| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng bệnh đàn vật nuôi những ngày cuối năm

Thứ Sáu 08/12/2023 , 14:48 (GMT+7)

ĐBSCL Những ngày tết, nhu cầu các loại thịt tăng cao, do đó các hộ chăn nuôi tại ĐBSCL đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để đảm bảo đủ cung cho thị trường.

Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Hai dội rửa chuồng nuôi 3 lần/ngày, để đảm bảo sức khỏe cho đàn heo. Ảnh: Hồ Thảo.

Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Hai dội rửa chuồng nuôi 3 lần/ngày, để đảm bảo sức khỏe cho đàn heo. Ảnh: Hồ Thảo.

Đón thị trường tết năm nay, bà Nguyễn Thị Hai, ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động tái đàn từ tháng 6 âm lịch.

Hiện, đàn heo 25 con của bà đã được 4 tháng tuổi, sinh trưởng khỏe mạnh. Dự kiến, đàn heo này sẽ xuất chuồng vào khoảng cuối tháng Chạp. Để đảm bảo số lượng con cho đến khi xuất, bà thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, máng ăn, lựa chọn nguồn nước sạch cho heo uống, chú trọng tiêm phòng để tăng sức đề kháng cho heo.

Về việc tiêm phòng, bà Hai chia sẻ: “Mỗi tháng tôi thực hiện tiêm phòng cho đàn heo một lần. Vaccin được mua ở cơ sở thú y có uy tín tại địa phương, có chứng nhận, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, nếu nhận thấy heo có biểu hiện bất thường hoặc chán ăn, tôi sẽ chủ động cách ly với đàn vật nuôi và báo cho cơ quan thú y để kịp thời hỗ trợ”.

Còn theo lão nông Kim Ri Nê, ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh: Không chỉ những hộ chăn nuôi heo, các hộ chăn nuôi bò cũng đang tích cực bảo vệ sức khỏe đàn gia súc khỏi các tác nhân gây bệnh.

Với thời tiết lạnh, ẩm ướt do thỉnh thoảng có mưa lớn như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển và gây hại cho bò. Bò sẽ dễ mắc một số bệnh như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, sán lá gan. Do vậy, ông đã chuyển sang nuôi nhốt đàn bò hơn 30 con của mình thay vì thả lang như vài tháng trước. Ông cũng kết hợp bổ sung vitamin, dưỡng chất cần thiết cho bò thông qua đường ăn uống.

Với thời tiết lạnh, ẩm ướt do thỉnh thoảng có mưa lớn như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển và gây hại cho bò. Ảnh: Hồ Thảo.

Với thời tiết lạnh, ẩm ướt do thỉnh thoảng có mưa lớn như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển và gây hại cho bò. Ảnh: Hồ Thảo.

Bên cạnh ý thức tự phòng bệnh của người dân, ngành chăn nuôi của tỉnh Trà Vinh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm ngừa cho đàn vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh đã tổ chức tiêm phòng lở mồm long móng được 34.200 hộ cho khoảng 180.000 con gia súc/179.167liều, đạt 48 % so với 80% tổng đàn. Trong đó, tiêm phòng trên đàn bò được gần 130.000 con; gia súc khác, gồm: heo 48.000 con, dê 2.400 con.

Ngành chăn nuôi tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm dịch động vật đưa vào tỉnh trong giai đoạn này để tránh mầm bệnh từ bên ngoài.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các Trạm kiểm dịch thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, đảm bảo đúng quy trình đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp về công tác quản lý thú y giữa Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thú y, hạn chế lây lan mầm bệnh nguy hiểm trên động vật và lây sang người, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, cơ quan cũng thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thú y.

Với tinh thần người dân và cơ quan thú y đồng lòng phòng chống dịch bệnh, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 3 cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng ở xã Hưng Mỹ, Hòa Lợi, Phước Hảo (huyện Châu Thành). Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng 1 vùng an toàn dịch bệnh tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang.

Đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được 3 cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng (xã Hưng Mỹ, Hòa Lợi, Phước Hảo, huyện Châu Thành). Ảnh: Hồ Thảo.

Đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được 3 cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng (xã Hưng Mỹ, Hòa Lợi, Phước Hảo, huyện Châu Thành). Ảnh: Hồ Thảo.

Để hạn chế các loại dịch bệnh trong những tháng cuối năm 2023 tại các vùng an toàn nói riêng và toàn tỉnh nói chung, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh chết ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm và làm phát tán dịch bệnh.

Sự chủ động và tích cực trong công tác chăm sóc và phòng bệnh cho đàn vật nuôi của người dân, cùng với sự hỗ trợ và chỉ đạo từ ngành chăn nuôi đã tạo ra một môi trường an toàn, không chỉ bảo vệ sức khỏe của đàn vật nuôi mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong những ngày giáp tết.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.