| Hotline: 0983.970.780

Măng tây xanh 'đẻ' tiền tỷ trên đất cát khô cằn

Thứ Năm 27/07/2023 , 15:55 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Trên đất cát khô cằn vùng Nam Trung bộ, cây măng tây xanh cho giá trị sản xuất hàng tỷ đồng/ha mỗi năm.

Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ trên nền đất cát của gia đình ông Phạm Văn Gia, xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Ảnh: MP.

Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ trên nền đất cát của gia đình ông Phạm Văn Gia, xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Ảnh: MP.

Từ Dự án Khuyến nông Trung ương hỗ trợ, trong các năm 2021 - 2023, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã triển khai mô hình sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.

Tại Bình Thuận, mô hình trồng măng tây xanh được triển khai tại 2 địa điểm, gồm hộ ông Trịnh Thế Hoan ở xã Tân Hà (huyện Đức Linh) và hộ ông Phạm Văn Gia (xã Chí Công, huyện Tuy Phong). Theo Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, mỗi địa điểm được trồng với diện tích 1ha trong năm 2022. Những mô hình này được trồng theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn là địa điểm để người dân trong vùng tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Ông Phạm Văn Gia, hộ tham gia dự án trồng măng tây xanh ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong) cho biết, măng tây xanh là cây trồng ưu khí hậu nắng nóng, vì vậy rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

"Trước khi tham gia dự án trồng măng tây, tôi được tham quan mô hình của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố ở Ninh Thuận. Tận mắt thấy cây măng tây phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, đầu ra lại không phải lo nên năm 2022 tôi đã quyết định trồng măng tây xanh trên đất cát khô cằn", ông Gia kể.

Theo ông Gia, khi trồng măng tây xanh, ông được nhân viên của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư và hệ thống tưới nhỏ giọt… Ngoài tập huấn kỹ thuật, trong quá trình chăm sóc, gia đình ông luôn được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn. Nhờ canh tác đúng kỹ thuật nên măng tây xanh phát triển tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt, măng tây trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP nên đã giảm nhiều chi phí phân bón và thuốc BVTV so với canh tác thông thường.

Măng tây xanh đem lại hiệu quả hơn hẳn các loại cây trồng khác trên vùng đất khô cằn. Ảnh: MP.

Măng tây xanh đem lại hiệu quả hơn hẳn các loại cây trồng khác trên vùng đất khô cằn. Ảnh: MP.

Sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, măng tây của gia đình ông Phạm Văn Gia đã cho thu hoạch, đến nay năng suất ổn định, sản lượng mỗi ngày đạt từ 90 - 120kg. Với giá từ 60.000 - 70.000/kg, mỗi năm, 1ha măng tây xanh cho thu nhập từ 1 - 1,5 tỷ đồng, hiệu quả hơn hẳn các cây trồng khác. Bên cạnh đó, mô hình trồng măng tây xanh của gia đình ông đã đón nhiều nông dân trong vùng đến tham quan, học tập.

Ông Trần Tiến Sinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cho biết, dự án trồng măng tây xanh tại các tỉnh Nam Trung bộ được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi từ đất canh tác lúa và cây màu kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ nên không tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn tài nguyên nước, tài nguyên đất.

Các mô hình trồng măng tây xanh áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nên cho ra sản phẩm an toàn. Việc áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật trồng măng tây xanh tại các mô hình đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân tại địa phương.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.