| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân sáng tạo

Cô gái nhỏ và đàn bò, dê khủng

Thứ Tư 21/12/2022 , 06:05 (GMT+7)

Nhìn thân hình mảnh khảnh của cô, ít ai nghĩ, ngoài quán xuyến chu toàn việc gia đình, con cái, cô còn đảm trách chăm cho đàn bò, dê gần trăm con.

Đó là chị Nguyễn Thị Luyến, sinh năm 1990, ở ấp 9, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), chủ nhân gần trăm con bò và dê, đều nuôi sinh sản.

Đi lên từ 2 bàn tay trắng

Trò chuyện với Luyến, tôi không khỏi khâm phục cô gái có thân hình “mỏng manh như lá liễu” này. Luyến kể, cô và chồng, anh Hoàng Hồng Hận, sinh năm 1986, cùng quê Quảng Nam, cưới nhau năm 2015 và ra riêng với 2 bàn tay trắng. Ban đầu cặp vợ chồng trẻ ở nhà thuê, chồng cũng đi làm thuê còn vợ làm cô giáo mầm non với lương 3 cọc 3 đồng. Đã vậy, ngay trong năm đầu và thứ 2 sau cưới, cặp vợ chồng trẻ sinh liền 2 đứa con. Cuộc sống càng thêm khó khăn.

DSC0510

Đàn bò khời nghiệp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Luyến. Ảnh: Phúc Lập.

Bài liên quan

Sau khi bàn bạc, vợ chồng chị Luyến quyết định vay tiền mua cặp bò cái giống về nuôi. Chị Luyến được đánh giá là người nuôi bò mát tay, nên sau 1 năm, cả 2 con bò cái đều sinh bê con, tăng gấp đôi đàn. Cứ vậy, đàn bò tăng dần, có thời điểm lên đến gần 40 con. Hiện nay, đàn bò của vợ chồng chị Luyến đang có hơn 2 chục con, gồm 3 giống bò lai sind, 3B, và bò ta.

Chỉ sau vài năm nuôi bò, kinh tế gia khởi sắc, tích cóp được vốn, vợ chồng Luyến làm chuồng nuôi thêm con dê. “Bò và dê đều ăn cỏ, riêng dê thức ăn đa dạng hơn, nhiều loại lá có thể làm thức ăn, nên khi đi cắt cỏ, kết hợp cắt các loại lá khác nữa cho dê, rất tiện lợi. Ngoài ra, con dê nuôi số lượng nhiều, bán nhanh và bán lai ra hoài”, chị Luyến nói.

Đàn dê của vợ chồng Luyến - Hận lúc cao điểm lên đến gần trăm con. “Thời gian này chồng em đi làm bên ngoài, 1 mình xoay không nổi cho cả đàn dê, bò, nên phải bán bớt. Giờ đàn dê còn khoảng 50 con”, chị Luyến nói.

DSC0515

Nhờ mát tay, ỗi năm chị Luyến thu nhập khoảng hơn 100 triệu từ đàn bò. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Luyến cho biết, bình quân mỗi năm đàn bò mang về cho vợ chồng chị khoảng hơn 100 triệu, chưa trừ các khoản chi phí. “Nuôi bò chủ yếu mất thời gian, hơi lâu thôi chứ chi phí không cao, vì thức ăn chính là cỏ. Nếu là bò vỗ béo thì cho ăn thêm thức ăn trộn gồm cám gạo, bắp, mì và cỏ. Thỉnh thoảng cho ăn thêm bã đậu hũ và bỗng rượu. Những loại thức ăn này ở quê cũng dễ tìm, giá rẻ hơn cám công nghiệp”, chị Luyến cho biết.

Theo chị Luyến, bò trưởng thành khoảng hơn 1 tuổi là xuất bán. “Nhưng tụi em thường gom thành đàn gần chục con bán một lúc chứ ít khi bán từng con. Bữa có ông khách đến thấy con bò mẹ mới sinh được 2 ngày, ưng quá nên đòi mua luôn cả cặp, em bán 30 triệu. Còn bò tơ bình quân khoảng 18 triệu 1 con”, chị nói.

Nếu nuôi tốt thì khoảng tuổi rưỡi là bò có thể bắt đầu sinh sản. Và sau khi sinh 2 tháng, bò mẹ có thể mang bầu tiếp. Nghĩa là trong vòng 1 năm, bò mẹ có thể mang bầu, sinh và tiếp tục mang bầu. “Có 3 con bò 3B mới sinh được 2 tháng, tướng to cao, mập, đẹp lắm. Mà giờ chắc tụi nó đang lang thang vào trong vườn kiếm ăn rồi. Không như mấy con bò trưởng thành, mấy con bê cũng lí lắc y như trẻ con, thích chạy nhảy lung tung, dễ thương lắm”, chị Luyến cười.

DSC0496

Ngoài nuôi bò sinh sản, chị Luyến còn nuôi bò vỗ béo. 

Từ 2 bàn tay trắng, đến nay vợ chồng chị Luyến đã có “của ăn của để”, không chỉ lo tốt cho 2 con mà còn là hộ nông dân sản xuất giỏi, tài sản thuộc loại khá ở Lộc Thuận. Nghe tôi hỏi hiện có bao nhiêu đất, chị Luyến cười cười, không trả lời thẳng. Nhưng ngồi bên cạnh, anh Phan Quốc Oai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận khẳng định: “Tụi nó có mấy miếng đất rồi đó. Tôi biết rõ mà”. Lúc này chị Luyến mới cho biết, hiện có 2 mảnh đất, tổng diện tích hơn 7 sào (7.000m2). “Đất nông nghiệp ở đây nếu vị trí đẹp, đường bê tông thôi cũng 6 - 7 trăm triệu 1 sào chứ không rẻ đâu”, anh Oai nói.

Trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo

Để có được kết quả như hôm nay, ngoài sự nỗ lực không biết mệt mỏi, vợ chồng chị Luyến còn rất năng động, chịu khó tìm tòi, ham học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các trang trại lớn. Đặc biệt, dù không qua trường lớp gì, nhưng cô gái trẻ này nói về kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo như một người “kinh nghiệm đầy mình”, khiến tôi không khỏi tròn mắt.

“Thời gian đầu mới nuôi, tụi em chỉ mua bò giống về nuôi sinh sản tăng đàn. Sau này, tình cờ em biết một người quen tít trên Lâm Đồng chuyên mua bò kém phát triển, gầy yếu với giá rẻ rồi về nuôi vỗ béo. Chồng em lên tận nơi tìm hiểu, rồi về hướng dẫn lại cho em làm”, chị Luyến kể.

DSC0517

Chị Luyến rất mát tay trong việc nuôi dê sinh sản. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi tìm hiểu, vợ chồng chị Luyến nuôi thêm bò vỗ béo. Ở địa phương, ai có bò gầy yếu muốn bán là chị mua. Sau khi mang bò về, bắt đầu quy trình vỗ béo bằng thức ăn đặc biệt. Ngoài cỏ tươi cao sản, bò còn được ăn thức ăn trộn tổng hợp theo công thức 85kg bắp, 5kg mì, 10 ký cám gạo, tạo thành 1 tạ thức ăn. Ngoài ra, cho bò ăn thêm các loại đậu.

“Đây là những điều cơ bản thôi. Quan trọng là trước khi mua con bò này, mình phải có kinh nghiệm nhìn để chắc chắn vỗ béo được. Ví dụ phải biết tuổi của bò, tốt nhất là 2 tuổi trở lên. Vì đây là độ tuổi dễ vỗ béo, cho tỷ lệ thịt cao, hiệu suất vỗ béo cũng cao hơn. Sau khi mua về, phải theo dõi bò vài ngày xem có bị bệnh gì không, nếu phát hiện bất thường, phải nhốt riêng, điều trị dứt bệnh mới nhốt chung đàn và bắt đầu quy trình vỗ béo”, chị Luyến nói.

Ngoài nuôi bò vỗ béo, chị Luyến còn đầu tư hẳn 2 sào đất trồng cỏ cỏ sả (cỏ Ghine) và cỏ voi (Va06) làm thức ăn cho dê, bò. “Với đàn bò, dê cả trăm con mà chỉ ăn cỏ không, thì lượng cỏ rất lớn. Nhiều lúc mưa gió, nắng gắt, cũng phải đi cắt, nếu không đàn gia súc thiếu thức ăn. Tụi em có mua thêm rơm cuộn khô nữa, nhưng rơm chỉ ăn “chữa cháy” lúc thời tiết không cho phép mình ra ngoài thôi chứ ít dinh dưỡng. Vì thế, hồi đầu năm nay vợ chồng em chừa 2 sào đất vườn cao su để đầu đầu tư trồng cỏ sả và Va06 theo tư vấn của mấy anh phòng nông nghiệp. Có điều vườn cỏ cách hơi xa đây nên mai mốt phải tốn tiền thuê xe chở”, chị Luyến nói.

Đàn dê của vợ chồng chị Luyến thường xuyên duy trì từ 50-100 con. Ảnh: Phúc Lập.

Đàn dê của vợ chồng chị Luyến thường xuyên duy trì từ 50 - 100 con. Ảnh: Phúc Lập.

Hiện 2 sào cỏ của chị được đầu tư bài bản với hệ thống đường ống tưới phun, năng suất đạt khoảng hơn 45 tấn cỏ/sào, đủ cho đàn dê, bò ăn. “Cỏ voi và cỏ sả nghe nói là nói nhiều dinh dưỡng và chất xơ, có thể làm thức ăn tươi, thức ăn ủ chua hoặc làm thức ăn khô ăn dần mà không giảm chất lượng. Tụi em chỉ tốn tiền giống, làm đất ban đầu và đầu tư hệ thống tưới, còn phân bón thì phân dê, bò dùng không hết, lúc trước vẫn bán, giờ dành một phần để ủ hoai rồi bón cho cỏ. Dành đất trồng cỏ làm thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho bò, dê, chúng sẽ nhanh lớn, sinh sản tốt, mà mình cũng chủ động công việc hơn”, chị nói tiếp.

“Mấy năm trước vợ chồng cô Luyến còn nuôi cả bò đực giống, tự phối giống tại nhà. Nhưng sau khi nghe tư vấn, họ mới bán đi, phối giống bò bằng gieo tinh nhân tạo. Theo kết quả đánh giá từ mô hình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh trong chương trình gieo tinh nhân tạo cho gần 10.000 con bò cái trên địa bàn thì gieo tinh nhân tạo cho kết quả sinh sản tốt hơn phối giống trực tiếp”, anh Phan Quốc Oai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.