| Hotline: 0983.970.780

An toàn dịch bệnh bắt đầu từ vacxin

Thanh toán bệnh lở mồm long móng để xuất khẩu

Thứ Ba 28/05/2024 , 10:01 (GMT+7)

Để xuất khẩu được động vật và sản phẩm động vật, Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) quy định bắt buộc, phải thanh toán được bệnh lở mồm long móng (FMD).

Đặc điểm quan trọng của virus lở mồm long móng là không có miễn dịch chéo giữa các serotype, cần sử dụng vacxin đúng chủng để phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: PT.

Đặc điểm quan trọng của virus lở mồm long móng là không có miễn dịch chéo giữa các serotype, cần sử dụng vacxin đúng chủng để phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: PT.

Vacxin đóng vai trò quyết định

Lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây lan rất nhanh và mạnh, xảy ra ở động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê... với biểu hiện điển hình là hình thành mụn nước ở niêm mạc (lưỡi, lợi), những vùng da mỏng.

Để thanh toán dứt điểm bệnh lở mồm long móng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt “Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giáp, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, căn nguyên gây bệnh có tới 7 serotype (type huyết thanh) virus gây bệnh là O, A, C, Asia 1, SAT1, SAT2 và SAT3. Trong đó, serotype O và A là 2 serotype lưu hành phổ biến nhất.

Ông Giáp cho biết, đặc điểm quan trọng của virus lở mồm long móng là không có miễn dịch chéo giữa các serotype, do đó cần sử dụng vacxin đúng chủng để phòng bệnh hiệu quả. Việc triệt để thực hiện tiêm phòng vacxin đúng quy định, đủ liệu trình, sử dụng vacxin có hàm lượng kháng nguyên cao là yếu tố quan trọng để khống chế dịch bệnh này.

Bài học từ lịch sử trong phòng chống dịch lở mồm long móng ở các địa phương đã cho thấy kết quả thành hay bại được quyết định bởi vacxin. Câu chuyện thay đổi vacxin giúp thay đổi cục diện chống dịch lở mồm long móng từ bị động sang chủ động của tỉnh Thanh Hóa là một trong những minh chứng cho kinh nghiệm này.

Đầu tháng 12/2018, ổ dịch bệnh lở mồm long móng đầu tiên xuất hiện tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa) trên đàn lợn sau đó lây lan nhanh tại nhiều địa phương.  

Ngay khi nhận được thông tin dịch bệnh, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (nay là Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa) đã trực tiếp cùng cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương chống dịch với phương châm bao vây nhanh, dập dịch gọn.

Quá trình điều tra dịch tễ phát hiện dịch lở mồm long móng xuất hiện cả trên đàn trâu, bò, lợn đã được tiêm phòng vacxin có hàm lượng kháng nguyên 3PD50 nhưng dịch bệnh vẫn hoành hành, khiến nhiều vật nuôi bị chết và phải tiêu hủy.

Nghi ngờ có chủng bệnh mới hoặc kỹ thuật tiêm chưa chính xác, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã cho xét nghiệm và kiểm tra kỹ thuật tiêm. Kết quả cho thấy ổ dịch vẫn do virus lở mồm long móng type O gây ra và nhiều cơ sở chăn nuôi lợn, trâu, bò đã được tiêm đảm bảo quy trình kỹ thuật nhưng đàn gia súc vẫn tiếp tục bùng dịch.

Sau khi nghiên cứu kỹ, cân nhắc và tham khảo kiến chuyên môn, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa quyết định thay đổi từ vacxin lở mồm long móng có hàm lượng kháng nguyên 3PD50 sang chống dịch bằng vacxin lở mồm long móng loại hàm lượng kháng nguyên gấp đôi 6PD50 Aftogen Oleo để tiêm phòng bao vây ổ dịch trên địa bàn huyện Nông Cống.

Vacxin lở mồm long móng có hàm lượng kháng nguyên 6PD50 có khả năng bảo hộ được hết 4 topotype gây bệnh. Ảnh: PT.

Vacxin lở mồm long móng có hàm lượng kháng nguyên 6PD50 có khả năng bảo hộ được hết 4 topotype gây bệnh. Ảnh: PT.

Chỉ sau 2 - 3 tuần sử dụng, vacxin 6PD50 đã phát huy hiệu quả. Tốc độ lây lan các ổ dịch giảm dần và các ổ dịch dịch lở mồm long móng bắt đầu dừng. Vacxin lở mồm long móng 6PD50 ngoài khả năng tạo đáp ứng miễn dịch nhanh, mạnh và kéo dài hơn so với vacxin lở mồm long móng 3PD50, còn có thể nâng cao hiệu quả bảo hộ của vacxin đối với các chủng virus khác topotype.

Kể từ tháng 2/2019 đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch lở mồm long móng được kiểm soát tốt và chưa xuất hiện ổ dịch nào, đưa tỉnh trở thành một trong số ít các địa phương khống chế, dập dịch lở mồm long móng sớm nhất cả nước.

Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự ở Bắc Kạn. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn nhớ lại, những năm trước, việc tiêm vacxin đạt thấp là một trong những nguyên nhân khó thanh toán dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.

Từ năm 2021, tỉnh Bắc Kạn triển khai tiêm vacxin lở mồm long móng mới là Aftogen Oleo (type O). Sau tiêm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên trên vật nuôi của 8 xã có ổ dịch cũ và thuộc vùng nguy cơ cao.

Kết quả cho thấy, trong tổng số 160 con trâu, bò đã tiêm được lấy mẫu có 153 mẫu có kháng thể lở mồm long móng đạt miễn dịch bảo hộ, không có khả năng mắc bệnh sau khi tiêm phòng.

Căn cứ trên cơ sở này, từ năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng vacxin Aftogen Oleo tiêm đại trà cho đàn đại gia súc. Nhờ vậy, từ năm 2022 tới nay, toàn tỉnh Bắc Kạn không phát hiện thêm ổ dịch nào mới và khống chế được dịch, không để tái bùng phát diện rộng gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là chìa khóa

Chia sẻ về loại vacxin đem lại hiệu quả phòng chống dịch từ góc nhìn nhà phân phối độc quyền, ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet cho biết, đối với bệnh lở mồm long móng, nhất là type O, hiện có rất nhiều topotype như: O/SEA/Mya-98, O/Cathay, O/ME-SA/PanAsia, O/India2001d,e. Do đó, việc phòng chống dịch cần loại vacxin có khả năng bảo hộ được hết 4 topotype trên.

Việc triển khai tiêm phòng nhanh chóng, đúng thời điểm và tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% là yếu tố quan trọng để khống chế dịch lở mồm long móng. Ảnh: PT.

Việc triển khai tiêm phòng nhanh chóng, đúng thời điểm và tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% là yếu tố quan trọng để khống chế dịch lở mồm long móng. Ảnh: PT.

Tuy nhiên, không phải loại vacxin nào cũng có khả năng đó, đa phần mỗi loại vacxin chỉ có thể bảo hộ được 1 đến 3 trong 4 topotype này. Khi tiêm, vật nuôi sẽ không đạt được hiệu quả cao bảo hộ cao nhất, vẫn tồn tại rủi ro khiến dịch bùng phát, lây lan gây thiệt hại.

Rất mừng là vacxin Aftogen Oleo O1 Campos, ngoài những tiêu chí về vô trùng, an toàn còn có khả năng bảo hộ hết 4 topotype O gây bệnh. Đó cũng chính là một trong những lý do để loại vacxin này hiện có thị phần số 1 tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm phân phối vacxin Aftogen Oleo O1 Campos trong 6 năm, bắt đầu vào năm 2017 - thời điểm lở mồm long móng đang ở đỉnh dịch, ông Bách phân tích, dịch bệnh này ở Việt Nam hiện xuất hiện 4 topotype. Việc xác định type gây bệnh trên toàn tỉnh rất khó, bởi có thể hôm nay đàn vật nuôi bị topotype này nhưng mai lại là topotype khác.

Cho nên, để đảm bảo chắc chắn khống chế dịch bệnh ở một tỉnh, việc quan trọng nhất là lựa chọn được loại vacxin có thể bảo hộ được cả 4 topotype gây bệnh đang lưu hành. Điều đó giúp tăng tính an toàn kiểm soát dịch bệnh của vacxin lên cao nhất.

Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet kiến nghị Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đưa ra các khuyến cáo rõ ràng, công khai, minh bạch về khả năng bảo hộ của từng loại vacxin để người chăn nuôi hiểu và lựa chọn loại vacxin hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ông Bách cũng cho rằng, việc triển khai tiêm phòng nhanh chóng, đúng thời điểm và tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% là yếu tố quan trọng để khống chế dịch lở mồm long móng.

Quan điểm phòng chống dịch từ khâu vacxin được ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, Việt Nam hiện có tổng cộng 18 loại vacxin lở mồm long móng được cấp phép lưu hành, tuy nhiên chỉ có duy nhất 1 loại vacxin trong nước nghiên cứu, sản xuất. Vacxin lở mồm long móng là một trong những loại vacxin phòng bệnh cho động vật rất khó nghiên cứu và sản xuất thành công.

Trong khi đó, lở mồm long móng là dịch bệnh thế giới rất tối kỵ, phải giải quyết được dứt điểm mới mở ra điều kiện để Việt Nam xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, trong đó vacxin được coi là “chìa khóa”.

Hiện, Cục Thú y đang tiếp tục rà soát để đảm bảo chất lượng vacxin tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời phối hợp với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp trên thế giới tiếp tục nghiên cứu mở rộng để sản xuất thêm nhiều loại vacxin lở mồm long móng chất lượng cao tại Việt Nam trong thời gian tới.

Áp dụng triệt để nguyên tắc coi tiêm phòng vacxin là chìa khóa thành công trong phòng chống dịch, các nhà chăn nuôi lớn, như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển chăn nuôi lợn Dabaco, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam… đều Khoanh vùng virus và lựa chọn vacxin tương thích tạo trong kiểm soát lở mồm long móng.

Kết quả phòng chống dịch, kiểm soát dịch lở mồm long móng hiệu quả cũng đã chứng minh khả năng bảo hộ rộng rãi, tuyệt đối của vacxin lở mồm long móng Aftogen Oleo type O. Hệ thống trại lợn của các doanh nghiệp được bảo hộ hiệu quả nhờ đáp ứng miễn dịch tốt.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.