| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người thầy giáo 'bất chấp tất cả' lập điểm thờ Quốc tổ

Thứ Ba 12/04/2022 , 10:10 (GMT+7)

Đây được coi là một điểm tư nhân thờ Quốc Tổ Lạc Hồng lâu đời nhất ở TP.HCM. Đặc biệt, nơi đây còn có những giai thoại thú vị cách đây hơn 60 năm…

Đó là Tổ đình Quốc tổ Lạc Hồng, ở số 94 Nguyễn Thái Sơn, P.3, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Từ chuyện bị bắt bỏ tù vì dám thờ tổ tiên

Sáng mùng 8/3 âm lịch năm Nhâm Dần (8/4/2022), tôi ghé Tổ đình thắp hương, nhưng không thấy cụ Phan Công Khâm, người lập điểm thờ này như mọi năm. Ra phía sau Tổ Đình, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng (thường gọi cô Năm), một trong những học trò của ông Khâm, hiện đang trông coi Tổ Đình, cho biết cụ đã mất cách đây hơn 4 tháng.

Tôi nghe chợt thấy trống vắng lạ thường, vì 2 năm qua, do dịch nên không ghé được. Ông Khâm không chỉ là một trí thức xưa, mà còn là người luôn khát khao hướng về cội nguồn, sẵn sàng đánh đổi tất cả để lập điểm thờ, tưởng nhớ cội nguồn này.

Mấy năm trước, mỗi khi đến đây vào dịp Giỗ tổ, tôi lại tìm gặp cụ Khâm, ngồi trò chuyện và nghe ông kể lại những ký ức xưa về chuyện lập Tổ đình.

Cụ Phan Công Khâm cách đây 5 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Cụ Phan Công Khâm cách đây 5 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Sinh năm 1937, tại Châu Đốc, An Giang, ông Khâm nguyên là thầy giáo dạy môn Lịch sử tại một trường trung học ở Châu Đốc, từng là học trò của “Nhà bác vật”, chí sĩ Lưu Văn Lang. Nhờ vậy, ông đã sớm thấm nhuần tư tưởng yêu nước, nhớ nguồn cội.

Khi đó, ông tâm sự: “Thầy Lang là người tôi luôn ngưỡng mộ, kính trọng. Thầy không chỉ là người có kiến thức rộng, uyên thâm, đến tụi Pháp, Mỹ còn phải e nể, mà còn là người rất yêu quê hương. Chính thầy là người khai sang đầu óc cho tôi và nhiều học trò khác về tình yêu quê hương, cội nguồn. Tôi lập mấy điểm thờ cũng là vì thế”.

Năm 1960, thấy ông Khâm có lòng hướng về tổ tiên, ba vợ ông Khâm quyết định cắt một phần đất cho ông ở và thờ cúng tổ tiên. Đó chính là mảnh đất có khu đình này. “Tôi nghe thầy kể lại, Tổ đình bắt đầu làm từ những năm 1960. Vì thầy đâu có tiền, do bạn bè, người thân hỗ trợ, số tiền không nhiều, nên ban đầu chỉ là một căn nhà lá, vách gỗ. Sau đó mỗi năm, có chút tiền nào thầy lại bỏ hết vào tu sửa. Bây giờ mới gọi là tàm tạm chứ cũng chưa có gì khang trang”, bà Phượng kể.

Quốc phụ Lạc Long Quân, bức tượng hơn 60 năm tuổi do ông Khâm tự tay đúc. Ảnh: Phúc Lập.

Quốc phụ Lạc Long Quân, bức tượng hơn 60 năm tuổi do ông Khâm tự tay đúc. Ảnh: Phúc Lập.

Khi ông Khâm lập điểm thờ Quốc tổ, bạn bè, người thân ai cũng can, vì cho rằng sẽ rất phiền phức với chính quyền chế độ cũ. “Hồi đó, ai cũng bảo tôi gàn, có mảnh đất rộng thế này, sao không đầu tư làm ăn, kiếm tiền, hay cho thuê cũng được. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người có khát vọng, nỗi niềm riêng. Tôi nghĩ, người ta sống trong đời cần giữ lấy cái đạo, thấm nhuần đạo ông bà tổ tiên, như cây có cội như sông có nguồn, đó cũng chính là điều tôi đúc rút được sau thời gian theo học thầy Lang, và tự thấy mình theo đạo thờ tổ tiên, thờ cha Rồng, thờ mẹ Tiên và các vua Hùng là hợp lẽ”, ông nói trong lần tôi đến Tổ đình cách đây vài năm.

“Nghe nói hồi chế độ cũ, cụ bị bắt bỏ tù vì tội lập điểm thờ Quốc tổ?”, tôi hỏi cô Năm. Bà đáp: “Hồi đó, lúc đang là giáo viên, thầy đã có tư tưởng chống chế độ cũ, chính vì thế bị làm phiền hoài. Lần đó, có mấy người bạn bên Đồng Tháp kêu thầy qua lập một cái đình nhỏ thờ Quốc tổ, chính quyền cũ ở Đồng Tháp nói chỉ có theo Việt cộng mới thờ Quốc tổ, nên bắt thầy bỏ tù đâu hơn năm. Sau khi ra tù, thầy về quê vợ ở Cần Thơ sống, không dạy học ở trường công nữa mà dạy miễn phí cho con em dân nghèo thôi. Rồi đến khoảng cuối những năm 50, thầy về đây sống, lập Tổ đình này. Lúc đó nếu không nhanh trí thì có khi thầy lại bị bắt lần nữa rồi cũng nên”.

Bức tượng Quốc mẫu Âu Cơ bằng đồng duy nhất của Tổ đình. Để có được bức tượng này, ông Khâm đã bán hết tất cả những gì có thể bán. Ảnh: Phúc Lập.

Bức tượng Quốc mẫu Âu Cơ bằng đồng duy nhất của Tổ đình. Để có được bức tượng này, ông Khâm đã bán hết tất cả những gì có thể bán. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài những cổ vật gia đình gìn giữ được trang trí trên những bàn thờ Quốc tổ, ở đây còn có nhiều phiên bản trống đồng, chiêng đồng do bà con đưa từ đất Tổ (Phú Thọ) vào tặng năm 1990. Trước đó, năm 1980, ông Khâm dồn hết gia tài nhỏ nhoi của mình tích góp được, bán cả những vật dụng của đình khi ấy, được hơn 30 triệu đồng, ông thuê người đúc một phiên bản trống đồng Đông Sơn, hiện được đặt ngay chính điện khu đình.

Đến chuyện đúc tượng

Tổ đình Quốc tổ Lạc Hồng hiện có ba tượng thờ: Quốc phụ Lạc Long Quân và Quốc tổ Hùng Vương đúc bằng thạch cao từ thời điểm đầu tiên lập Tổ đình. Riêng Quốc mẫu Âu Cơ được đúc bằng đồng từ năm 1995.

Còn nhớ, lần đầu gặp ông Khâm, tôi thắc mắc sao tượng Quốc mẫu Âu Cơ nhìn có nét giống tượng Phật Quan âm, và theo căn cứ nào để tạo hình Quốc mẫu? Ông Khâm nói ngay: “Không giống đâu. Phật bà Quan âm mắt nhìn xuống, còn Quốc mẫu mắt nhìn thẳng phía trước, dáng người phương phi. Vì dẫn đàn con 50 đứa đi lập nghiệp, chắc chắn phải có thần thái mạnh mẽ, bản lĩnh.

Còn căn cứ từ đâu để tạo hình thì có lẽ nó là vấn đề tâm linh, từ một giấc mơ. Tôi mơ thấy hình ảnh Quốc mẫu, nên dựa theo đó vẽ ra, rồi thuê người ta đúc. Sau này, có dịp ra Đền Hùng Phú Thọ tham quan, thấy tượng Quốc mẫu tôi đúc rất giống Quốc mẫu gốc ở đây. Khi lập đền Hùng ở Suối Tiên, họ cũng đến chỗ tôi tham khảo, xin nhiều tư liệu trước khi làm”.

Tượng Quốc tổ Hùng Vương bằng thạch cao, được tạo ra cùng thời điểm với tượng Quốc phụ, cách đây hơn 60 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Tượng Quốc tổ Hùng Vương bằng thạch cao, được tạo ra cùng thời điểm với tượng Quốc phụ, cách đây hơn 60 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ mà ông Khâm kể cho tôi nghe là chuyện đúc tượng Quốc phụ Lạc Long Quân. “Lúc tôi đúc tượng Quốc phụ Lạc Long Quân, chính quyền chế độ cũ đến bảo muốn theo Việt cộng làm phản hay sao? Tôi thấy không ổn nên sau khi suy nghĩ, tôi quyết định sửa lại cho giống tượng Phật Di Lặc. Nhưng vẫn mặc áo. Cậu đã bao giờ thấy tượng Di Lặc mặc áo chưa?”, khi đó, ông Khâm vừa kể vừa móm mém cười. Sau giải phóng, bức tượng được trả về nguyên bản ban đầu và hiện được thờ một gian riêng trên tầng 1 của Tổ đình.

“Tượng Quốc phụ Lạc Long Quân gắn với nhiều kỷ niệm của thầy nhất. Do không có tiền mua nguyên liệu nên thầy đã dùng bức tượng Di Lặc xin được từ một ngôi chùa ở tận Châu Đốc đưa lên Sài Gòn làm "cốt" rồi tự tay đắp tượng Lạc Long Quân. Chính vì thế, với gương mặt chữ điền vuông vức, trang nghiêm hào sảng, đai áo chỉnh tề nhưng phảng phất trong nét tượng Quốc phụ Lạc Long Quân vẫn có bóng dáng ông phật Di lạc tươi tắn. Bức tượng này cũng chính là nguyên mẫu được Ban quản lý Đền thờ Vua Hùng ở Công viên Văn hóa - Lịch sử Suối Tiên, Q.9 về tham khảo mẫu trước khi đúc tượng cho đền”, bà Phượng nói.

Cụ Phan Công Khâm để lại gia tài gồm hàng trăm cuốn sách viết về lịch sử, văn hoá, cội nguồn... Ảnh: Phúc Lập.

Cụ Phan Công Khâm để lại gia tài gồm hàng trăm cuốn sách viết về lịch sử, văn hoá, cội nguồn... Ảnh: Phúc Lập.

“Hàng năm, Tổ đình tổ chức trọng lễ vào ngày 1/1 âm lịch (tết cha), 5/5 (tết mẹ) và 10/3 giỗ tổ tiên. Nhưng chúng tôi chỉ làm trong khuôn khổ gia đình, ai biết họ tự đến và theo sở nguyện cá nhân chứ không mang tính chất lễ như ở các nơi khác. Thầy hay nói với tôi, ước mỗi năm, vào các ngày giỗ, lễ, mọi người đến đây, cùng quây quần, sum họp, cùng nhau nói về lịch sử nguồn cội, tổ tiên”, bà Phượng nói.

Ngoài Tổ đình ở 94 Nguyễn Thái Sơn này, ông Khâm còn lập 3 điểm thờ Quốc tổ khác nữa ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Mấy năm trước, biết rõ sức khỏe của mình, ông đã lập di chúc, với ước nguyện là mong được nhà nước hỗ trợ, chính quyền địa phương tạo điều kiện để nơi này trở thành điểm giáo dục văn hóa truyền thống cho các thế hệ tương lai.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.