Sải bước giữa hai hàng măng tây xanh mướt đang trong quá trình vươn ngọn, ông Nguyễn Xuân Hòa, nông dân trồng măng tây tại xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cẩn thận vạch từng cây măng tây cắt tỉa các cành vô hiệu, thi thoảng bắt những con ốc sên nhỏ bám trên mầm cây.
Kim Xá là xã thuần nông của huyện Vĩnh Tường, cây lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ là kinh tế chủ đạo, nông dân nơi đây quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn không khá lên được, nhiều người đã dần bỏ dần ruộng đi làm công nhân.
Dẫn chúng tôi tham quan khu ruộng trồng măng tây rộng hơn 2ha, ông Hòa vừa tâm sự: Thấy đất lúa của bà con bỏ hoang ngày càng nhiều, ông đã tìm hiểu nhiều loại cây trồng để chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả và nhận thấy thị trường măng tây vô cùng sôi động, được nhiều người dùng ưa chuộng và đặt cho cái tên mĩ miều là "vua rau" vì có hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Năm 2018, ông đầu tư 20 triệu đồng mua 1.000 cây giống măng tây xanh về trồng trên đất ruộng của mình, thêm vào đó ông đầu tư 40 triệu đồng mua phân bón hữu cơ và lắp hệ thống tưới hiện đại. Thời gian đầu trồng thử nghiệm, ông Hòa nhiều đêm trằn trọc, lo lắng vì đây là cây trồng mới, không biết có hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương hay không.
Sau 7 - 8 tháng trồng, lứa măng tây đầu tiên cho kết quả tốt, thu hoạch đều đặn, cây cho ra sản phẩm măng to, mập, ăn có vị ngọt, thơm ngon. Nhận thấy hiệu quả mà cây trồng này mang lại, cùng với sự hỗ trợ, chuyển giao kĩ thuật sản xuất của Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường, từ năm 2021, ông Hòa đã nhập thêm giống măng mới về trồng, mở rộng diện tích.
Ông Hòa cho biết cây măng tây ưa sáng, đất phải phì nhiêu, tơi xốp, giàu mùn. Măng tây phải được trồng ở những chỗ thông thoáng, nhiều sáng, khoảng cách giữa các hàng vừa phải để tạo không gian cho cây phát triển. Nhờ có hệ thống tưới tự động, việc tưới cho măng tây cũng chủ động, giúp măng tây phát triển đều.
"Thời điểm cây măng tây còn nhỏ cần phải dành nhiều thời gian chăm sóc, khi cây lớn, phát triển lên giàn thì việc chăm sóc dễ dàng hơn nhiều, đặc biệt phải cấp đủ nước cho cây, giữ ẩm cho đất, tưới nhỏ giọt hoặc tưới rãnh 2 lần/ngày vào mùa nắng, 1-2 ngày/lần vào mùa mưa. Nên tưới vào buổi sáng sau khi thu măng xong và buổi chiều nhưng cần kết thúc trước 5h chiều để không làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú", ông Hòa lưu ý.
Trong quá trình chăm sóc loại "vua rau" này, ông Hòa "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thay vào đó ông sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho cây, cũng như các chế phẩm sinh học để ngăn ngừa sâu bệnh, côn trùng, đặc biệt là ốc sên. Vào mùa mưa ở miền Bắc, ốc sên hại măng tây phát triển mạnh, vì thế ông Hòa sử dụng phương pháp truyền thống là rắc vôi lên xung quanh các luống cây, đồng thời kết hợp dùng chế phẩm sinh học từ các loại trái cây hư cắt mỏng, cám ướt... trộn với thuốc diệt ốc rải tại những nơi ốc trú ẩn vào buổi chiều mát hay gần tối nhằm thu hút ốc sên tập trung để thu gom tiêu hủy.
Trên diện tích 2ha đất ruộng, ông Hòa hiện đang trồng gần 2.000 gốc măng tây xanh theo hướng hữu cơ, mỗi ngày đều đặn cho thu hoạch khoảng 20kg măng, giá bán ổn định 65.000 - 70.000 đồng/kg, chủ yếu phục vụ quanh huyện và các nhà hàng, siêu thị bán lẻ. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công chăm sóc, mỗi tháng gia đình ông có thu nhập gần 20 triệu đồng.
Mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ của ông Hòa tuy còn khá mới mẻ nhưng được nhiều bà con trong vùng đến học tập kinh nghiệm, mua giống về trồng.
Ông Nguyễn Duy Thơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường cho biết thời gian tới, sẽ có phương án nhân rộng mô hình trồng măng tây xanh trên địa bàn huyện. Trước mắt, huyện đã cho tổ chức các lớp tham quan mô hình để bà con đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm...