Theo đó, ngày 21/7, đánh dấu sự ra đời của con thú cưng Garlic phiên bản 2 do công ty công nghệ sinh học Sinogene có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) phát triển, trở thành con mèo đầu tiên của công ty được nhân bản thành công sau dịch vụ tương tự đối với chó.
Con Garlic thật (ảnh trái) đã chết và con Garlic được nhân bản thành công hôm 21/7 |
Trong năm 2018, Sinogene đã tạo ra hơn 40 con chó cưng với mỗi đơn hàng lên tới 380.000 nhân dân tệ (53.000 USD), trong khi giá nhân bản cho một con mèo hiện là 250.000 nhân dân tệ (35.000 USD).
Ông Mi Jidong, giám đốc điều hành của công ty Sinogene cho hay, bất chấp giá cả cao ngất nhưng nhiều khách hàng vẫn tìm đến công ty, cho dù thu nhập của họ chưa phải là cao.
"Thực tế là, một tỷ lệ lớn khách hàng là những người trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp trong vài năm qua. "Bất chấp vấn đề nguồn gốc giống của con thú cưng, các chủ sở hữu đều coi chúng như một phần của cuộc sống. Do vậy mà dịch vụ nhân bản thú cưng đã đáp ứng được nhu cầu tình cảm của giới trẻ", ông Mi nói. |
Huang, 23 tuổi, chủ nhân của con mèo “Garlic mới” đã rất phấn khích khi nhìn thấy sự tái sinh kỳ diệu này của con Garlic bởi chúng giống nhau tới trên 90%. "Khi con Garlic chết đột ngột, tôi đã rất buồn vì không thể đối mặt với sự thật. Tôi tự trách mình và tự dằn vặt vì đã không đưa nó ngay tới bệnh viện", Huang kể.
Với một thị trường thú cưng đang phát triển một cách nhanh chóng ở các đô thị Trung Quốc, ông Mi nghĩ rằng nhu cầu nhân bản thú cưng kiểu gì rồi cũng sẽ phát triển mạnh.
Theo mạng lưới Pet Fair Asia và trang web thú cưng Goumin.com, ngành dịch vụ liên quan đến thú cưng ở Trung Quốc đã đạt 170,8 tỷ nhân dân tệ (23,7 tỷ USD) trong năm 2018.
Sau khi chó, mèo nhân bản thành công, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết thử thách nhân bản tiếp theo sẽ là con gấu trúc panda, động vật vô cùng quý hiếm chỉ có ở nước này.
Kỹ thuật viên công ty Sinogene tách nhân tế bào thú cưng để nhân bản |
Hoạt động nhân bản vô tính đối với thú cưng bị lên án và cho là phạm pháp ở nhiều quốc gia nhưng nó đã được chấp nhận ở Hàn Quốc và Mỹ, nơi ca sĩ nổi tiếng Barbra Streisand năm ngoái từng tuyên bố cô đã cho nhân bản thành công con chó cưng của mình.
Việc nhân bản vô tính trên động vật có vú thành công đầu tiên là đối với cừu Dolly, được sinh ra ở Anh vào năm 1996, khi nó được nhân bản từ một tế bào trưởng thành.
Đến năm 2005, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã nhân bản ra con chó đầu tiên. Quỹ Nghiên cứu công nghệ sinh học Sooam ở thủ đô Seoul cho biết, họ đã cho ra đời theo phương pháp này được khoảng 800 con thú cưng và thu phí dịch vụ 100.000 USD mỗi con vật.