| Hotline: 0983.970.780

Chuyện kể về người nông dân bán đất, dành 2 tỷ ủng hộ phòng chống Covid-19

Thứ Hai 20/09/2021 , 15:38 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Có được mảnh đất làm vốn liếng để dành, có người trả hơn 2 tỷ đồng. Hai vợ chồng đã mang số tiền góp vào việc phòng chống dịch Covid-19.

Khi nói về khoản tiền lớn dùng để mua thiết bị y tế chống dịch Covid19, anh Đặng Văn Nghĩa (sinh năm 1985, ở xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), nhỏ nhẹ: “Tôi không nghĩ đến chuyện ủng hộ tiền để được nổi tiếng mà chỉ muốn đóng góp một phần nào đó cho việc chống dịch tốt hơn thôi”.

Chỉ mong cứu được nhiều người…

Con đường dẫn về nhà anh Đặng Văn Nghĩa chạy vòng qua những khu dân cư đông đúc và kết thúc ở điểm nối với đường tránh thành phố. Căn nhà cấp 4 ba gian lợp ngói đỏ nằm khiêm nhường dưới bóng mát của cây sung cổ thụ luôn đầy ắp  tiếng cười con trẻ.

Thấy chúng tôi đến, anh Nghĩa vồn vã đón rồi nhắc ghế ngồi trò chuyện dưới tán cây. Anh bảo: “Thôi thì chống dịch Covid nên ta ngồi có khoảng cách và đeo khẩu trang  cũng được anh hè”.

Ngôi nhà 3 gian của gia đình anh Đặng Văn Nghĩa. Ảnh: N.Tâm

Ngôi nhà 3 gian của gia đình anh Đặng Văn Nghĩa. Ảnh: N.Tâm

Vùng đất thôn Đức Hòa nằm ở ven thành phố Đồng Hới với ruộng đồng liền kề. Anh thanh niên Đặng Văn Nghĩa cũng chăm chỉ với ruộng đồng nên mãi đến năm sém 30 tuổi mới lấy vợ. Chị Nguyễn Lan Hương (vợ anh) cứ cười tủm tỉm: “Thấy anh có cái tính hay thương người, chăm chỉ, chịu khó nên mới đồng ý ở chung một nhà đó”.

Lập gia đình, vợ chồng anh Nghĩa được ở chung với bố, mẹ đẻ trên mãnh đất ông bà để lại. Ngoài việc đồng áng, hai vợ chồng cũng chăm mảnh vườn, nuôi thêm lợn, gà để có thêm thu nhập. Anh Nghĩa bảo: ‘Tôi đã làm đơn xin thuê ruộng của xã để trồng lúa, phát triển chăn nuôi mà đang đợi được phê duyệt đó”.  

Mấy năm gần đây, anh Nghĩa cũng nhờ bạn bè chỉ cho việc tham gia môi giới cho người ta mua bán đất. “Thu nhập thêm ở mảng này cũng chỉ góp thêm vào đủ chi tiêu trong gia đình”- anh Nghĩa bộc bạch.

 Khi sinh cháu Đặng Tuệ Nhi đầu lòng được hơn ba  tuổi, chị Lan Hương cũng thu xếp việc nhà thi thoảng hỗ trợ thêm cho chồng trong công chuyện làm ăn. Những lúc đi lại, hay tin có người người hoàn cảnh khó khăn cũng góp một chút nhỏ để hỗ trợ.

Có lần, nghe tin một chị phụ nữ đồng bào dân tộc ở xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) đơn thân nuôi 3 con nhỏ.  Vì thiếu thốn, có cháu bị suy dinh dưỡng nặng phải đưa đến bệnh viện. Hai vợ chồng anh Nghĩa tìm đến, hỗ trợ tiền viện phí rồi lên tận nhà chị ấy xây cho chuồng lợn, chuồng gà, mua giống, hướng dẫn chị chăn nuôi để có thêm thu nhập.

Ngoài ra, hàng tháng, vợ chồng anh Nghĩa dành dụm gửi cho mấy mẹ con 500 ngàn đồng để lo thêm chuyện ăn uống cho các cháu…

Anh Đặng Văn Nghĩa: 'Chỉ mong góp sức đẩy lùi dịch, cứu sống được nhiều người'. Ảnh: N.Tâm

Anh Đặng Văn Nghĩa: “Chỉ mong góp sức đẩy lùi dịch, cứu sống được nhiều người”. Ảnh: N.Tâm

Chắt bóp, dành dụm, anh Nghĩa mua được miếng đất ở phía sân bay Đồng Hới với ý định sẽ làm nhà và ở đó có thể mở rộng được việc buôn bán, làm ăn.  Nhưng rồi, dịch Covid-19 lan rộng trong cả nước với nhiều diễn biến phức tạp. Những buổi tối, xem chương trình thời sự của  VTV, anh chị cảm thấy lo lắng trước sự lan rộng và người nhiễm bệnh tăng nhanh trong cả nước.

Khi tỉnh Quảng Bình phát hiện người bị nhiễm Covid-19 đầu tiên rồi đến cả hơn ngàn người bị nhiễm bệnh phải vào các bệnh viện cứu chữa và đã có người tử vong thì anh Nghĩa thực sự lo lắng.

“Không biết ngành y tế có đủ vật tư, thiết bị để lo phòng chống dịch không. Phải có cách nào để cùng góp sức hỗ trợ để cùng chung tay chống dịch”- anh thường có suy nghĩ vậy. Những lo lắng trong lòng, anh đưa ướm lời với vợ.

Nghe chồng vừa dứt lời, chị Lan Hương dè dặt nói: “Hay là mình bán miếng đất ở gần sân bay đi anh. Phần trả nợ, dành phần lớn đưa ủng hộ tỉnh mua trang thiết bị cho các bệnh viện chống dịch”. Anh Nghĩa nhìn vợ rồi cũng đắn đo một chút, nhà mình có ba đứa con còn nhỏ, có  Ba tuổi cũng cao rồi nhà cửa còn tạm…

Như thấu hiểu những lo toan của chồng, chị Lan Hương chia sẻ: “Lo chi anh, mình còn trẻ còn làm ra. Tích phước đức thì được hưởng phước đức mà. Bây giờ dịch dã có nhà mất đi cả bố mẹ để con cái lại bơ vơ. Mình không hỗ trợ một chút nhỏ để góp sức chống dịch thì chần chừ chi nữa”.

Sáng hôm sau, anh Nghĩa bán lô đất và hai vợ chồng quyết định dành 2 tỷ đồng từ số tiền bán đất để ủng hộ công tác chống dịch Covi d-19. Anh liên hệ với Sở Y tế Quảng Bình để nắm thông tin những vật tư, thiết bị y tế cần gấp và nhờ bạn bè kết nối đặt mua về.

Chị Lan Hương nhỏ nhẹ tâm sự: “Tụi em có thể dành số tiền đó để trả nợ ngân hàng, hay xây lại cái nhà của mình. Nhưng cứ nghĩ lúc này, tính mạng của bà con, của đồng bào mình là việc quan trọng hơn nên chẳng đắn đo gì đâu”.

Với số tiền trên quả là không nhỏ đối với  vợ chồng anh Đặng Văn Nghĩ, đặc biệt là thời điểm kinh doanh, sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhưng hai vợ chồng đã quyết là làm.

Anh Nghĩa đang giúp cháu đầu lòng học bài trong mùa dịch. Ảnh: N.Tâm

Anh Nghĩa đang giúp cháu đầu lòng học bài trong mùa dịch. Ảnh: N.Tâm

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì  ông Đặng Văn Bắc (bố đẻ anh Nghĩa) từ ngõ vào. Tranh thủ khi khu dân cư vừa chuyển trạng thái về thực hiện Chỉ thị 15, ông ra trước nhà chặt mấy cành cây kéo về để cắm cho mấy cây mướp leo giàn.

Khi tôi hỏi về chuyện con cái góp đến 2 tỷ chống dịch dã, ông cười hiền từ: “Tiền nong là quý, nhưng tính mạng con người còn quý hơn nhiều. Các con làm việc nghĩa để góp sức vào việc chống dịch cứu người thì tôi cũng mừng lắm chớ. Cứ ủng hộ con cái làm việc nghĩa để thanh thản trong lòng, có thêm sức khỏe để rồi cũng làm ra được tiền chứ có chi mà ngại”.

Lan tỏa từ tấm lòng…

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình như không tin khi nhận được cuộc điện thoại của người lạ báo tin sẽ hỗ trợ vật tư thiết bị y tế cho công tác phòng dịch với tổng trị giá 2 tỷ đồng. Ông liền giao cho anh em phòng chức năng thẩm định và phối hợp để tiếp nhận.

Lúc đó, có ông Lê Công Đoàn, một người con quê hương Quảng Bình, là người  đã tư vấn cho chị Lan Hương trong việc kết nối với các đơn vị cung ứng vật tư y tế trong nhiệm vụ chống dịch.

Ông Đoàn kể, khi các đối tác của tôi nghe được câu chuyện  vợ chồng các em Nghĩa, Hương đang ở nhà cấp 4 mà bán đất góp tiền mua trang thiết bị ủng hộ cho ngành Y tế Quảng Bình chống dịch thì rất cảm động và “ngầm” tiếp sức cho nghĩa cử cao đẹp này.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cung ứng nói vui: “Vợ chồng em nó còn nghèo mà làm được việc lớn vậy thì chúng tôi phải sẵn lòng theo chứ”.

Vậy là, hầu hết những vật tư mà các doanh nghiệp cung cấp đều báo ở mức giá tốt và số lượng vật tư được tăng lên. Chính vì vậy, khi lô hàng là bộ que xét nghiệm nhanh có số lượng là  3.000 bộ. Tuy nhiên, khi giao nhận hàng thì bên cung cấp đã thông báo số lượng lên đến  5.000 bộ.

“Các đơn vị cung cấp khi nghe tin như vậy đã giảm giá và ủng hộ thêm cho vợ chồng Nghĩa, Hương nên số lượng nâng lên rất nhiều như vậy”- ông Đoàn cho hay.

Hai vợ chồng anh Nghĩa tranh thủ làm việc đồng áng, chăm vườn rau gia đình. Ảnh: N.Tâm

Hai vợ chồng anh Nghĩa tranh thủ làm việc đồng áng, chăm vườn rau gia đình. Ảnh: N.Tâm

Toàn bộ lô hàng vật tư, thiết bị y tế thiết yếu gồm: 2 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, 2 bơm tiêm điện, 4 máy thở cao cấp xâm nhập và không xâm nhập cho người lớn, trẻ em, 5.000 bộ xét nghiệm phát hiện kháng nguyên SARS-COV-2.

 Ngoài ra còn có thêm 50  bình oxy (loại 10 lít). Ngoài số vật tư trị giá 2 tỷ đồng mà gia đình anh Đặng Văn Nghĩa ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng giúp thêm sức, hỗ trợ  vào lô hàng để có được tổng trị giá gần 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở  Y tế Quảng Bình cho biết,  đã tiếp nhận 5.000 bộ xét nghiệm phát hiện kháng nguyên SARS-COV-2, số lượng thiết bị còn lại sẽ có kế hoạch tiếp nhận trong vài ngày tới.

Ông cảm động nói: “Nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh chị Nghĩa, Hương thật đáng quý và trân trọng. Là đơn vị tiếp nhận, sử dụng những trang thiết bị này, chúng tôi thấy như được tiếp sức, động viên lớn cho ngành y tế Quảng Bình trong nhiệm vụ phòng chống dịch”.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.