| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội giảm phát thải từ Đề án 1 triệu ha lúa

Thứ Năm 25/07/2024 , 16:29 (GMT+7)

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ đặt mục tiêu giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa mà còn là cơ hội giảm phát thải.

Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản trị, thị trường, giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ ổn định và tăng thu nhập. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản trị, thị trường, giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ ổn định và tăng thu nhập. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ phối hợp với Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp - Văn phòng đại diện ÐBSCL mới đây đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp và cơ hội giảm khí thải nhà kính từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ÐBSCL" (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Ðề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Qua đó gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Các hoạt động sẽ được thực hiện nhằm triển khai Đề án như: Nghiên cứu phát thải khí nhà kính trong canh tác nông nghiệp; các phương pháp đo khí thải nhà kính; mô hình canh tác giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; phương pháp quan trắc khí thải nhà kính; các giải pháp kỹ thuật trong việc thực hiện Đề án. Trong đó, quan tâm đến hệ thống đo khí thải nhà kính minh bạch, đáp ứng cơ sở khoa học phục vụ tín chỉ carbon…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Công (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ), tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hộ nông dân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, quản trị, thị trường, giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ ổn định, tăng thu nhập (từ gạo, rơm...) và giảm rủi ro sức khỏe. Còn HTX được nâng cao năng lực, vai trò, mở rộng hoạt động…

Tưới ngập - khô xen kẽ là giải pháp kỹ thuật quan trọng trong triển khai sản xuất lúa giảm phát thải. Ảnh: NNVN.

Tưới ngập - khô xen kẽ là giải pháp kỹ thuật quan trọng trong triển khai sản xuất lúa giảm phát thải. Ảnh: NNVN.

Đối với doanh nghiệp, được tiếp cận công nghệ mới, ổn định vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường và tiếp cận tín dụng theo chuỗi.

Ở góc độ nhà nước và cộng đồng, Đề án mang lại sự phát triển bền vững sản xuất lúa gạo, nâng cao giá trị. Từ đó góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng được cơ chế quản lý, vận hành thị trường carbon từ sản xuất nông nghiệp và hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển các vùng sản xuất khác.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 141.000ha, trong đó gần 80% diện tích là đất nông nghiệp. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 75.000ha, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 1,3 triệu tấn. Theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cần Thơ hình thành vùng sản xuất lúa tập trung chuyên canh với quy mô diện tích 48.000ha, tập trung trên địa bàn 3 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

TP Cần Thơ rất vinh hạnh khi được Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ðây là mô hình điểm để TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL cùng trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án trong thời gian tới.

TP Cần Thơ được Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm canh tác lúa bền vững, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

TP Cần Thơ được Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm canh tác lúa bền vững, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có mục tiêu: Áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo mục tiêu cụ thể của Đề án, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha, giảm lượng giống, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%, 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng (chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm) và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống... Đề án được triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre).

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.