Tây Ban Nha có số người chết cao thứ hai sau Italia, với 9.053 ca tử vong trong tổng số 102.136 trường hợp nhiễm virus, mặc dù tỷ lệ nhiễm mới đang tiếp tục xu hướng giảm, theo số liệu của Bộ Y tế.
Tây Ban Nha đã bị phong toả gần như hoàn toàn kể từ 14/3 và vẫn chưa rõ liệu những hạn chế sinh hoạt có giúp kiểm soát dịch bệnh này hay không. Các quan chức y tế cho biết dịch có thể đang bước vào giai đoạn chững lại.
Việc xử lý khủng hoảng của chính phủ đối mặt với sự chỉ trích từ các lãnh đạo phe đối lập và các đảng trước đây ủng hộ Thủ tướng Pedro Sanchez. Nhiều nhà phê bình nói rằng chính phủ phản ứng quá chậm, tham khảo ý kiến chưa đủ với những người bên ngoài chính quyền và không quyết liệt ngăn chặn virus.
Madrid vẫn là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất, với 3.865 người chết và gần 30.000 ca nhiễm, khiến các bệnh viện và nhà tang lễ quá tải.
Trước đó vào thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán hai tuần tới sẽ "rất đau đớn" khi Nhà Trắng chính thức công bố các mô hình bùng phát của Covid-19 với khoảng 100.000-240.000 ca tử vong.
Vào đầu thứ Tư, số người chết ở Mỹ đã chạm ngưỡng 4.000, gấp đôi so với ba ngày trước đó, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Có 189.510 trường hợp được xác nhận tại Mỹ, nhiều nhất thế giới.
Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, cho biết đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Ông bày tỏ lo ngại xung đột trên toàn thế giới có thể xảy ra. Guterres nói rằng quy mô cuộc khủng hoảng là do căn bệnh đại diện cho mối đe dọa đối với mọi người trên toàn thế giới và tác động kinh tế sẽ mang đến một cuộc suy thoái chưa từng xảy ra.
"Sự kết hợp giữa hai yếu tố trên cùng rủi ro cộng hưởng với bất ổn và xung đột tăng cao là những điều khiến chúng tôi tin rằng, đây là cuộc khủng hoảng thách thức nhất thế giới phải đối mặt kể từ Thế chiến thứ II".
"Một phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn chỉ có thể diễn ra trong sự đoàn kết khi chúng ta tạm quên đi trò chơi chính trị và hiểu rằng nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng".