Tại cuộc họp đầu tiên với các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT về cải cách hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử, sau khi được phân công nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dù biết các đơn vị hiện đều gặp khó khăn về kinh phí, nhân lực trong thực hiện cải cách hành chính, song không còn con đường nào khác, Bộ NN-PTNT vẫn phải thực hiện, bởi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng Chính phủ, Quốc hội, nhân dân giao phó.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức chỉ còn cách cắt giảm chi tiêu thường xuyên hiện vẫn chiếm trên 63%. Muốn cắt giảm chi thường xuyên phải cắt giảm nhân lực, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
“Xu hướng cải cách là tất yếu của hội nhập và phát triển trên thế giới, quốc gia nào chậm đổi mới là mất cơ hội. Chúng ta phải nhận thức rõ như vậy để có mục tiêu, kế hoạch hành động rõ ràng. Đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, giờ chúng ta phải xác định nói thật, làm thật, hiệu quả thật. Vì vậy, tôi yêu cầu lãnh đạo các đơn vị không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quán triệt.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc thiếu kinh phí, thiếu nhân lực Bộ, ngành nào họ cũng thiếu, không chỉ có Bộ NN-PTNT thiếu. Các Bộ khác họ làm được, Bộ NN-PTNT cũng phải làm được. Sau cuộc họp này, Thứ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải tiếp tục rà soát và mở cửa, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Thực tế, không có doanh nghiệp nào họ xác định bỏ tiền ra nhập khẩu hàng hóa về để cho cơ quan quản lí Nhà nước tiêu hủy.
Ba nhiệm vụ trọng tâm Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao các Tổng cục, các Cục, Vụ, Văn phòng cần tập trung quyết liệt trong thời gian tới, đó là cắt giảm thủ tục hành chính, kết nối một cửa liên thông Quốc gia và Chính phủ điện tử.
"Trước hết, các đơn vị tự rà soát lại các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh để cắt giảm. Thứ hai là nghe phản hồi góp ý từ các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan. Mỗi đơn vị cũng phải xây dựng được cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực mình quản lí. Có lộ trình, kế hoạch cụ thể nâng cấp đường truyền hệ thống từ cấp độ 1 đến cấp độ 4." Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) lo lắng, sau hai năm duy trì được vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các Bộ, ngành năm 2018 và 2019, năm 2020 Bộ NN-PTNT có nguy cơ cao không giữ được vị trí bởi một số đơn vị trong Bộ không có thành tích trong cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.
Ông Ngô Hồng Giang thắng thắn cho rằng, với trên 300 thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa, ông khẳng định không có lãnh đạo đơn vị nào thuộc Bộ NN-PTNT dám tự tin khẳng định đơn vị mình đã cắt giảm thực sự một cách công tâm, khách quan nhất có thể. Từ đó cho thấy, dư địa để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là vẫn còn.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang có hiệu lực thi hành đến 31/5/2020, Bộ NN-PTNT đã thành lập Tổ công tác, rà soát và lập danh mục.
Hiện số ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp theo phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 là 34 ngành nghề với 272 quy định điều kiện. Số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động kinh doanh nông nghiệp là 219 quy chuẩn và 733 tiêu chuẩn.
Số lượng báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh là 15 loại. Số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh là 109 thủ tục. Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hoạt động kinh doanh là 1.768 dòng hàng.