuyệt vọng.

Lần thứ ba vừa qua, nhà vợ cháu hỗ trợ tất. Một đứa con trai cô ạ, nhưng gần 5 tháng thì đứa bé bị tuột ra chết non. Ông bà nội vật vã ghê gớm. Thương nhất là vợ cháu, bao nhiêu đau đớn đổ lên đầu người phụ nữ, sao muốn có một đứa con mà khổ quá thế cô. Bây giờ thì lần thứ tư được khởi động, vợ cháu cũng đã 31, cháu đã 34 rồi cô.

Bố mẹ cháu có chuẩn bị cho chúng cháu một mảnh đất để xây nhà. Cháu muốn bán nó đi để lấy tiền sinh một đứa con. Cháu là con một, đẻ con để ôm bàn thờ, thì mảnh đất kia cần gì nữa. Em gái cháu ở riêng, cháu vẫn phải phụng dưỡng bố mẹ, có con đã rồi mới tính nhà cửa riêng nếu có điều kiện. Vợ cháu cũng nghĩ như vậy nhưng mẹ cháu thì không nghĩ vậy. Lập luận của bà là con trai đã để vuột, làm gì còn con trai nữa mà mơ. Không làm nữa, thế thôi. Làm sao biết đứa sẽ có là trai hay gái, cháu biết thế, nhưng chả lẽ chúng cháu không thể có nổi một đứa con sao?

Chuyện bắt đầu mâu thuẫn lùng nhùng. Vợ cháu vật vã. Thế còn làm gì nữa, ai bảo sẽ thành công mà làm hở cô? Bố mẹ vợ lại đòi chi tiền với điều kiện cháu và vợ về hẳn bên ấy để nhà vợ chăm sóc. Thế thì mất mặt nhà cháu quá đi. Cháu phải xử trí sao đây cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Không hiểu sao giờ việc hiếm muộn lại phổ biến như vậy. Có lẽ do môi trường, không khí, thức ăn, nước uống và cả tâm lý bị stress công nghiệp nữa. Và cũng có lẽ thông tin rộng khắp, chúng ta biết nhiều trường hợp như cháu.

Thật là khổ cực và công phu để tìm một đứa con trong hoàn cảnh các cháu. Đúng, đàn ông khổ tâm chứ đàn bà mới lãnh đủ. Cô nghĩ, có cần không, có cần đến mức đau và khổ như thế không? Quan niệm ôm bàn thờ của người Việt mình quá sâu bền và nặng nhọc, hình như dân Trung Quốc, cái gốc Nho gia đã rời xa triết lý sống này rồi. Nhưng mà người Trung Quốc họ không ôm bàn thờ, không giỗ, họ có ngày thanh minh là quan trọng nhất. Họ dễ rời truyền thống con trai mới là con, đúng không?

Cô hiểu sự bất mãn của bố mẹ cháu. Làm sao không giữ được đứa bé trai bị tuột ra ấy. Cô tìm hiểu và biết, ai đã làm việc này thì người mẹ phải nằm, có người còn treo chân lên để giữ con, và nằm gần bệnh viện để họ can thiệp khi cần thiết, ví như may cổ dạ con lại chẳng hạn.

Vấn đề ở bọn cháu có tâm lý căng thẳng và tiền. Đã mấy lần rồi, chịu sao xiết. Hai bên thông gia bắt đầu hầm hừ, tiền bên chồng tiền bên vợ, eo ơi, tiền. Làm phải có tiền chứ mà trong cảnh này hai nhà không ngồi lại với nhau được. Rất khó để ngồi lại. Nếu muốn, cháu thuyết phục bố mẹ mình thôi, đừng để vợ dính vào. Còn vợ cháu, nếu bố mẹ mình có tiền, còn xoay xở được thì cứ nhận đi đã.

Dĩ nhiên, khi nằm cữ, nằm dưỡng thai thì người nữ nào cũng muốn nằm trong nhà của mẹ mình. Mẹ đẻ của mình, nhờ vả, cầu cạnh, xin xỏ. Mẹ chồng khác mẹ ruột chứ. Vậy nên, lần này nhất định vợ cháu phải ở nhà mẹ đẻ của vợ, cháu đi về với hai nhà, được không? Phải chịu khó (có lúc chịu nhục với người thân), không sao cả, để được việc lớn. Rồi có con, gái trai gì cũng được, sẽ tính sau, hạ hồi phân giải.

Cứ sĩ diện với tiền và với nhau thì làm được gì. Không thuyết phục bố mẹ cháu góp thì nhà vợ cho, cứ cầm và đưa vợ về nhà cho ông bà đỡ đần hộ, cháu cứ giữ thăng bằng giữa hai nhà. Cô tin, bố mẹ nào cũng thương con, và khi đã có cháu thì hai nhà sẽ vui sáng lên, mọi chuyện cũ xí xóa, không lo.

Đáng lo là tâm lý vợ phải tươi, bình tâm, để bước vào một lần nữa và có thể cũng là lần cuối. Cháu cũng vậy, trụ cột, vững, công bằng với hai bên và nín thở vượt qua, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm