| Hotline: 0983.970.780

Chuyện đặt tên Trà Cổ Việt ở Phìn Hồ

Thứ Sáu 23/06/2023 , 11:03 (GMT+7)

Hợp tác xã chè Phìn Hồ thống nhất đổi tên nhãn hiệu tập thể 'Trà Phổ Nhĩ' sang tên mới 'Trà Cổ Việt' theo gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Trà Cổ Việt ở Phìn Hồ

Hợp tác xã chế biến chè shan tuyết Phìn Hồ được thành lập từ năm 2008 với 52 xã viên 100% là con em dân tộc Dao đỏ sinh sống tại bản Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).

Trải qua 15 năm thành lập, các xã viên đã mày mò từ cách nghĩ, cách làm, tích cực học hỏi, phát triển kinh tế tập thể, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu “Fìn Hò Trà”, tìm kiếm đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm chè trên mảnh đất quê hương mình.

Cụ Triệu Mùi Nghính, 96 tuổi, người Dao bản địa đất Phìn Hồ trở thành 'đại sứ thương hiệu' cho sản phẩm chè shan cổ thụ. Ảnh: Ngọc Tú.

Cụ Triệu Mùi Nghính, 96 tuổi, người Dao bản địa đất Phìn Hồ trở thành "đại sứ thương hiệu" cho sản phẩm chè shan cổ thụ. Ảnh: Ngọc Tú.

Điều khiến người ta ấn tượng và nhớ về sản phẩm trà của HTX chè Phìn Hồ ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó là hình ảnh cụ bà người Dao đỏ trong trang phục truyền thống, gương mặt đẹp thánh thiện, đôi mắt như biết cười đang khoan thai thưởng thức chén trà của quê mình. Những nếp nhăn của thời gian như những dòng kênh kẻ vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp trên gương mặt cụ.

Gương mặt tuổi già đẹp đẽ ấy là “đại diện thương hiệu” của các sản phẩm trà do chính con cháu người Dao đỏ - hậu duệ của cụ trên bản Phìn Hồ sản xuất ra; là biểu tượng của những rừng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi của Hoàng Su Phì.

Cụ là Triệu Mùi Nghính - người Dao bản địa đất Phìn Hồ - cái nôi thành lập nên HTX. Năm nay, cụ Nghính 96 tuổi, cụ có 4 người con 3 trai 1 gái. Dù ở tuổi trăm năm, cụ Nghính vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ luôn giữ thói quen uống chè từ những rừng chè xung quanh nhà. Cụ là một minh chứng về tuổi thọ của những cây trà Shan tuyết cổ thụ ở đây.

Lý Mùi Mương (bìa phải), nữ Phó giám đốc HTX chè Phìn Hồ. Ảnh: Ngọc Tú.

Lý Mùi Mương (bìa phải), nữ Phó giám đốc HTX chè Phìn Hồ. Ảnh: Ngọc Tú.

“Ở thôn Phìn Hồ, các ông bà trong thôn có tuổi đến 80 trở lên đều có thói quen uống trà và khỏe mạnh. Cụ Triệu Mùi Nghính có một cuộc sống luôn vui vẻ hạnh phúc, có một thần thái đặc biệt đối với làng Dao nơi đây.

Cụ bà là một ngưòi thông minh từ khi còn trẻ tuổi, rất yêu thích trà. Khi lớn tuổi, cụ vẫn thường xuyên uống trà. Có lẽ nhờ thói quen này nên sức khỏe của cụ luôn duy trì như khi còn trẻ. 95 tuổi nhưng cụ chưa từng một lần đi nằm bệnh viện, hiếm khi cụ bà đau ốm.

Hằng ngày, cụ bà vẫn lên nương hái chè cùng con cháu, tham gia các sự kiện của bản. Cụ Nghính không biết chữ nhưng biết hát nhiều làn điệu của dân tộc Dao. Cụ là hình ảnh cầu thị mong muốn cây chè luôn là cây kinh tế giúp cho bà con bản địa. Hợp tác xã đã quyết định xin phép cụ Nghính để lấy hình ảnh bà cụ để đại diện thương hiệu bà con nhân dân và HTX với nhãn hiệu “Fìn Hò Trà” – Lý Mùi Mương, Phó giám đốc HTX chè Phìn Hồ lý giải.

Sản phẩm Trà Cổ Việt của HTX chè Phìn Hồ. Ảnh: Ngọc Tú.

Sản phẩm Trà Cổ Việt của HTX chè Phìn Hồ. Ảnh: Ngọc Tú.

Sinh năm 1985, lãnh đạo HTX chè của Phìn Hồ là một phụ nữ người Dao trẻ trung, năng động và xinh đẹp. Mương cho hay, khi lớn lên em đã thấy hình ảnh những cây chè cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, có những cây 5 – 6 trăm năm sừng sững, thân thuộc ở bản Phìn Hồ.

“Cây trà Shan tuyết cổ thụ ở đây được trồng, sinh trưởng và phát triển từ rất lâu đời. Cũng không ai biết rõ những cây trà này được trồng từ bao giờ. Từ đời ông bà chúng em khi lớn lên nhận biết được thì cũng đã cùng bố mẹ đi hái chè trên những nương chè này.

Địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ sương mù gần như quanh năm. Cây chè hoàn toàn phát triển dựa trên những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Người dân chỉ thu hái, phát quang cỏ và đốn cành hằng năm mà không phải chăm bón”, Lý Mùi Mương nói về cây chè Shan đầy tự hào.

Khát vọng đưa chè Shan Phìn Hồ ra thế giới

Sự mạnh mẽ, quyết tâm của 52 xã viên đã giúp HTX chè Phìn Hồ sản xuất được 7 dòng sản phẩm với 28 mẫu mã khác nhau, trong đó có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao.

Từ gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, HTX chè Phìn Hồ đã quyết định đổi tên 'trà Phổ Nhĩ' sang tên mới 'Trà Cổ Việt'. Ảnh: Ngọc Tú.

Từ gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, HTX chè Phìn Hồ đã quyết định đổi tên "trà Phổ Nhĩ" sang tên mới "Trà Cổ Việt". Ảnh: Ngọc Tú.

Để đảm bảo tính bền vững đầu vào của vùng nguyên liệu, HTX đã liên kết với trên 500 hộ dân và cơ cấu chứng nhận chè Shan tuyết hữu cơ trên 300ha, trong đó có 141 ha chè Shan tuyết hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu…

Nối tiếp sự thành công, năm 2020, Hợp tác xã chè Phìn Hồ thành lập “Công ty chè Cổ Thụ Việt Nam” – mô hình công ty trong hợp tác xã, một điều có lẽ sẽ là mới mẻ với nhiều mô hình HTX và không phải ai cũng biết. Đây được kỳ vọng là hướng đi mới giúp sản phẩm từ cây chè Shan bản địa vươn cao, vươn xa hơn ra ngoài thế giới.

Lý Mùi Mương, phó giám đốc HTX cũng đồng thời là giám đốc Công ty chè Cổ Thụ Việt Nam.

“Chúng em nghĩ điều này. Các đối tác muốn ký hợp đồng hợp tác, đặc biệt khách nước ngoài họ ít hiểu HTX là gì. Pháp nhân công ty sẽ thuận và phổ dụng hơn trong việc đại diện bà con làm việc với những đối tác mua hàng. Mục tiêu quan trọng khác, đó là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè Phìn Hồ ra thế giới” - Mương giải thích.

Rừng chè Shan cổ thụ ở Hoàng Su Phì. Ảnh: Ngọc Tú.

Rừng chè Shan cổ thụ ở Hoàng Su Phì. Ảnh: Ngọc Tú.

Mỗi năm, cây chè ở Hoàng Su Phì cho thu hoạch 3 - 4 vụ. Có thể nhờ lứa hái thưa và sự phát triển tự nhiên, không bị tác động bởi hóa chất, phân bón hóa học cùng với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây chè, chè búp tươi có hương thơm đặc trưng của cây cổ thụ. Trà cổ Việt có vị đậm đà, trà pha được rất nhiều tuần nước, khi thưởng thức vị ngọt hậu của trà sẽ kéo dài, ở lâu trong miệng người thưởng thức.

Hiện, sản lượng của HTX chè Phìn Hồ đạt 50 tấn/năm là loại sản phẩm cao cấp. Thu nhập bình quân của các xã viên đạt mức 7-10 triệu đồng/tháng đối với xã viên làm việc ở bộ phận sản xuất, chế biến chè tại HTX. Các hộ liên kết vùng nguyên liệu trồng chè đạt mức thu nhập trung bình 50 triệu đồng/năm. Đó là một con số mơ ước ở vùng cao Hà Giang.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn cho biết, địa phương tiếp tục duy trì cơ cấu mùa vụ hợp lý, khuyến khích người dân phát triển đa dạng nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng và có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hình thành các tổ hợp tác, HTX chuyên ngành tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cây chè, Hoàng Su phì xác định là cây kinh tế mũi nhọn, là sản phẩm hàng hóa quốc gia và cũng là lợi thế riêng của Hoàng Su Phì. Huyện đã ban hành đề án phát triển cây chè, mong muốn cây chè sẽ được gìn giữ bảo tồn và phát triển bền vững.

Bức thư gửi Bộ trưởng Lê Minh Hoan từ bản người Dao Phìn Hồ

Vừa qua, ông Triệu Tạ Hin, giám đốc HTX chè Phìn Hồ đã đại diện 52 xã viên của HTX gửi Thư cảm ơn tới Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan đã gợi ý cho bà con đặt tên, "khai sinh" sản phẩm "Trà Cổ Việt" giúp bà con.

Ông Lý Chòi Nhàn giới thiệu về tên sản phẩm, mẫu mã thiết kế để thể hiện được những tinh túy, văn hóa của sản phẩm bản địa từ gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Lý Chòi Nhàn giới thiệu về tên sản phẩm, mẫu mã thiết kế để thể hiện được những tinh túy, văn hóa của sản phẩm bản địa từ gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong Thư cảm ơn, ông Hin cho biết: thời điểm giữa tháng 4/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lên công tác tại Hà Giang, ông đã dành thời gian thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ (Fìn Hò Trà).

“Bà con người Dao đỏ nói chung và HTX chè Phìn Hồ nói riêng vô cùng cảm kích trước sự gần gũi của bác Sáu Hoan khi bước chân vào gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX. Đặc biệt, bác đã cầm trên tay bánh trà “Phổ Nhĩ” - một sản phẩm của HTX, và góp ý: đây là bánh trà có thể lưu giữ được lâu năm, càng lâu có giá trị càng cao. Nhưng cái tên “Phổ Nhĩ” vẫn là cái tên của một dòng trà bên Trung Quốc. Từ đó, bác đã gợi ý cho bà con nên đặt tên là Trà Cổ Việt để phù hợp và xứng đáng với dòng trà cổ của Việt Nam.

Ngày 18/4/2023, Hợp tác xã chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) tổ chức cuộc họp đột xuất hội nghị Ban lãnh đạo HTX để thống nhất đổi tên nhãn hiệu tập thể “trà Phổ Nhĩ” sang tên mới “Trà Cổ Việt”. Hợp tác xã đã thành lập thêm một công ty TNHH xuất khẩu chè Shan tuyết (Công ty chè Cổ Thụ Việt Nam), đã hoàn thành đăng ký nhãn hiệu tập thể “Trà Cổ Việt”, thiết kế nhãn mác bao bì, sản xuất hộp đựng bằng chất liệu từ cây tre của địa phương. Sản phẩm chè 1 tôm 2 lá lên men bán phần từ nguyên liệu cây chè cổ thụ trên 500 năm tuổi đã hoàn thiện sản phẩm đầu tay “Trà Cổ Việt”.

“Với tinh thần chúng em đã vượt khó suốt chặng đường dài, niềm vui cảm kích không kể hết… khi được bác Lê Minh Hoan động viên và cho chúng em một cái tên sản phẩm “Trà Cổ Việt”. Bà con Dao đỏ nơi đây và chúng em sẽ vươn lên từ khát vọng tạo nên thương hiệu chè Shan tuyết từ nhãn hiệu tập thể “Trà Cổ Việt”, trích Thư gửi Bộ trưởng Lê Minh Hoan của ông Triệu Tạ Hin.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.