Giải cứu chính phủ
Đây là lần thứ tư trong 24 năm, chính phủ Mỹ phải đóng cửa và là lần đầu tiên khi một đảng kiểm soát cả lưỡng viện. Theo AFP, dự luật “H.R.195” cho phép chính phủ Mỹ có ngân sách hoạt động tới ngày 8/2, đã được Thượng viện thông qua với tỉ lệ 81-18 và sau đó được chuyển tới Hạ viện. Tại đây, Hạ viện Mỹ cũng nhanh chóng bỏ phiếu phê chuẩn với 266 phiếu thuận và 150 phiếu chống trước khi trình Tổng thống Donald Trump để ông Trump ký ban hành.
Lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer sau khi đạt thoả thuận với lãnh đạo phe đa số Cộng hoà ở Thượng viện, Mitch McConnell |
Diến biến nhanh chóng trên xảy ra sau khi phe Dân chủ chấp nhận nhượng bộ khi đạt được thoả hiệp với phe Cộng hoà về chương trình bảo vệ người nhập cư Dreamer (DACA), chỉ những người nhập cư vào nước Mỹ khi còn nhỏ. Theo ước tính, có khoảng 700.000 người thuộc diện này, sẽ phải đối diện nguy cơ trục xuất trong kế hoạch mới của Tổng thống Donald Trump. Chính phủ Mỹ hồi tuần trước đã phải đóng cửa sau khi hai đảng không thông qua được dự luật ngân sách tạm thời vào phút chót. Lý do, phe Dân chủ muốn buộc phe Cộng hoà phải nhượng bộ, không huỷ bỏ DACA, vốn được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Lãnh đạo phe Cộng hoà Mitch McConnell cam kết sẽ đưa chương trình về người nhập cư ra Thượng viện để bỏ phiếu vào đầu tháng 2. BBC đưa tin giải pháp tạm thời cũng bao gồm thoả thuận giữa hai đảng, sẽ tiếp tục chương trình Bảo hiểm sức khoẻ trẻ em (CHIP) thêm 6 năm. Bên cạnh việc đạt được nhân nhượng từ phe Cộng hoà, một lý do khác khiến phe Dân chủ ủng hộ dự luật trên là những e ngại ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm. Hình ảnh “bắt cóc” chính phủ để bảo vệ người nhập cư có thể khiến nhiều cư tri Mỹ không hài lòng.
Trong ba ngày ngừng hoạt động, hàng loạt cơ quan chính quyền Mỹ đã phải nghỉ việc, nhân viên không được trả lương. Theo ước tính, Mỹ có thể thiệt hại hàng tỉ USD trong 3 ngày vừa qua.
Cuộc chiến chưa hết
Theo giới phân tích, việc thông qua dự luật ngân sách tạm thời chỉ là một bước ngưng trong cuộc chiến giữa hai phe Cộng hoà và Dân chủ. Vấn đề cốt lõi là cả hai đều chưa giải quyết được bất đồng. Điều này dẫn tới khả năng sau ngày 8/2, chính phủ Mỹ có thể lại đối diện với tình cảnh tương tự như vừa xảy ra.
Lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer cho biết, phe Cộng hoà sẽ có 17 ngày để phục hồi chương trình Dreamers, qua đó ngăn việc trục xuất họ. Tuy nhiên, không phải ai trong số các thành viên đảng Dân chủ cũng tin vào điều này. BBC cho biết một loạt nhân vật trong đảng Dân chủ, gồm những người có thể là ứng viên Tổng thống năm 2020 đã lên tiếng phản đối. Cụ thể, các Thượng nghị sĩ Elizabeth Warrren, Kristen Gillibrand, Cory Booker, Bernie Sanders hay Kamala Harris đã bỏ phiếu chống dự luật “H.R.195”.
Ông Harris, (California) tuyên bố, rất khó để tin vào cam kết của ông McConnell đối với chương trình bảo vệ Dreamers. Một người khác là Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của bang California cho biết, bà “rất thất vọng” với việc phe Dân chủ nhượng bộ bởi không có sự đảm bảo nào rằng phe Cộng hoà sẽ ủng hộ Dreamers.
Trong khi đó, phản ứng của ông Trump cũng không đem lại tín hiệu tích cực nào về cơ hội để hai đảng có thể đi tới nhất trí. Tổng thống Trump khi đặt bút ký vào dự luật chi tiêu ngân sách tạm thời chỉ ngắn gọn cho biết, ông hài lòng khi hai đảng đã cân nhắc thấu đáo. Tuy nhiên, ông đồng thời cũng khẳng định sẽ một thoả thuận dài hạn (có thể hiểu về Dreamers) chỉ đạt được khi nó đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước. Cái “tốt nhất” của ông Trump ở đây, như một số tờ báo Mỹ bình luận, là nên trục xuất những người nhập cư có thể sắp bị coi là bất hợp pháp.