Theo Tạp chí Bác sĩ gia đình thì chữa đau đầu do viêm xoang có thể dùng bài thuốc sau đây: Tân di-8g; thương nhĩ-8g; cam thảo- 6g; phòng phong- 10g; xuyên khung- 12g; bạch chỉ- 10g; khương hoạt- 10g. Sắc uống.
Nếu đau đầu do cơ thể suy nhược thì dùng: Hoàng kỳ-20g; bạch truật- 16g; thăng ma- 12g; cam thảo- 6g; đương quy- 12g; sài hồ-10g. Sắc uống.
Nếu đau đầu do cao huyết áp thì dùng: Thiên ma- 12g; mạn kinh- 12g; câu đẳng- 12g; cúc hoa- 8g; thảo quyết minh- 20g; hoa hòe- 12g; bạch linh- 12g; phục thần- 12g; trạch tả- 12g. Sắc uống.
* Vừa qua ta tổ chức Đại lễ hội phật đản VESAK Liên hiệp quốc, xin cho biết chữ VESAK có nghĩa là gì?
Trần Thị Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn
Theo thông tin trên mạng (http://vn.answers.yahoo.com) thì Lễ "Vesak", còn gọi là lễ Tam Hợp, là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn. Năm 1950, tại Hội nghị Phật giáo Thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Sri Lanka, đại diện Phật giáo 26 nước thành viên đã thống nhất lấy ngày trăng tròn tháng Visakha theo lịch Ấn Độ (rằm tháng Tư theo lịch Trung Hoa, khoảng trung tuần tháng Năm Dương lịch) - là ngày Đản sinh của Đức Phật - làm ngày lễ Vesak.
Từ đó lễ Vesak trở thành ngày lễ chung của tất cả các Phật tử trên thế giới. Vesak là bắt nguồn từ tên gọi tháng Visakha của Ấn Độ; và vì lễ Vesak được tổ chức nhân ngày sinh của Đức Phật nên mọi người còn gọi là lễ Phật Đản (ngày sinh của Phật). Trong phiên họp khoáng đại ngày 15 tháng 12 năm 1999, Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận ngày lễ Vesak là một ngày lễ quốc tế; đồng thời quyết định hằng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày Lễ Vesak với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Hội đồng. Ngày lễ Vesak là ngày thiêng liêng nhất của mọi Phật tử trên thế giới, là ngày để mọi người cùng tưởng nhớ về cuộc đời và giáo huấn của Đấng Toàn Giác. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 (ngày Vesak Liên Hiệp Quốc) do nước ta đăng cai tổ chức đã diễn ra từ 13 đến 17-5-2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
* Khi làm xét nghiệm mỡ máu thì thế nào là bình thường và thế nào là cao?
Dương Huy Quân, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Khi xét nghiệm máu sẽ có các chỉ số về Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), Cholesterol toàn phần (CT) , Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) và Triglycerid. Đánh giá kết quả như sau:
-LDL-C (mg%): <100- tối ưu; 100-129- gần tối ưu; 130-159- cao giới hạn; 160-189- cao; ≥ 190- rất cao.
-CT (mg%): < 200- bình thường; 200-239- cao giới hạn; ≥ 240- cao.
-DL-C (mg%) : <40- thấp; ≥ 60- cao.
-TG (mg%): <150- bình thường; 150-199- cao giới hạn; 200-499- cao; ≥ 500- rất cao.
Khi ở lứa tuổi trước 30 ai cũng nên làm xét nghiệm mỡ máu (lipid máu) 5 năm 1 lần. Những người cần xét nghiệm mỡ máu thường xuyên hơn là: bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, nghiện thuốc lá, béo phì, cao tuổi, nghi ngờ rối loạn lipid máu, có bệnh động mạch vành…Béo phì liên quan đến nguy cơ tăng mỡ máu. Với người châu Á thì Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) bình thường là 18,5-22,9 (nhỏ hơn là thiếu cân), ≥ 23 là thừa cân; 23-24,9 là có nguy cơ béo phì; 25-29,9 là béo phì độ I; 30-34,9 là béo phì độ II, ≥ 35 là béo phì độ III. Tăng mỡ máu dễ dẫn đến các bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa.