| Hotline: 0983.970.780

Chuyện quanh hội thi bưởi của Hà Nội [Bài 2]: Vườn bưởi 2.000m2 thu 300-400 triệu/năm

Thứ Hai 25/12/2023 , 16:07 (GMT+7)

Kỷ lục đó thuộc về khu vườn bưởi rộng 2.000m2 của một cặp vợ chồng đã trên dưới 70 tuổi...

Vườn bưởi của ông bà 70 tuổi

Buổi sáng hôm đó, đến nhiều vườn bưởi, chúng tôi đều chung nhận định đẹp nhất, ăn ngon nhất là của ông Nguyễn Văn Toái ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Toái đều trên dưới 70 tuổi, họ sống trong một ngôi nhà nằm giữa vườn cây xanh thắm, được cắt tỉa gọn gàng nên quả đều, màu sắc vàng rực rỡ.

Ông bảo, nếu để đến cuối năm thì quả bưởi trong vườn còn vàng như kén tằm, đẹp lắm. Các nhà khoa học cùng cán bộ của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội bứt mấy quả ngẫu nhiên trên cây ở nhiều vị trí khác nhau rồi bổ. Về mặt cảm quan múi của chúng ráo, hanh vàng, còn khi vắt ra, đưa vào máy đo thì độ ngọt brix lên tới 14.

Ban giám khảo cuộc thi bưởi lần thứ hai của Hà Nội hết trầm trồ về vườn bưởi đẹp như mộng của ông bà, lại không ngớt lời ngợi khen khi được thưởng thức những múi bưởi ngon đến mức gây nhung nhớ bởi ăn mát, thơm, vị còn vấn vương mãi nơi cuống họng. Đúng là nếu không có cả buổi đi ăn thử hết vườn này đến vườn khác thì chúng tôi nghĩ những vườn ban đầu đã ngon rồi nhưng khi so sánh với vườn của ông Toái này thì lập tức chúng bị lu mờ đi phần nào.

Vườn bưởi tuyệt đẹp của ông Toái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn bưởi tuyệt đẹp của ông Toái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hỏi bí quyết, ông bảo, ngoài độ già của cây thì việc chăm sóc cũng rất cẩn thận, toàn bón phân chim, phân gà, đỗ tương và NPK ba màu. Ở thời điểm tháng 9, 10 ông còn bón thêm kali đỏ để cho quả tăng vị ngọt. Nhờ chất lượng vượt trội nên bưởi nhà ông đã được khách đặt mua hết ngay từ khi chưa thu. 2.000m2 đất mà là có cả nhà cửa trên đó chứ không phải trồng tất bưởi nhưng ông thu được tới 300-400 triệu/năm, tính ra mỗi ha được 2 tỉ.

Ông Nguyễn Xuân Thanh ở xã Phú Thị huyện Gia Lâm có vườn bưởi diện tích hơn 1 ha, chủ yếu là giống Đào Chuyên, đỏ Tân Lạc và Diễn, tuổi đời đều xấp xỉ 10 năm, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu, trong đó lãi được ½. Kỳ thi lần này ông chọn Đào Chuyên-một giống bưởi của tỉnh Hưng Yên để ứng thí bởi thấy ăn ngon, cây phát triển tốt, quả bán thường hết trước các loại khác.

Vườn bưởi của ông Thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn bưởi của ông Thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Nếu như bưởi Diễn thì ở Diễn và vùng lân cận đã có thương hiệu, nếu đem về đây trồng chất lượng dù có tương đương cũng khó sánh được với vùng gốc của nó. Tôi biết đến thông tin của cuộc thi bưởi Hà Nội lần thứ hai qua Phòng Kinh tế huyện, Hội Nông dân huyện, Hội nông dân xã và kể cả các nhà vườn nói chuyện với nhau. Tôi chọn bưởi Đào Chuyên là vì giống này mới có ít nên đỡ bị cạnh tranh hơn. Mỗi quả bưởi Đào Chuyên trước đây giá 25-30.000 nhưng nay do bưởi Diễn dội chợ quá nhiều đã kéo giá nhiều loại bưởi khác xuống thấp, đến vụ nay tôi chỉ bán được 12-13.000đ/quả.

Vùng đất bãi ven sông Đuống này có chất đất thịt hơi pha nên phù hợp với các loại cây ăn quả như bưởi, chuối, cam. Tôi chăm bón bưởi theo từng giai đoạn, bón chủ yếu là phân hữu cơ, khi quả lớn thì bón nhiều ka li trắng và hãm nước lại để tăng thêm độ ngọt”.

GS.TS Vũ Mạnh Hải - chuyên gia về cây ăn quả hướng dẫn cách cắt tỉa. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Vũ Mạnh Hải - chuyên gia về cây ăn quả hướng dẫn cách cắt tỉa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuộc thi tôn vinh giống bưởi và kỹ thuật chăm bón

Theo anh Trần Văn Nam - Trưởng phòng Trồng trọt, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, Ban tổ chức chỉ đo độ ngọt brix với bưởi Diễn mà thôi, còn đối với nhiều loại bưởi thì độ ngọt không phải là chỉ tiêu quan trọng nên sẽ không đo: “Cuộc thi lần này chủ yếu tôn vinh các giống bưởi của Hà Nội và kỹ thuật canh tác bưởi của người Hà Nội.

Tất cả các vườn đều có quyền tham gia hội thi nhưng phải đủ các điều kiện gồm 6 chỉ tiêu như: độ đồng đều của vườn, năng suất ổn định trong 3 năm, sâu bệnh, kỹ thuật canh tác, chất lượng và cuối cùng là đã được cấp VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ. Có 3 vòng thi, sơ tuyển là cấp huyện làm, sơ khảo và chung khảo là cấp thành phố, do Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thực hiện”.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi ngoài bãi sông của xã bà Đới Thị Lụt-Giám đốc HTX Trung Mầu vừa giới thiệu, địa phương có 218 ha đất nông nghiệp trong đó 72 ha cây ăn quả bưởi, chuối, cam, 65 ha hoa cây cảnh, 45 ha lúa…

Thu nhập bình quân trên ha hoa cây cảnh trên dưới 400 triệu/ha, trên cây ăn quả cũng tương tự. Riêng về bưởi Trung Mầu đang có 10 ha bưởi Diễn đạt chuẩn VietGAP. Vườn bưởi rộng 1 ha hôm nay chúng tôi đi xem là của ông Hà Thanh Quang-chủ nhân của chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023.

Kỳ đánh giá, xếp hạng đó quá sớm với giống bưởi Diễn nên ông đành mang 20 quả bưởi đường đi thi và cũng gây ấn tượng tốt với ban giám khảo bởi vị đậm đà, ngon, khác biệt của nó. Nếu ở nơi nào có đất sét trồng bưởi sẽ rất ngọt, nếu đất phù sa thì trồng bưởi phải bón thêm kali. Nhờ có chất lượng tốt mà trong khi bưởi nhiều nơi bị dội chợ nhưng ông Quang vẫn bán ngay tại vườn với giá 15.000đ/quả.

Vườn bưởi đạt OCOP 3 sao ở Trung Mầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn bưởi đạt OCOP 3 sao ở Trung Mầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo chị Hoàng Thị Thúy Nga - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, diện tích cây ăn quả của địa phương là trên 1.800 ha trong đó bưởi khoảng hơn 400 ha, tập trung ở những xã ven sông Đuống như Kim Sơn, Lệ Chi, Phú Thị, Đa Tốn, Phù Đổng, Trung Màu với các giống bưởi Diễn, bưởi Hoàng, bưởi Đào Chuyên, bưởi Tân Lạc. Thời gian gần đây thị trường bưởi giá khá thấp, xung quanh 15.000đ/quả nên hiệu quả kinh tế chỉ đạt 400 triệu/ha, nhưng nếu ai làm tốt sẽ đạt hơn bởi bưởi càng lâu năm càng ngon, khách quen ăn sẽ tìm đến.

Khi biết tin về hội thi bưởi của TP Hà Nội lần thứ hai huyện đã chọn ra 3 vườn, ở xã Phú Thị với giống Đào Chuyên, ở xã Đa Tốn và xã Trung Mầu với giống bưởi Diễn. Bưởi Gia Lâm đã được chứng nhận tập thể, được chứng nhận VietGAP, được OCOP 3 sao (xã Trung Mầu) và đang lan tỏa khá tốt.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.