| Hotline: 0983.970.780

Chốt chặn dịch nơi cửa ngõ thành phố lớn nhất nước

Thứ Ba 04/07/2023 , 15:37 (GMT+7)

Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh động vật từ Tây Ninh vào TP.HCM, thành phố sôi động, lớn nhất nước.

Trạm kiểm dịch Suối Sâu. Ảnh: Trần Trung.

Trạm kiểm dịch Suối Sâu. Ảnh: Trần Trung.

Hơn 19 giờ một ngày cuối tháng 6, tại Trạm kiểm dịch Suối Sâu, tiếp giáp với TP.HCM, bữa cơm tối đã được dọn ra nhưng chưa ai ngồi vào bàn ăn. Các thành viên tại trạm mỗi người một việc, người ra hiệu lệnh dừng xe, người phun thuốc khử trùng, người lên thùng xe quan sát để kiểm tra lâm sàng nhằm bảo đảm không có động vật nhiễm bệnh trước khi cho phép tiếp tục lưu thông ra khỏi địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Trao đổi với PV Báo NNVN, anh Nguyễn Thanh Hải, cán bộ kiểm dịch Trạm Suối Sâu thuộc Chi cục Chăn nuôi thú y Tây Ninh cho biết, là tỉnh biên giới với nhiều cửa khẩu và đường mòn lối mở, rất thuận tiện trong việc trao đổi buôn bán... nên Tây Ninh luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm qua đường biên, lối mở.

Cán bộ trạm kiểm tra niêm phong. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ trạm kiểm tra niêm phong. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, do Trạm Suối Sâu vị trí tiếp giáp TP.HCM, thị trường sôi động lớn nhất nước nên trọng trách của trạm rất lớn. Bình quân mỗi ngày có hàng chục lượt phương tiện vận chuyền hàng nghìn gia súc, gia cầm qua trạm, nên cán bộ ở đây luôn xác định thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, không chỉ tỉnh Tây Ninh mà gần 10 triệu dân TP.HCM. Vì thế, cán bộ tại trạm luôn tập trung chuyên môn, không lơ là chủ quan, tăng cường kiểm tra, giám sát liên tục 24/24 giờ, đảm bảo trọng trách được giao.

Theo quy trình phúc kiểm, sau khi xe vào trạm, cán bộ sẽ kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ liên quan khác, kiểm tra số lượng, chủng loại, sản phẩm động vật có đúng với giấy chứng nhận kiểm dịch không, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, kiểm tra tình trạng sức khỏe của động vật, đóng dấu phúc kiểm, ra biên lai thu lệ phí và sau đó sát trùng phương tiện trước khi ra đến và rời khỏi địa phận Tây Ninh.

“Cả trạm có 3 cán bộ, chia làm hai ca trực luân phiên ngày và đêm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác thiếu, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng của huyện sở tại và trạm nhiều khi chưa kịp thời, đồng bộ, đặc biệt là lực lượng thú y không có quyền dừng xe, nhưng trạm luôn nỗ lực khắc phục, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, anh Hải chia sẻ.

Kiểm dịch viên kiểm tra giấy tờ xuất trại. Ảnh: Trần Trung.

Kiểm dịch viên kiểm tra giấy tờ xuất trại. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, cùng với kiểm soát việc vận chuyển động vật, đơn vị cũng chủ động phối hợp chính quyền và thú y địa phương tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nhất là thực hiện 5 không.

Đó là không giấu dịch, không mua bán vận chuyển động vật bệnh, chết, không giết mổ tiêu thụ thịt bệnh, hoặc chết, không vứt động vật chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn tồn dư chất cấm. Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh các các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ để kịp thời phát hiện xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Theo Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Tây Ninh, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm 6 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Công tác quản lý các cơ sở chăn nuôi và giết mổ thực hiện đúng quy định. Trước mối nguy về dịch bệnh, Chi cục phân công rõ địa bàn cho các kiểm dịch viên kiểm dịch từ trang trại đến nơi giết mổ.

“Chi cục đã tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và an toàn thực phẩm cho người dân”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Tây Ninh cho biết.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.