Người ta gọi Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) là "đảo giấu vàng" bởi nơi đây có vô số bào ngư, hải sâm..., đều nằm trong "bát trân" (8 món ăn quý trong tiệc cung đình), sánh ngang với nem công, chả phượng... Ngoài ra, nơi đây còn rất nhiều chuyện lạ khác.
Chuông chùa đánh một tiếng boong
Thuyền phó Nguyễn Văn Hướng thuộc từng vực sâu, xoáy ngầm trong hải trình kéo dài 90 hải lý từ đất liền ra Bạch Long Vĩ (mỗi hải lý 1,852km, tương đương với khoảng trên 150km). Anh bảo: “Mùa gió từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, đi biển rất nguy hiểm. Thông thường một chuyến ra mất 6 tiếng đồng hồ nhưng có những chuyến biển động phải đi mất 12 tiếng”.
Trời xanh. Biển xanh lênh đênh mãi chưa thấy đảo mà chỉ thấy những chiếc thuyền hiện trên màn hình ra đa to bằng hạt gạo nhấp nháy phát quang liên tục. Bỗng thuyền phó Hướng chỉ cho tôi một quầng xanh to bằng ngón tay ở bên phía trái màn hình và kêu: “Bạch Long Vĩ”…
Tất cả cửa sổ của những ngôi nhà trên đảo Bạch Long Vĩ đều đóng đinh, nẹp giằng gỗ tránh gió thốc. Dấu ấn của cơn bão khủng khiếp năm 2009 còn hiển hiện qua những ngọn cây bị bẻ quặt quẹo, những thân cây chết khô, những phi nước bẹp dúm dó. Văn hóa trên Bạch Long Vĩ là gặp ai cũng chào vì dân ít, lại toàn người xa xứ nên rất "khát" kết giao. Ngoài cả ngàn bộ đội thuộc Trung đoàn 952 hải quân, bộ đội phòng không, ra đa với hệ thống ngăn chặn bảo vệ tầm xa, tầm trung đến tầm gần, dân số đảo chỉ khoảng vài trăm người.
Ngư dân trên đảo Bạch Long Vĩ |
Bạch Long Vĩ có nhiều cái lạ. Cả huyện hầu như không có đám cưới. Từ năm 1993 đến giờ chỉ có hai đám cưới của chị Thùy - anh Vinh và chị Thư- anh Tuấn. Đám cưới bộ đội vui lạ. Trung đoàn trưởng thay mặt họ nhà trai, cánh lính trẻ giết một con bò, gánh bốn cái đùi cùng các mâm trầu cau, sính lễ rồng rắn kéo đến. Bò của bộ đội có cả trăm con, được thả rông, béo tốt mượt lông, thịt thơm, ngọt có tiếng. Đảo cũng không có đám ma. Người nào chết vì sóng to, gió lớn, thiên tai, bệnh trọng đều được chôn tạm trên bờ, không một nghi thức trống kèn, chờ ba năm rồi bốc hài cốt về quê.
Trên đảo chỉ có lớp từ mẫu giáo đến hết tiểu học. Muốn học tiếp học sinh vào nội trú ở Đồ Sơn với khoảng cách xa nhà trăm km. Ở Bạch Long Vĩ xe máy, xe đạp cá nhân trở thành phương tiện công cộng. Xe hầu như chẳng khóa, ai dừng làm việc gì cứ vô tư cắm chìa rồi dựng ở gốc cây, lề đường. Người khác khi cần có thể nổ máy, đổ xăng đi tiếp rồi lại tiện đâu dựng đấy. Qua dăm bảy lượt mượt, qua vài ngày chiếc xe sẽ ở cầu cảng, chủ muốn đi cứ việc ra đó mà tìm…
Đến bất kỳ quán xá nào, tiếng nhạc ầm ầm mà ngó vào chẳng có chủ. Chẳng sao! Khách cứ việc mở tủ lạnh lấy đồ uống, tự tay nướng vài con mực làm mồi. Nhắm chán nhắm chê rồi gọi điện thoại cho chủ…miêu tả uống hết bao nhiêu chai, ăn những thứ gì móc tiền để lại. Từ cầu cảng vào đảo, có thể thấy những ngôi nhà hoang, di sản buồn của một dự án quy mô do Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bạch Long Vỹ để lại.
Đền Trần |
Đơn vị này đã đầu tư hàng chục tỉ mua thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt, chế biến đá, lập kho xăng dầu, xưởng sản xuất bột cá, xưởng sửa chữa cơ khí tàu bè… Hoạt động được ba năm, khí hậu khắc nghiệt, cá thu mua thất thường, cửa hàng bách hóa ế ẩm…cả khối tài sản khổng lồ bị bỏ hoang mặc cho sương gió bào mòn. Giám đốc tên Ba, Phó giám đốc tên Hoa, sau sự cố đó dân đảo toàn gọi tắt là trung tâm Ba Hoa.
Người Việt ở đâu đền chùa theo đó. Lúc đầu trên đảo Bạch Long Vĩ chỉ có ngôi miếu cổ, chẳng có đền chùa. Đời sống tâm linh của dân đảo vì thế hẫng hụt đến chênh chao. Thế mà sau mười mấy năm di dân ra đảo, giờ Bạch Long Vĩ đã đầy đủ đền chùa. Tôi làm một vòng xuyên đảo, qua những trảng cây dại, những bụi hoa ngũ sắc để đến đền Hưng Đạo Vương. Nhìn mái đao cong cong, nhìn lá cờ ngũ sắc phần phật bay trong gió rồi lại nhìn chiếc lô cốt ngay ở đầu đền một cảm xúc thật lạ.
Gần đền Trần là ngôi chùa Bạch Long mới xây, được khởi công đúng dịp kỷ niệm 15 năm thành lập huyện. Khó có nói hết nỗ lực mang chùa ra đảo xa đất liền cả trăm cây số để mỗi lần nhìn thấy chùa như nhìn thấy cây đa, giếng nước, như thấy bờ tre gốc rạ, như một phần máu thịt đất liền hiện hữu giữa trùng khơi.
Chùa Bạch Long với diện tích 300 m2 nằm trong khuôn viên rộng rãi, tọa lạc ngay khu vực trung tâm huyện đảo Bạch Long Vĩ có tổng kinh phí 5 tỉ đồng hoàn toàn do phật tử quyên tặng. Người công đức gạch, kẻ công đức gỗ, người công đức tượng, kẻ công đức chuông, thậm chí buổi khánh thành có người công đức cả chuyến máy bay chở phật tử ra đảo.
Chùa Bạch Long |
Hoà thượng Thích Quảng Tùng - Trưởng ban xây dựng chùa Bạch Long cho biết ngoài việc đáp ứng nguyện vọng của người dân, ngoài thể hiện nét văn hóa Việt, chùa Bạch Long còn là cột mốc khẳng định chủ quyền. Mỗi hòn gạch, viên ngói xây chùa đều khắc sâu dòng dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, để cả ngàn năm sau, con cháu người Việt còn biết chuyện cha ông xây chùa, lập nghiệp. Để vạn kiếp hồn còn có chỗ trú tâm linh. Hễ chùa còn, người còn thì mỗi tấc đất, mỗi mét bờ biển thiêng liêng của Tổ quốc còn trường tồn mãi mãi.
Biển khơi lênh đênh vẳng nghe một tiếng chuông chùa. Lần theo tiếng chuông, tôi gặp chị Nguyễn Thị Thìn vợ anh Đào Trọng Tuệ - Phó chủ tịch huyện đảo, người được giao trông đền, chùa của Bạch Long Vĩ. Chị Thìn trước là thanh niên xung phong, sau khi nghỉ chế độ mới “chuyển ngạch” nương nhờ cửa phật.
Bạch Long Vĩ là huyện đảo thuộc Hải Phòng, có diện tích khoảng 2,5 km² khi thủy triều lên và khoảng 4 km² khi thủy triều xuống. Đảo nằm giữa Vịnh Bắc Bộ cách Hòn Dấu - Hải Phòng 110 km. |
Chị thực lòng rằng: "Khi nghỉ hưu tôi định đi biển hay chạy chợ chứ không hề nghĩ mình thành người trông coi nhang khói đền chùa. Lúc đó, phần vì tiếc đàn bò béo mượt, cái chuồng bò mới làm mấy chục triệu nên mọi người động viên, giao việc trông chùa tôi một mực từ chối. Chỉ đến khi chồng khuyên tôi mới gượng gạo đồng ý. Vốn là người vô thần, vô thánh nên khi được cử đi học 3 tháng kinh phật ở chùa Hàng tại Hải Phòng, được nửa tháng tôi đã toan bỏ, mọi người lại phải động viên mãi mới thôi. Dần dần giáo lý nhà Phật ngấm vào người tôi lúc nào không hay”.
Sáng sáng chị Thìn sang đền Trần lên hương, thay nước rồi lại vòng qua chùa Bạch Long đọc kinh. Những bản kinh Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, cầu cho bách gia trăm họ chân cứng đá mềm, trời yên biển lặng, thuyền đầy cá tôm. Sáng đó, chị ngồi vừa gõ chuông, gõ mõ vừa đọc bản Di Đà. Từng lời trầm mặc vướng víu khói sương. Chùa vắng tênh. Không gian nhẹ bẫng. Nắng sớm loang từng vệt. Ngoài sân một con chim lạ lích chích đi giữa hàng gạch đỏ.