| Hotline: 0983.970.780

Con đường sự nghiệp của người làm nghệ thuật bầm dập lắm!

Thứ Sáu 10/11/2017 , 07:01 (GMT+7)

Cháu có một ước mơ cô ơi. Cháu mơ làm ca sĩ. Cháu phù phiếm, ảo ưởng bản thân lắm phải không cô? Không hão huyền đâu cô, nhà cháu 3 anh em đều hát hay thế mà cô.

Cô kính mến!

Cháu đọc báo NNVN bảy năm trước, vì ba cháu làm ở xã. Sau này ra thị trấn học, lâu lâu má cháu đưa đồ vườn ra cho hai chị em, cháu mới có báo cũ. Cháu vẫn thích đọc báo giấy, nhưng muốn đọc đều thì phải ra quán Net gần nhà chị em cháu mướn trọ. Cháu không dám ra nhiều, sợ em trai cháu so bì rồi bắt chước, nó ghiền game thì khổ.

Từ hồi cháu vô lớp 12, anh trai cháu làm việc trên thị xã cho cháu cái iPhone cũ, cháu không cần Net nữa mà ké wifi của người chủ nhà. Cháu cũng có FB rồi cô. Nhưng hai chị em có 1 máy, em trai học lớp 9 của cháu nó hay giành, cháu phải nhường. Nhưng nó không biết, tuổi của nó mê smarphone là học xuống liền. Cháu là con gái, cháu nhiều việc, với lại năm cuối cũng không có thời gian đâu mà chơi nhiều.

Cháu có một ước mơ cô ơi. Cháu mơ làm ca sĩ. Cháu phù phiếm, ảo ưởng bản thân lắm phải không cô? Không hão huyền đâu cô, nhà cháu 3 anh em đều hát hay thế mà cô. Anh trai cháu hát karaoke hay nổi tiếng trong bạn bè, cháu thích hát thích biểu diễn từ nhỏ, hồi cháu học tiểu học, ba cháu đưa cháu vô đội văn nghệ xã, liên hoan, lễ lạc gì cũng cho chúng cháu biểu diễn. Em trai cháu hát không hay như anh cháu nhưng nó đàn ghi-a được, đàn mượn, học lóm trên mạng đó cô.

Cháu có ngoại hinh, cao 1m6, chân dài cân đối, tóc suôn tràn, mặt mũi rất ăn đèn. Má cháu đẹp mà cô, bà ngoại cháu cũng đẹp nhưng không ai cao bằng cháu. Cháu muốn thi trường nhạc ở Sài Gòn nhưng ba má không cho, nói đi xa, nuôi không nổi, lên đó phù hoa, hư là cái chắc. Cháu cãi, vậy cháu sẽ xin bán cà phê ở thị trấn, không thi đại học nào hết, rồi cháu sẽ đăng ký đi thi cuộc thi ca hát nào đó. Ba muốn cháu thi nông nghiệp ở trường đại học dưới nầy, cháu sẽ về quê giúp nông dân trồng cây hay nuôi tôm nuôi cá.

Cháu chán quá cô, cháu mà làm nông nghiệp hay làm kế toán sao được? Cháu chỉ muốn ca hát thôi. Cô giúp cháu với cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Trước hết cảm ơn cháu đã “theo” cô bằng con đường báo giấy và giờ thì trên báo online. Hồi mới iếp xúc báo NNVN cháu còn học tiểu học, đúng không? Vậy trang TVGĐ thì làm sao khiến một đứa bé thích được? Thì ra, cháu có sự mẫn cảm của tâm hồn, cháu không giỏi môn toán và có thiên tư môn xã hội, điều đó nằm trong gen à nhá.

Vào lớp 12 là phải xong ước nguyện học hành của mình rồi. Khổ thân cháu. Ước mơ không có lỗi, nhưng chỉ có người đó mới biế thực lực của chính mình. Cô làm sao biết được cháu sẽ thành ca sĩ hay không? Nhưng cô cũng biết, rất, rất nhiều người không đi hoạt động nghệ thuật mà họ hát hay lịm đi.

Ở Sài Gòn có một Câu lạc bộ những người tự hát bolero rồi thu âm phát hành đĩa. Toàn là những người trung tuổi, nam và nữ, chừng mươi người, họ hát chuyên nghiệp không thua ca sĩ là mấy. Đó, cô ví dụ để cho cháu thấy, không ít người từng mơ mình làm ca sĩ nhưng họ tự biết, hoặc số phận cho họ con đường khác và rồi, họ vẫn tụ lại với nhau khi đã đứng tuổi và vẫn hát, hát hay nhưng không sống đời ca sĩ.

Sài Gòn đúng là hoa lệ nhưng không ít chốn bần cùng. Một bước chân là thế giới nầy hoặc thế giới kia. Cháu không có kinh tế thì học nhạc viện sao được? Dĩ nhiên học ở đâu cũng phải tốn tiền học, nhưng ở nhạc viện cũng dễ đi làm thêm ở ngoài, làm chầu rìa, có người từng đi bưng bê ở quán xá và chịu cảnh đói kém. Vấn đề là phải có gan, thi không đậu thì ta sẽ kiếm việc và sẽ thi lần nữa, lần nữa. Con đường sự nghiệp của người làm nghệ thuật bầm dập lắm, vào đời phải chịu lép, khi mình đã sáng lên thì như diều gặp gió vậy.

Nếu ba má không ưng thì anh trai sao, anh trai có ủng hộ không? Nên hỏi kỹ anh và lắng nghe anh. Quả là có những người cứ nhấp nhổm , phải làm cái việc mà từng mao mạch, từng tế bào của mình nó thôi thúc. Cháu nên lắng nghe chính mình xem, và con đường đăng ký dự các cuộc thi ca hát dày đặc gọi là game show ấy sẽ cho cháu cơ hội. Có người nhẵn mặt ở các cuộc thi ấy chứ. Rồi thì kiếm sống bằng hát bè, hát lót, rồi khi mình đã thuộc đường đi nước bước, mình sẽ biết mình bước tiếp theo lối nào.

Nhưng làm con là phải có chữ hiếu. Trước mắt hãy lo thi cử cho tốt, cứ đăng ký thi như ý ba má nữa hai nơi, và thi nữa, nếu cần, năm sau.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm