| Hotline: 0983.970.780

'Chim đầu đàn' nuôi tôm công nghệ cao trên 'đất võ'

Thứ Năm 23/02/2023 , 06:05 (GMT+7)

Các công đoạn cung cấp dinh dưỡng cho tôm giống, xử lý môi trường nguồn nước nuôi, đếm tôm trong ao, chẩn đoán bệnh và vận chuyển tôm đều được ứng dụng công nghệ cao…

Việt Úc Phù Mỹ - “chim đầu đàn”

Để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, cách đây 2 năm, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14/5/2021 về việc “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025”, tạo tiền đề để ngành nông nghiệp tỉnh này triển khai thực hiện. Cuối năm 2022, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 vào các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, tạo cơ sở để thu hút thêm các doanh nghiệp có tiềm năng về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn có thêm nhiều “chim đầu đàn” trong các lĩnh vực như Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ, đơn vị đi đầu trong nuôi tôm công nghệ cao ở Bình Định.

Khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thôn Hội Nam, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với diện tích 406ha. Trong đó, riêng Khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm thương phẩm công nghệ cao có diện tích 116,34ha. Đến nay, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đã xây dựng được 10 khu nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1ha, kinh phí đầu tư cho mỗi nhà màng khoảng 6 - 7 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn xây dựng được 49 nhà lưới, mỗi nhà lưới có diện tích 1ha, có giá trị đầu tư 2 - 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ còn xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ Semi Biofloc tại các vùng nuôi tập trung tại tỉnh Bình Định.

Cũng theo ông Phúc, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao tại Bình Định với quy trình nuôi tôm thương phẩm theo chuỗi giá trị khép kín từ tôm bố mẹ đến tôm giống - thức ăn - tôm thương phẩm - chế biến - xuất khẩu.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, kiểm tra sinh trưởng của tôm nuôi của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, kiểm tra sinh trưởng của tôm nuôi của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc cho biết, với sự hợp tác chiến lược của Viện CSIRO (Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia của Úc), từ năm 2010, Tập đoàn Việt Úc đã mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Thành quả của sự hợp tác này là việc tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Tập đoàn Việt Úc đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho ngành tôm Việt Nam.

Việc chủ động được nguồn tôm bố mẹ giúp Tập đoàn Việt Úc sản xuất ra nguồn tôm giống có tỷ lệ sống cao hơn, sức đề kháng tốt và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nguồn tôm giống chất lượng cao của Việt Úc được ra đời thông qua ứng dụng các công nghệ sinh học mới nhất trên thế giới như: Công nghệ di truyền phân tử kết hợp, công nghệ bản đồ nhiệt, công nghệ cấy chip cấp mã số định danh cho từng cá thể tôm, phần mềm quản lý và phân tích dữ liệu chuyên dụng… Tại Bình Định, Tập đoàn đã đầu tư khu sản xuất giống với diện tích 8ha, cung ứng ra thị trường 5 tỷ con giống/năm, cung cấp cho thị trường từ tỉnh Phú Yên đến tỉnh Quảng Bình, riêng ở Bình Định công ty chiếm đến 25% thị phần tôm giống. Đặc biệt, nguồn tôm giống công nghệ cao chuyên độ mặn cực thấp VUS LEADER 1%o của công ty có khả năng tăng trưởng nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn, có thể bổ sung tính trạng thích nghi tốt hơn với độ mặn cực thấp.

Tôm nuôi 70 ngày tuổi của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ, đạt 100 con/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Tôm nuôi 70 ngày tuổi của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ, đạt 100 con/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Quy trình sản xuất tôm thương phẩm của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đang áp dụng là công nghệ Biofloc, Synbiotic. Tỷ lệ thay nước trong 1 vụ nuôi, cả khi thu hoạch không quá 300%, trong khi theo quy trình thông thường tỷ lệ thay nước trong 1 vụ nuôi đến 3.000%. Quy trình nuôi tôm của Việt Úc tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, bảo đảm tôm sạch, hướng đến mục tiêu xuất khẩu nguyên con sang Úc.

“Với quy trình sản xuất công nghệ cao, chúng tôi có thể thả nuôi mật độ 300 - 600 con/m2; nuôi 2 giai đoạn, số vụ nuôi trong năm đạt từ 3,5 đến 4 vụ nuôi/trại nuôi; sản lượng cho đạt từ 40 - 60 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch trong năm 2021 là 1.200 tấn; năm 2022 thu hoạch 1.600 tấn, giải quyết việc làm cho 220 lao động, chủ yếu là người địa phương; năm 2023 dự kiến sẽ thu hoạch 1.800 tấn, giải quyết việc làm cho 250 lao động”, ông Nguyễn Công Cẩn cho hay.

Không ngừng áp dụng công nghệ mới

Vấn đề xử lý nước đầu vào trong nuôi tôm công nghệ cao rất quan trọng. Ttrong bối cảnh biến đổi khí hậu, môi trường nước thay đổi rất bất thường, nên phải liên tục nâng cấp vấn đề xử lý để nguồn nước đầu vào ổn định lâu dài thì nuôi tôm mới bền vững.

Kiểm tra tôm nuôi thương phẩm tại khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Kiểm tra tôm nuôi thương phẩm tại khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Trong sản xuất tôm giống, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đã làm chủ được công nghệ sản xuất tảo, 1 loại thức ăn tươi sống cung cấp chế độ dinh dưỡng cho tôm giống, đặc biệt là công nghệ sản xuất Artemia, 1 loại ấu trùng có chứa nhiều axitamnin, axit béo, chất khoáng, đạm… Đây là loại thức ăn rất cần thiết cho tôm giống trong giai trước khi xuất bán cho khách hàng.

Công nghệ đếm tôm giống tự động bằng máy có độ chính xác cao mà Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đang áp dụng đã giúp công ty kiểm soát được sản lượng tôm, đảm bảo số lượng cung ứng cho thị trường.

“Ao tôm rộng 1ha làm sao con người đếm được trong đó có bao nhiêu con tôm. Thế nhưng khi chúng tôi áp dụng công nghệ dùng sóng sona phát tín hiệu đi và thu về tín hiệu hình thái con tôm, để từ đó máy đếm chính xác trong ao tôm có bao nhiêu con, độ chính xác đến 95% giúp công ty quản lý sản lượng tôm và quản lý thức ăn tốt hơn”, ông Nguyễn Công Cẩn chia sẻ.

Thiết bị vận chuyển tôm bằng thiết bị dùng áp lực hơi kéo nước đưa tôm đi tại khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Thiết bị vận chuyển tôm bằng thiết bị dùng áp lực hơi kéo nước đưa tôm đi tại khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm vào đó, trong những khu nuôi tôm thương phẩm của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đều được lắp đặt máy cho tôm ăn tự động. Sử dụng máy cho tôm ăn tự động giúp tiết kiệm được thức ăn so với phương thức cho ăn thủ công. Phương pháp cho tôm ăn thủ công không kiểm soát được lượng thức ăn thừa nên gây ô nhiễm môi trường nước và đáy ao. Công nghệ PCR trong xét nghiệm, chẩn đoán bệnh cho tôm cũng được Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ đầu tư theo hướng công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế, để sản phẩm được các thị trường khó tính chấp nhận.

“Đặc biệt, cuối năm 2022 đầu năm 2023, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ bắt đầu áp dụng công nghệ vận chuyển tôm bằng thiết bị dùng áp lực hơi kéo nước đưa tôm đi, tôm được vận chuyển đến nơi khác không bằng quạt bơm như trước đây nên tôm không bị xây xát. Tôm được di chuyển đến nơi khác mà vẫn nằm trong nước nên vẫn thoải mái như đang bơi lội trong ao, không bị vớt lên khỏi nước rồi vận chuyển đi vài ba trăm mét trên khô nên tôm không bị sốc. Công nghệ này rất hiệu quả trong nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn và vận chuyển tôm đến nhà máy chế biến”, ông Nguyễn Công Cẩn nói.

Thiết bị cho tôm ăn tự động tại khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Thiết bị cho tôm ăn tự động tại khu nhà màng nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong lần đến thăm khu sản xuất của công ty, trong thơi gian tới đây, Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ sẽ kết hợp sản xuất với làm mô hình “du lịch xanh”. Công ty sẽ tổ chức đưa khách du lịch đi tham quan thực tế, để khách tận mắt nhìn thấy từng công đoạn sản xuất tôm công nghệ cao như thế nào để đáp ứng tính hiếu kỳ. Hoặc đưa người nuôi tôm ở huyện Phù Mỹ và các địa phương khác trong tỉnh Bình Định đến mục sở thị mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Việt Úc để họ thay đổi nếp nghĩ, sau đó thay đổi cách làm trong nuôi tôm để đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.