| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi liên kết sản xuất ngô

Thứ Hai 13/10/2014 , 10:15 (GMT+7)

Trong cơ cấu cây trồng của Bình Định, ngô là cây lương thực có hạt đóng vai trò quan trọng chỉ đứng sau cây lúa...

Chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô là một trong những giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh Bình Định. Để đảm bảo hiệu quả, tỉnh sẽ tổ chức SX ngô theo chuỗi liên kết.

Đưa tiến bộ kỹ thuật vào SX

Trong cơ cấu cây trồng của Bình Định, ngô là cây lương thực có hạt đóng vai trò quan trọng chỉ đứng sau cây lúa; diện tích, năng suất, sản lượng ngô ở tỉnh này tăng dần từng năm. Năm 2013, diện tích trồng ngô ở Bình Định đã đạt đến 8.400 ha. Trong đó, vụ ĐX 2.256 ha, vụ HT 3.176 ha và vụ mùa 2.968 ha.

Nguyên nhân diện tích ngô vụ HT và vụ mùa cao hơn vụ ĐX là do nông dân chuyển nhiều đất lúa chân vàn cao thiếu nước sang trồng ngô để giảm áp lực nước tưới trong mùa hạn. Những địa phương trồng ngô nhiều ở Bình Định phải kể đến các huyện Hoài Nhơn 1.642 ha, Hoài Ân 1.628 ha, Phù Mỹ 1.196 ha, Phù Cát 798 ha, Tây Sơn 701 ha và TX An Nhơn 971 ha.

Trong năm 2013, năng suất ngô ở Bình Định cũng đã có bước tiến rõ rệt, đạt 56,2 tạ/ha, đứng thứ 2 trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, cao hơn 10 tạ/ha so bình quân cả nước.

“Năng suất ngô tăng là nhờ trên 98% diện tích SX ngô sử dụng các giống ngô lai cao sản như SSC 2095, SSC 568, B06, LVN61, CP999, CP989, C919, DK171, PAC999 super, PAC339; các tiến bộ KHKT được nông dân áp dụng vào SX; diện tích ngô chuyên canh đa số trồng trên đất phù sa, đảm bảo nước tưới”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định, cho biết.

Nông dân cũng được chuyển giao kỹ thuật thâm canh ngô tiên tiến như mật độ trồng dày (16 - 20 kg/giống/ha); bón phân cân đối NPK; chú trọng kỹ thuật làm đất, lên luống, phòng trừ sâu bệnh hại. “Đa số diện tích trồng ngô ở Bình Định hiện được trồng luân canh với cơ cấu chính là 1 lúa 1 ngô; 1 lúa 2 ngô, 1 lạc 1 ngô… nhằm hạn chế sâu bệnh hại”, bà Trân cho biết thêm.

“SX ngô trong thời gian tới sẽ được tổ chức theo chuỗi liên kết trên cơ sở mô hình cánh đồng mẫu lớn ở những vùng SX ngô tập trung. Các DN thu mua, sơ chế hoặc các Cty chế biến thức ăn chăn nuôi tham gia vào với vai trò trung tâm; thông qua các tổ chức đại diện như HTXNN để tạo sự gắn kết giữa NM chế biến với nông dân nhằm ổn định giá, tạo động lực để nông dân yên tâm SX”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Theo tính toán của nông dân, trồng ngô lai trên đất lúa 1 vụ/năm tuy chi phí cao hơn SX lúa 5,4 triệu đồng/ha nhưng lãi ròng cao hơn 6 triệu đồng/ha.

Lộ trình phát triển đến 2020

Hiện nay, Bình Định được xem như 1 trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Trung với 7 NM đang hoạt động, tổng công suất thiết kế 765.000 tấn sản phẩm thức ăn/năm. Cuối năm 2014 này, Bình Định sẽ có thêm 6 NM tiếp tục đi vào hoạt động, nâng tổng số lên 13 NM, tổng công suất thiết kế tăng lên hơn 1,9 triệu tấn sản phẩm/năm.

Theo đó, nhu cầu nguyên liệu ngô hạt cần khoảng 600.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, Bình Định cũng là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh, là một 1 trong những tỉnh đứng đầu về số trang trại, gia trại chăn nuôi trong khu vực.

Theo quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020, Bình Định sẽ có đàn heo 1 triệu con, đàn bò 320.000 con, đàn gia cầm 8 triệu con. Do vậy, nhu cầu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng cao. Đó là căn nguyên để Bình Định phát triển cây ngô trong những năm tới.

Theo kế hoạch, đến năm 2015 Bình Định sẽ có khoảng 12.000 ha đất trồng ngô, năng suất đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 69.600 tấn. Đến năm 2020, diện tích ngô trên địa bàn tỉnh này sẽ tăng trưởng đến khoảng 15.000 ha, năng suất tăng lên 63 tạ/ha, năng suất đạt 94.400 tấn.

Trong đó, vùng trọng điểm ngô của Bình Định được quy hoạch là 12.000 ha gồm 6 địa phương là Phù Mỹ 2.500 ha, Hoài Ân 2.500 ha, Hoài Nhơn 2.400 ha, Phù Cát 1.900 ha, Tây Sơn 1.400 ha và TX An Nhơn 1.300 ha.

Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, hộ nông dân tham gia chuyển đổi cây ngô trong những vùng quy hoạch sẽ được hỗ trợ giống với mức 2 triệu đồng/ha trong 3 vụ liên tiếp. Ngoài ra nông dân còn được hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua máy móc, thiết bị phục vụ SX.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Dịch lở mồm long móng nguy cơ quay trở lại

Tại Bắc Kạn, sau nhiều năm bệnh lở mồm long móng trên gia súc tạm lắng, gần đây dịch bệnh nguy cơ bùng phát trở lại.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).