| Hotline: 0983.970.780

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Không thể lảng tránh trách nhiệm

Thứ Tư 10/03/2010 , 10:00 (GMT+7)

Không chỉ người dân ở gần rừng mà mọi người đều phải có ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nguồn lợi từ rừng càng không nên lảng tránh trách nhiệm - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng...

* Giảm 50% số vụ vi phạm về rừng tại các vùng Dự án 

Không chỉ người dân ở gần rừng mà mọi người đều phải có ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nguồn lợi từ rừng càng không nên lảng tránh trách nhiệm - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị sơ kết 1 năm về thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

DN chấp hành, dân hưởng ứng 

Thực hiện chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR) theo QĐ380 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thu phí dịch vụ đối với các đơn vị khai thác tài nguyên từ rừng như: thuỷ điện Đa Nhim, thuỷ điện Đại Ninh, các Cty cấp nước, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. Nguồn thu này để chi trả cho công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó, tại xã Đa Nhim, tỉnh Lâm Đồng, người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại lưu vực hồ thuỷ điện Đa Nhim đã nhận được mức chi trả tiền dịch vụ MTR lên tới 290.000 đồng/ha/năm. 

Đốt cỏ đầu mùa khô chống cháy rừng đầu nguồn thủy điện Đa Nhim (Ảnh: vnphoto.net)

Ông Kon Sơ Ha Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim cho biết nơi đây chủ yếu là người dân tộc Chil và K’Ho thường sống du canh du cư, gần đây mới thay đổi được tập quán nhưng vẫn sống chủ yếu dựa vào trồng bắp, cà phê và nhận khoán bảo vệ rừng nên tỉ lệ hộ nghèo khá cao: 196/636 hộ. Từ năm 2009, việc chi trả dịch vụ môi trường được bắt đầu, tuy thời gian mới được 1 năm nhưng đã tác động đến đời sống dân sinh kinh tế của xã một cách rõ rệt.

Đối với hộ nhận khoán BVR trong vùng thí điểm, đơn giá khoán tăng nhiều hơn, diện tích nhận khoán cũng tăng nhiều hơn nên thu nhập bình quân từ tiền nhận khoán tăng thêm 2,3 triệu đồng/hộ/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 8,5 triệu đồng nhưng năm 2009 tăng lên 11,2 triệu đồng/người/năm. Xoá nghèo cho 28 hộ dân trong xã. Người dân hưởng lợi từ rừng nên đã trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng.

Ở Đa Nhim, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn cùng phối hợp với lãnh đạo thôn phân chia tổ nhóm để hợp đồng nhận khoán, phân công tổ trưởng đại diện kí hợp đồng xác định rõ quyền và nghĩa vụ của từng hộ nhận khoán. Các tổ trưởng sẽ chia ca trực hàng tháng, mỗi ca trực khoảng 6-7 người đi tuần tra rừng. Mùa mưa, tổ chức tuần tra rừng 2-3 lần/tháng, mùa khô, thì thường xuyên tuần tra, trực PCCCR 24/24h. Hàng tháng, Ban Lâm nghiệp xã đánh giá cho từng thôn, buôn nếu hộ nào vi phạm bị giảm trừ tiền khoán. Do có chính sách kết hợp với cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nên năm 2009 số vụ vi phạm xâm hại rừng ở Đa Nhim giảm 50% so với năm 2008.

Nhân rộng: Không đơn giản

Thành công ở Đa Nhim cho thấy chính sách chi trả dịch vụ MTR là một hướng đi đúng, có tác động đa chiều cả về kinh tế xã hội và môi trường. Tuy nhiên, để nhân rộng chính sách này trên phạm vi cả nước đòi hỏi phải huy động một nguồn lực tài chính lớn. Nhưng không phải tất cả các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng nguồn lợi từ rừng đều thực sự có ý thức bảo vệ rừng và sẵn sàng chi phí. Nên ngay từ ban đầu một số đơn vị thuộc đối tượng chi trả đã có biểu hiện “chậm” nộp tiền về Quỹ bảo vệ phát triển rừng. 

Các cựu chiến binh đang đi tuần rừng

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:

Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai thí điểm chính sách tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Song song với chương trình thí điểm các Bộ khẩn trương xây dựng Nghị định. Cần phân định rõ các đối tượng phải chi trả, phân định các nguồn thu tránh chồng chéo đồng thời phải lưu ý tới quy trình phân phối, quản lý các nguồn thu sao cho công bằng.

Tổng số tiền chi trả MTR của Lâm Đồng năm 2009 dự kiến thu gần 55,5 tỉ đồng nhưng đến cuối tháng 1/2010 chỉ thu được 40,3 tỉ đồng. Tại các tỉnh triển khai thí điểm, hiện mới tạm xác định được vài nhóm đối tượng như: các NM thuỷ điện, các DN cấp nước, tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch. Trong đó, số tiền thu được từ hệ thống các DN cấp nước và tổ chức du lịch không đáng kể. Nguồn thu tập trung vào các NM thuỷ điện là đơn vị sử dụng nguồn nước nhiều nhất. Tuy nhiên cũng không dễ dàng bởi theo ông Bùi Sĩ Hoàng - đại diện EVN thì với hạn mức thu 20đ/Kwh thì EVN sẽ phải chi thêm tới gần 700 tỉ đồng/năm trong khi các NM thuỷ điện đã phải chịu thuế tài nguyên nước.

Có thể thấy khó khăn lớn nhất trong chi trả dịch vụ MTR chính là nâng cao ý thức tự giác. Đánh giá tổng kết sau một năm triển khai thí điểm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định đây chính là một chính sách xã hội có tác động giảm nghèo, là một cơ chế quản lý rừng hiệu quả. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền. Bảo vệ rừng là biện pháp bảo đảm ANLT, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu…Vì vậy không chỉ người dân ở gần rừng mà mọi người đều phải có ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nguồn lợi từ rừng càng không nên lảng tránh trách nhiệm.

Những con số sau 1 năm thí điểm

+ Lâm Đồng và Sơn La đã tổ chức việc rà soát diện tích rừng đã giao, cho thuê hoặc khoán bảo vệ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để làm cơ sở cho việc xác định đối tượng được chi trả dịch vụ MTR. Tại tỉnh Lâm Đồng với diện tích rừng rà soát là 545.657 ha, đã xác định được 720 chủ rừng, gồm 13 tổ chức nhà nước, 564 hộ gia đình, 143 DN tư nhân. Tại tỉnh Sơn La với diện tích rà soát là 50.893,90 ha, đã xác định được 4.507 chủ rừng, trong đó 4.094 chủ rừng là hộ gia đình; 136 chủ rừng là nhóm hộ, 105 chủ rừng là cộng đồng và 3 chủ rừng là các tổ chức kinh tế nhà nước, 169 chủ rừng là các tổ chức chính trị xã hội của thôn, bản…

+ Tính đến tháng 2/2010, đã có 7/7 đối tượng là các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất và cung cấp nước sạch đã cam kết thực hiện chi trả tiền dịch vụ MTR năm 2009 với số tiền là 234,421 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng còn nhận được tiền chi trả từ một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn với số tiền cam kết chi trả là 300 triệu đồng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo và phát triển rừng tỉnh Sơn La, Lâm Đồng đã nhận ủy thác tiền do bên sử dụng dịch vụ phải chi trả chuyển đến 117,335 tỷ đồng, đạt 50,05% tổng số tiền bên sử dụng dịch vụ đã cam kết chi trả trong năm 2009.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.