Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định và có xu hướng tăng đàn, riêng đàn gia cầm đạt khoảng 17,3 triệu con.
Huyện Chợ Gạo là địa phương dẫn đầu tỉnh Tiền Giang về chăn nuôi gia cầm với tổng đàn đạt khoảng 8,6 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm phát triển nguy cơ ô nhiễm môi trường càng cao, bởi mỗi ngày, gia cầm thải ra môi trường một lượng phân tươi đáng kể. Nếu xử lý không đúng kỹ thuật gây ra mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Hiện vấn đề xử lý chất thải được người chăn nuôi trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện theo sự hướng dẫn của ngành chuyên môn. Trong đó, giải pháp sử dụng chế phẩm E.M ủ phân gà tươi thành phân hữu cơ truyền thống đang được các trại gà với quy mô lớn ở các xã Bình Phan và Phú Kiết thực hiện đạt kết quả tốt.
Tại trại nuôi gà ác chuyên trứng của bà Phan Thị Diệu (ấp Phú Thạnh, xã Phú Kiết) có tổng đàn hơn 5.000 con. Thông thường, thời gian khai thác gấp 2-3 lần gà thịt nên có lúc cũng xảy ra ô nhiễm môi trường.
Bà Diệu cho hay, từ lúc tham gia mô hình xử lý phân gà tươi bằng chế phẩm E.M mùi hôi ở trại giảm hẳn và không còn xuất hiện ruồi nhặng như trước đây. Hơn nữa, bà còn có nguồn phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng.
Giải pháp xử lý phân gia cầm tươi thành phân hữu cơ thông qua việc sử dụng chế phẩm E.M được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang chủ trì triển khai thực hiện. Qua mô hình thí điểm tại huyện Chợ Gạo, nhiều trại nuôi gà đã thực hiện giải pháp này với 2 mục đích chính là giảm công lao động quét dọn, vệ sinh chuồng trại và hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang tiếp tục nhân rộng kết quả tích cực của giải pháp trên tại 25 trại gia cầm thuộc các huyện, gồm: Châu Thành, Gò Công Tây và một số địa bàn khác tại huyện Chợ Gạo. Qua đó tiến tới giải quyết thành công bài toán vừa phát triển đàn, vừa giảm mùi hôi trong chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 3 trường hợp bệnh cúm gia cầm trên gà. Trong đó, 2 trường hợp ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè và 1 trường hợp ở xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo.
Các trường hợp trên là đối tượng ngoài diện được hỗ trợ vắc xin miễn phí cúm gia cầm. Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ vắc xin miễn phí và tiền công tiêm phòng cho đàn vịt, ngan (vịt xiêm) có số lượng theo chăn nuôi nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi), không bao gồm đàn vịt, ngan của doanh nghiệp. Cụ thể, vịt dưới 3.330 con và ngan dưới 1.790 con.
Trước nguy cơ bệnh cúm gia cầm đang có chiều hướng gia tăng từ nay đến cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang khuyến cáo bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần quan tâm tiêm chủng loại vắc xin cúm và quy trình chủng ngừa theo khuyến cáo trong từng năm.
Khi gia cầm nhập vào cơ sở chăn nuôi phải biết rõ nguồn gốc (đối với giống gia cầm trong tỉnh) hoặc phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật của cơ quan thú y (đối với giống gia cầm ngoài tỉnh).
Bên cạnh đó, bố trí hố sát trùng trước cổng cơ sở chăn nuôi và trước các dãy chuồng, định kỳ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi 1- 2 lần/tuần. Thực hiện chăn nuôi “cùng vào cùng ra”. Sau khi gia cầm xuất chuồng nên để trống chuồng tối thiểu 3 tuần trước khi nhập đàn gia cầm mới.
Nghiêm túc thực hiện 5 Không: Không giấu dịch; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết; Không bán chạy gia cầm bệnh, chết; Không vứt xác gia cầm bệnh, chết ra môi trường.
Bà con chăn nuôi cần hợp tác tốt với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp trong phòng chống bệnh Cúm gia cầm để duy trì phát triển chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang khuyến cao, khi phát hiện gia cầm có hiện tượng chết hàng loạt hoặc liên tục trong nhiều ngày phải báo ngay cho UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp huyện hoặc điện thoại đường dây nóng 0273.3.888.111.