Trong giai đoạn 2021 - 2023, từ dự án khuyến nông trung ương hỗ trợ, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã thực hiện mô hình sản xuất cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại một số tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của măng tây...
Mô hình có tổng quy mô 8ha, được triển khai tại 3 điểm gồm: xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) với diện tích 6ha; xã Chí Công (huyện Tuy Phong) và xã Tân Hà (huyện Đức Linh, Bình Thuận) với tổng diện tích 2ha. Tổng số hộ tham gia mô hình là 71 hộ và đã tập huấn được 6 lớp với 240 lượt người tham dự. Kết quả, có 100% học viên hiểu được quy trình sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ, hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát huy lợi thế của vùng, tiết kiệm chi phí và gia tăng giá trị sản xuất, thân thiện với môi trường, đồng thời các hộ dân đã vận dụng kiến thức thu được để xây dựng mô hình và thực hiện mô hình thành công.
Mô hình sử dụng giống măng tây Atticus F1 có xuất xứ từ Hà Lan; xây dựng hệ thống vườn ươm đạt chuẩn có diện tích 7.000m2; ứng dụng cơ giới hóa công đoạn làm đất, lên luống, tạo rãnh, làm cỏ. Măng tây trong mô hình được trồng hàng đơn, hàng cách hàng 120cm, cây cách cây 45cm, chân luống rộng 70cm, bề mặt luống rộng 50cm, đáy rãnh rộng 50cm, bề mặt rãnh rộng 70cm, độ cao luống 20 - 30cm, mỗi ha trồng được từ 18.500 - 20.000 cây.
Các mô hình sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kèm bộ phận châm phân để bón phân tự động theo hệ thống tưới nhỏ giọt. Lượng nước tưới phụ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết và độ ẩm của đất, mức tưới cao nhất cho cây măng tây là 3,56 lít/m2/ngày. Những ngày trời nắng to cần tưới 2 lần/ngày vào buổi sáng (từ 6 - 8 giờ), buổi chiều mát (từ 15 - 16 giờ). Những ngày trời mát chỉ cần tưới mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng; trời mưa ngừng tưới và chú ý thoát nước để tránh ngập úng cục bộ.
Mô hình sử dụng biện pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM) thông qua bón phân đúng lượng, đúng loại, đúng thời điểm và đúng phương pháp, đặc biệt sử dụng các loại phân hòa tan để bón cho cây măng tây qua hệ thống tưới nhỏ giọt để tăng hiệu suất sử dụng. Ưu tiên sử dụng phân hữu cơ như phân trâu, bò, dê, cừu, lợn, gà… ủ với chế phẩm vi sinh vật chức năng như nấm Trichoderma, vi khuẩn lactic, vi khuẩn quang hợp tía, nấm men và xạ khuẩn... Ngoài ra, măng tây được bổ sung thêm chế phẩm dinh dưỡng qua lá và phân vi sinh dạng lỏng tưới định kỳ để giảm tối đa lượng phân hóa học.
Cùng với đó là sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để quản lý sâu bệnh hại trên cây măng tây theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Ngoài ra, sử dụng các loại bẫy bả sinh học, hóa học để phòng trừ các loại sâu hại; sử dụng các chế phẩm vi sinh có chứa nấm đối kháng Trichoderma để phòng trị bệnh. Chỉ sử dụng các loại thuốc hóa học khi thực sự cần thiết và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn các biện pháp kỹ thuật áp dụng theo VietGAP từ khâu chuẩn bị đất, lựa chọn loại phân bón, thuốc BVTV, công đoạn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và vận chuyển; các vấn đề về sức khỏe và vệ sinh của người lao động...
Bộ tiêu chuẩn VietGAP là cơ sở để cán bộ kỹ thuật và công nhân áp dụng các biện pháp canh tác đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, là điều kiện cần để chứng nhận sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Măng tây trong mô hình được thu hoạch, phân loại, xử lý, đóng gói và bảo quản theo công nghệ lạnh để nâng cao phẩm chất và kéo dài thời gian tiêu thụ. Mô hình còn liên kết tiêu thụ sản phẩm cho trên 50% sản lượng của người dân.
"Năng suất măng tây bình quân trong mô hình đạt 25 tấn/ha/năm, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so rất nhiều so với các cây trồng khác. Đồng thời, đây cũng là điểm tham quan, học hỏi và chuyển giao công nghệ cho người dân trong khu vực”, ông Trần Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cho biết.