| Hotline: 0983.970.780

Chọn giống lợn bằng công nghệ di truyền, phân tích gen

Thứ Ba 03/10/2023 , 06:16 (GMT+7)

Với việc xây dựng thành công quy trình chọn giống lợn bằng công nghệ di truyền và phân tích gen, đã tạo ra đàn giống có năng suất cao, giúp người chăn nuôi hiệu quả.

Hiện tỉnh Khánh Hòa có nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Hiện tỉnh Khánh Hòa có nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Thành công chọn giống lợn hạt nhân

Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn theo quy mô công nghiệp tại Khánh Hòa.

Những năm qua, công ty này luôn duy trì từ 2.500 - 2.800 nái bố mẹ. Hàng năm công ty sản xuất, cung cấp khoảng 65.000 – 70.000 con lợn thịt thương phẩm, tương đương 6.500 - 7.000 tấn thịt hơi/năm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Với định hướng chiến lược phát triển thành cơ sở chọn tạo giống và nhân giống cung cấp con giống hậu bị bố mẹ chất lượng cao, Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh đã đề xuất tỉnh triển khai dự án: “Chọn tạo đàn lợn giống hạt nhân Yorkshire, Landrace và Duroc bằng công nghệ đánh giá di truyền và phân tích gen tại Khánh Hòa”.

Dự án này do kỹ sư Ngô Xuân Đông, Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh và Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ cùng chủ nhiệm thực hiện.

Theo Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung, gần đây, xu hướng nhập khẩu các giống lợn có tiềm năng di truyền cao như Yorkshire, Landrace, Duroc từ Đan Mạch, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hà Lan, Pháp, Đài Loan rất được ưa chuộng.

Bởi những giống lợn này có nguồn gen di truyền rất cao cả về sinh sản, sinh trưởng và chất lượng thịt. Tuy nhiên, vì có sự chênh lệch về khí hậu, phương thức chăn nuôi giữa những vùng sinh thái khác nhau, việc khai thác tiềm năng của các giống lợn trên tại Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế.

Do vậy, việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ di truyền tiên tiến để chọn tạo ra các dòng lợn có năng suất, chất lượng cao, đồng thời thích nghi với các điều kiện khí hậu, sản xuất ở nước ta là rất cần thiết.

Trên phân tích đó, nhóm nghiên cứu đã chọn đàn lợn Yorkshire và Landrace hạt nhân với quy mô đàn 250 nái và 25 đực và chọn tạo được đàn lợn Duroc hạt nhân với quy mô 50 nái và 10 đực. Tạo ra dòng nái lai tổng hợp giữa Yorkshire và Landrace với quy mô 2.000 nái. Tạo ra đàn lợn lai thương phẩm giữa 3 giống Duroc, Landrace và Yorkshire với quy mô 25.000 con tại Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xây dựng mô hình chăn nuôi 100 con heo bố mẹ cao sản để sản xuất heo thương phẩm tại 3 trang trại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Chọn giống lợn hạt nhân bằng công nghệ di truyền, phân tích gen tại Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh. Ảnh: KS.

Chọn giống lợn hạt nhân bằng công nghệ di truyền, phân tích gen tại Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh. Ảnh: KS.

Con giống thích nghi tốt với khí hậu Việt Nam

Cũng theo Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung, con giống được tạo ra từ dự án thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu, chăn nuôi tại Việt Nam. Giá thành con giống dao động từ 14-15 triệu/nái ông bà và từ 20-25 triệu/đực giống, thấp hơn nhiều so với con giống thuần được nhập về Việt Nam.

Đối với nái lai tổng hợp cho 30 con cai sữa/nái/năm, cao hơn năng suất trung bình hiện nay từ 2-3 con/nái/năm, giúp người chăn nuôi nái lợi nhuận thêm từ 5-10%. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, tạo thêm công ăn việc làm cho người nông dân.

Đàn lợn thương phẩm là sản phẩm của dự án có khả năng tăng khối lượng cao hơn mức trung bình hiện nay khoảng 50g/ngày. Mỗi con lợn thương phẩm giúp người chăn nuôi lãi hơn từ 8-10% so với giống lợn được nuôi hiện nay khi bán cùng mức giá. Mặt khác, việc giống lợn tăng trọng nhanh hơn còn góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm thịt lợn nước ta cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Kết thúc dự án, hàng năm công ty cung cấp cho thị trường mốt số lượng lớn lợn cái hậu bị bố mẹ, lợn thương phẩm có năng suất cao, tương đương với năng suất của các con giống nhập khẩu được nuôi trong điều kiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên con giống được tạo ra từ dự án này sẽ có khả năng thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu, chăn nuôi ở Việt Nam. Giá thành con giống bố mẹ dao động từ 5 - 5,5 triệu/con, thấp hơn từ 2-2,5 triệu/con so với con giống ở các công ty giống nước ngoài đang cung cấp trên thị trường Việt Nam.

Tiến sĩ Đỗ Văn Khiên, Phân viện Thú y miền Trung, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá, dự án mở ra hướng mới phát triển cơ sở tạo giống, nhân giống, cung cấp con giống có chất lượng cao, phục vụ chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đề tài đã góp phần giảm chi phí nhập khẩu giống trong chăn nuôi lợn công nghiệp, cũng như hạn chế được vấn đề dịch bệnh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.