| Hotline: 0983.970.780

Choáng với dự báo chi phí đầu vào sản xuất năm tới

Thứ Sáu 10/12/2021 , 14:58 (GMT+7)

Trước niên vụ mới hầu hết nông dân tại nhiều nước thế giới đều bày tỏ lo ngại chi phí đầu vào các loại nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Theo một số ước tính, chi phí đầu vào sản xuất của nông dân Mỹ có thể tiếp tục tăng lên, đe dọa lợi nhuận mùa màng và thu nhập chủ yếu do giá phân bón tăng mạnh. Đồ họa: Agri-Pulse

Theo một số ước tính, chi phí đầu vào sản xuất của nông dân Mỹ có thể tiếp tục tăng lên, đe dọa lợi nhuận mùa màng và thu nhập chủ yếu do giá phân bón tăng mạnh. Đồ họa: Agri-Pulse

Cơ quan Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố dự báo thu nhập mùa vụ trong tháng 12, trong đó thu nhập ròng từ trang trại tăng khoảng 23,2% vào năm 2021 lên 116,8 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ năm 2013 và cao hơn 24,2% so với mức trung bình giai đoạn 2000-2020 (con số này đã được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát).

Tuy nhiên đánh giá về báo cáo của USDA, chuyên gia kinh tế trưởng Roger Cryan của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ nhìn nhận: “Mặc dù giá cả hàng hóa nông sản tăng mạnh nhưng liệu điều đó có thực sự mang lại lợi ích cho nhà sản xuất hay không, còn phụ thuộc vào cách bạn nhìn vào chi phí đầu vào”.

Theo ông Roger, thời gian qua chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng khiến giá phân bón cao hơn, gây khó khăn trong việc mua sắm máy móc, thiết bị và không có ai được giảm giá. Hiện rất nhiều loại chi phí vẫn đang tăng cùng với nhiều bất ổn liên quan đến lạm phát bên cạnh các vấn đề khủng hoảng chuỗi cung ứng, khiến cho nông dân lo ngại rằng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu đầu vào khác sẽ tiếp tục tăng.

“Giá đầu vào phân bón hiện đang rất cao cùng với cả hạt giống và hóa chất. Và nếu ai có thể mua được chúng thì cũng phải mua với giá cao”, Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Mỹ Kevin Scott cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng Agri-Pulse.

Trong khi đó, ông Chris Edgington, Chủ tịch của Hiệp hội những người trồng ngô Mỹ cũng có mối quan tâm tương tự. Ông cho biết, giá đầu vào đang có những tác động nông học khi các nhà sản xuất đang tìm kiếm các loại cây trồng ít thâm dụng đầu vào hơn như đậu nành hoặc lúa mì. Nông dân cũng đang xem xét việc giảm bớt lượng phân bón với hy vọng thời tiết thuận lợi sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng trong năm tới.

“Chúng tôi buộc phải xoay xở bằng cách cắt giảm mạnh tỷ lệ phân nitơ để có được một giạ ngô, hoặc cố tiết giảm chi phí và chờ xem có thể nhận được điều gì”, ông Edgington nói.

Theo Corey Rosenbusch, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Phân bón, giá loại vật tư này có thể tăng nhưng cho biết ông hy vọng sẽ có đủ lượng cho các nhà sản xuất muốn bón phân. Tuy nhiên phát biểu với Agri-Pulse, ông Corey Rosenbusch nói: “Tất cả mọi người mà tôi đã tiếp xúc về nguồn cung đều không nhìn thấy viễn cảnh trên trời rơi xuống”.

Thời điểm biến động giá cả cũng đang ảnh hưởng đến nhiều nông dân khi họ đang đưa ra các lựa chọn về mùa vụ cho năm 2022 như trồng cây gì và trồng như thế nào. Cho dù những quyết định đó có đúng hay không, một khi người nông dân có ý tưởng tốt hơn về chi phí và triển vọng thời tiết, ông Edgington cho biết ông vẫn kỳ vọng tất cả những người trồng trọt cũng sẽ đều làm như vậy.

“Có rất nhiều quyết định đang được cân nhắc mỗi ngày và mùa thu năm nay là thời điểm quan trọng khi mỗi nhà nông đều lên sẵn một kế hoạch chuẩn bị mùa màng. Nhưng kết quả ra sao chúng ta còn phải chờ đến cuối mùa xuân tới, khi mùa màng đã được xuống giống, các cánh đồng được bao phủ”, ông Rosenbusch cho biết.

Tình trạng khủng hoảng thiếu phân bón toàn cầu đang tiếp tục đẩy chi phí đầu vào sản xuất cây trồng tăng vọt. Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images

Tình trạng khủng hoảng thiếu phân bón toàn cầu đang tiếp tục đẩy chi phí đầu vào sản xuất cây trồng tăng vọt. Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images

Hiện chỉ số phân bón ở khu vực Bắc Mỹ trên nền tảng Green Markets đã tăng 265% kể từ tháng 5 năm 2020 và các chuyên gia đều cho rằng, điều đó sẽ không sớm đi xuống. Kevin Jarek, chuyên gia cây trồng và đất thuộc Đại học Wisconsin-Madison, nói rằng nông dân có thể phải đón đợi chỉ số phân bón sẽ chiếm một phần lớn hơn trong ngân sách trồng trọt của họ vào năm 2022.

Theo đó, người trồng ngô có thể dự kiến ​​chi từ 30% -40% ngân sách của họ vào năm 2022 cho phân bón so với giá hiện tại. Trong khi những người trồng đậu tương có thể dự kiến ​​phải chi 20% -30% ngân sách của họ vào năm 2022 cho phân bón, thay vì chỉ 10% của năm 2020. Cùng phép tính này, những người trồng lúa mì dự kiến ​​sẽ chi 40% -45% ngân sách trồng trọt của họ vào năm 2020 cho phân bón, so với 20% của năm 2020.

"Và thật là không may, khi giá các loại vật tư đầu vào vẫn tiếp tục tặng cùng với lạm phát, cho nên mọi thứ vẫn chưa xong", ông Jarek nói, đồng thời khuyến cáo một vài điều để bù đắp chi phí như hãy tính toán kỹ lưỡng việc trồng trọt vì giá của nhiều mặt hàng thiết yếu cho nông trại khác với những năm trước, tiếp đến là cần tính đến thứ tự ưu tiên.

“Nếu chúng ta xem xét một cánh đồng và thấy nó có độ phì nhiêu cao hoặc đủ, thì đó là một cơ hội tốt để giảm lượng phân bón. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra đất và sức khỏe của đất, nông dân có thể cung cấp ít phân bón hơn cho những ruộng khỏe mạnh hơn và tập trung nhiều phân bón hơn cho những ruộng có ít chất dinh dưỡng trong đất hơn”, ông Jarek khuyến cáo.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu mạnh mẽ từ các khu vực trồng trọt chính trên thế giới là động lực chính khiến giá phân bón tăng mạnh thời gian qua. Ngoài ra nhu cầu lương thực, thực phẩm gia tăng trên thị trường thế giới đã làm tăng giá cả các mặt hàng vật tư đầu vào sản xuất và khuyến khích nông dân trên khắp thế giới sản xuất nhiều hơn, đặc biệt là tại Trung Quốc, Ukraine, Nam Mỹ và Mỹ.

Theo WB, việc mở rộng sản xuất trên toàn cầu là một trong những lý do khiến các nhà phân tích cho rằng giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng. Sản lượng ngũ cốc và hạt có dầu trên toàn cầu năm nay dự kiến ​​sẽ tăng 3,2%, tức nhiều hơn gần 106 triệu tấn so với tổng sản lượng của năm ngoái.

Giá hàng hóa nông sản cao hơn có nghĩa là doanh thu từ trang trại cao hơn, điều này cũng thúc đẩy diện tích cây trồng tăng lên, khiến cho nông dân tăng tỷ lệ sử dụng các chất dinh dưỡng quan trọng như phốt phát và kali. Tuy nhiên còn có một điều trớ trêu khác can dự là hạn hán cũng góp phần vào việc đẩy nhu cầu phân bón tăng mạnh trên toàn cầu.

Ngoài ra việc khí đốt tự nhiên chiếm 40% sản lượng điện ở Mỹ và giá khí đốt tự nhiên đã biến động trong năm nay, trong khi nó cũng là một đầu vào quan trọng cho các nhà máy sản xuất phân bón.

Hiện Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất phân đạm lớn nhất thế giới - với khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Tiếp đến là Mỹ và Ấn Độ đều sản xuất khoảng một nửa của Trung Quốc, trong khi Nga sản xuất khoảng 10 triệu tấn mỗi năm và nhà sản xuất lớn thứ năm, Indonesia, sản xuất dưới 5 triệu tấn.

Trung Quốc cũng là nhà sản xuất phốt phát hàng đầu thế giới với sản lượng khoảng 20 triệu tấn mỗi năm, trong khi Mỹ sản xuất dưới 5 triệu tấn, tiếp đến là Ấn Độ, Nga và Maroc.

Canada vẫn dẫn đầu về sản xuất kali với gần 15 triệu tấn mỗi năm, xếp sau là Belarus và Nga, mỗi nước chiếm khoảng một nửa khối lượng của Canada, còn lại là Trung Quốc và Israel.

(Agri-Pulse)

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất