- Con chỉ nói về những nguy cơ ô nhiễm của dự án dệt-nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng, nếu nó trở thành hiện thực, với công nghệ và đánh giá tác động môi trường như hiện nay thôi mà bố, cũng như là những gì con đã nói với bố tối hôm qua.
- Cậu Lưu nó đã báo cáo hết với bố rồi. Đó không phải là việc của con. Tối hôm qua, bố đã nói rất rõ với con về cái lợi cái hại, cái được cái mất, cả công lẫn tư về việc nếu bố ký cấp phép đầu tư cho dự án này rồi còn gì. Bố nghĩ rằng con đã trưởng thành rồi, đã có học, có hiểu biết rồi, thì chẳng nên giấu con làm gì, nên bố mới trải lòng thế.
Bố cứ tưởng rằng sau những lời gan ruột ấy của bố, thì con sẽ hiểu, sẽ đứng về phía bố. Không ngờ con vẫn khư khư cái ý nghĩ gàn dở đó của mình. Con còn trẻ người non dạ, đừng có hăng máu vịt mà lao vào những việc không đâu. Việc này Thường vụ đã quyết rồi.
Cả một tập thể chứ có phải một mình bố đâu, làm sao thay đổi được. Nếu con cứ gây chuyện, thì con sẽ bị coi là kẻ chống lại chủ trương phát triển kinh tế của Thường vụ. Con có biết, nếu bị quy cho tội ấy, thì hậu quả sẽ như thế nào không? Lúc đó, không chỉ con bị xử lý, mà bố cũng bị ảnh hưởng, vì không biết ngăn chặn con.
- Thưa bố. Nói lên sự thật về một nguy cơ không phải là chống lại chủ trương phát triển kinh tế của Thường vụ, mà trái lại, là để bảo vệ chủ trương đó. Quê hương mình cần phát triển, nhưng là phát triển một cách bền vững, lành mạnh, chứ không thể phát triển bằng bất cứ giá nào, kể cả việc đánh đổi không gian sinh tồn của hàng chục vạn con người.
- Thôi thôi thôi thôi. Những cái lý thuyết suông đó của con, bố hiểu rất rõ. Nhưng thực tiễn nó khác xa. Thực tiễn, nhiều khi nói cong mà là thẳng, và ngược lại, chứ nó đâu có nói thẳng là thẳng, nói cong là cong.
Con không nghe câu “mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” à? Bố nhắc lại, là việc đồng ý cho Tập đoàn Thanh Hưng triển khai dự án dệt-nhuộm ở tỉnh ta, Thường vụ đã nhất trí một trăm phần trăm rồi, đã thành nghị quyết rồi. Bố chỉ là người thay mặt Thường vụ để ký cấp phép cho nó thôi.
Cái ghế của bố lúc nào cũng nóng, con hiểu chưa? Bề ngoài thì thằng nào miệng lưỡi cũng như mật, một điều thưa anh hai điều thưa anh, xin chấp hành chỉ đạo của anh thế này, xin chấp hành chỉ đạo của anh thế kia... Nhưng mà bụng dạ thằng nào cũng đầy dao đầy búa, mắt thằng nào cũng chăm chăm rình, chỉ chờ bố sơ hở một tý là tất cả xúm vào đánh hội đồng. Con hãy ngồi yên đấy cho bố nhờ, đừng khiến bố trở thành khó xử...
- Thưa bố. Con không thể khoanh tay nhìn quê hương mình bị tàn phá, bị vùi dập trong ô nhiễm. Dù thế nào thì con cũng quyết theo đuổi việc này đến cùng.
- Thế nghĩa là con quyết chống đối bố, đối đầu với bố?
- Con không chống đối bố, không đối đầu với bố. Cũng không ngăn cản dự án. Con chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải làm rõ công nghệ xử lý chất thải của họ là công nghệ nào? Và bắt buộc họ phải bảo đảm an toàn khi xả thải ra môi trường thôi.
Ông Quỳnh bỗng chồm người lên, đập bàn, gầm lên:
- Bố nói. Mày có nghe không? Hả?
- Thưa bố. Con đã là một người trưởng thành, biết phân biệt đúng sai. Con sẽ nghe bố những gì con thấy là hợp với đạo lý, với pháp luật.
Ông Quỳnh đứng phắt dậy, bỏ lên phòng mình.
Sáng hôm sau gặp nhau, Dung khoe ngay với Hải:
- Ghê cái lão Lưu thật. Chỉ có thế mà lão đã hót với bố em. Lại còn nâng quan điểm rằng là anh và em chống lại chủ trương phát triển kinh tế của Thường vụ. Tối hôm qua, em bị bố “cạo” cho một mẻ. Bác bên nhà có nói gì với anh không?
- Tất nhiên là có. Cũng như em thôi. Cũng nào là chống lại chủ trương phát triển kinh tế của Thường vụ. Nào là tuổi trẻ nông nổi, chỉ hăng máu vịt, chỉ nhìn thấy cái hại nhỏ mà không nhìn thấy cái lợi lớn của dự án đối với nền kinh tế của tỉnh...
- Bây giờ mình tính thế nào, anh?
- Còn tính với toán gì nữa. Hành động thôi. Chúng ta đi gặp tiếp những vị đứng đầu các sở, ngành, và những vị trong Ban Thường vụ...
Chỉ có một điều lạ, là thường ngày, những giám đốc sở hay trưởng các ban, ngành của tỉnh, mỗi khi được Hải ghé thăm, thì đều mừng như bắt được của báu, vồn vã tiếp đãi. Và mỗi khi cần gặp người đứng đầu một cơ quan, thì Hải không phải qua bất cứ ai, cứ đi thẳng vào phòng giám đốc. Dù đang bận bất cứ việc gì, giám đốc cũng dừng lại để tiếp anh.
Cả Dung cũng thế, thậm chí Dung còn được chào đón nồng nhiệt hơn cả Hải. Nhưng hôm nay, mỗi khi hai người đến một trụ sở của một sở hay ban, ngành nào, thì vừa thoáng thấy họ, chánh hoặc phó văn phòng đã vội chạy ra, thông báo rằng lãnh đạo đi vắng. Có những vị không kịp “đi vắng” do hai người xộc vào đột ngột, thì tiếp họ được mươi phút là vội vã đứng lên, cáo bận.
Hải và Dung không biết rằng bố của họ đã điện đến các nơi, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh không được tiếp họ, nếu họ nói đến dự án dệt-nhuộm của Thành Hưng. Sau một loạt những vụ “bắt hụt lãnh đạo” ấy, Hải đã lờ mờ hiểu nguyên nhân. Anh bảo Dung:
- Chúng mình lên Thủ đô, gặp các nhà khoa học, các chuyên gia và báo chí, đề nghị họ vào cuộc.
- Em đồng ý. Để em điện cho chị trưởng phòng xin nghỉ mấy ngày, rồi em đi cùng anh.
Hải có một danh sách khá dài những nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành của đủ các ngành mà anh quen biết. Ngay sáng hôm sau, cầm theo một va ly nặng gốm nhiều bộ hồ sơ của dự án dệt-nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng, anh và Dung lên Thủ đô gặp họ. Tiếp theo, hai người đến một số tờ báo lớn. Nghe hai người trình bày xong, rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia, cũng như nhà báo, đã tỏ thái độ bức xúc, bất bình. Tất cả đều hứa với Hải và Dung là sẽ đọc hồ sơ, và sẽ quyết đồng hành với hai người. Có nhà báo còn nắm chặt tay Hải và Dung:
- Tôi rất ngưỡng mộ hai người. Là con của một vị lãnh đạo cao nhất tỉnh và một vị đứng đầu chính quyền tỉnh, thế mà trước cái sai của họ, vẫn dũng cảm, sát cánh bên nhau, tìm cách ngăn cản để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ môi trường. Hai bạn còn thế, lẽ nào chúng tôi lại đứng ngoài cuộc?