| Hotline: 0983.970.780

Cộng đồng nuôi cá tầm lại cầu cứu tới Thủ tướng

Thứ Năm 01/07/2021 , 13:49 (GMT+7)

Trong khi cơ quan quản lý chưa xác định nguồn gốc, chủng loài cá tầm Trung Quốc thì một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm vẫn được cấp phép nhập khẩu.

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng vừa thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nuôi cá tầm tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung gửi đơn kiến nghị cấp thiết đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nền sản xuất cá tầm trong nước và chất lượng của cá tầm Việt Nam. Ảnh: CT.

Cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nền sản xuất cá tầm trong nước và chất lượng của cá tầm Việt Nam. Ảnh: CT.

Nội dung đơn kiến nghị nêu, trong suốt thời gian vừa qua, tình trạng cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nền sản xuất cá tầm trong nước và chất lượng của cá tầm Việt Nam.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cùng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan vào cuộc và làm rõ vấn đề nhập khẩu cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại và khối lượng cho phép.

Khi cá tầm Trung Quốc được kiểm soát nhập khẩu đúng quy định, ngành nuôi cá tầm đã và đang hồi phục dần, vực dậy ngành nuôi trồng không những có giá trị cao về mặt kinh tế mà góp phần an sinh xã hội và phát triển bền vững cho nhiều địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa.

Cụ thể, giá cá tầm nuôi trong nước đã nâng lên từ 120.000-130.000/kg lên 170.000-180.000/kg, bảo đảm việc duy trì sản xuất và tái đầu tư, phát triển cho ngành nuôi cá tầm Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cộng đồng nuôi cá tầm trong nước, tình trạng mập mờ về nguồn gốc, giống, loài, không đúng với giấy phép trong hoạt động nhập khẩu cá tầm Trung Quốc đang có dấu hiệu tiếp diễn. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc làm rõ nhưng vẫn chưa đưa ra được căn cứ khoa học để có thể xử lý triệt để.

Cụ thể là trường hợp hai trong số các doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu cá tầm Trung Quốc là Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng và Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

Vào tháng 4/2021, Bộ Công an có văn bản nêu rõ: Trong thời gian từ 28/1/2020 đến ngày 23/7/2020, tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, 7 doanh nghiệp được các cơ quan Nhà nước cho thông quan nhập khẩu từ Trung Quốc 337 tấn cá tầm Xiberi (tên khoa học: Acipenser baerii, thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).

Trong đó, Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng nhập 52 tấn; Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng nhập 52 tấn; Công ty TNHH Đầu tư hải sản Hải Yến nhập 45 tấn; Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nguyệt Vượng nhập 3 tấn; Công ty Cổ phần XNK Thảo Nguyên nhập 6 tấn; Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Xuân Phúc nhập 19 tấn; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Tú nhập 160 tấn…

Theo cơ quan của Bộ Công an, tổng cộng có 337 tấn cá tầm Xiberi sau khi nhập về Việt Nam đã được các doanh nghiệp bán ra thị trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hành vi này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, C05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT có biện pháp chấn chỉnh.

Tổng cục Hải quan khẳng định, qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trường thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan...

Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại. Căn cứ kết quả hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp…

Mặc dù đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc xác định nguồn gốc, chủng loài của cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng và Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng có phải giống cá Xiberi thuần chủng như giấy phép Cites cấp, có đúng theo những quy định hiện hành, tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua mà các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa có kết luận chính thức.

Ngạc nhiên ở chỗ, trong khi các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn Nhà nước chưa có kết luận về những lô hàng cá tầm Trung Quốc của Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng và Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng có phù hợp với giấy phép Cites, có đúng quy định pháp luật hay không thì Cơ quan Cites Việt Nam vẫn cấp phép cho Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng tiếp tục thực hiện việc nhập khẩu cá tầm ngày 26/6/2021 vừa qua với số lượng 14.285 kg cá tầm Trung Quốc.

Trong khi cơ quan quản lý chưa xác định nguồn gốc, chủng loài cá tầm Trung Quốc thì doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm vẫn được cấp phép nhập khẩu. Ảnh: CT.

Trong khi cơ quan quản lý chưa xác định nguồn gốc, chủng loài cá tầm Trung Quốc thì doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm vẫn được cấp phép nhập khẩu. Ảnh: CT.

Đề nghị rà soát lại quy trình cấp Cites

Trước những tồn tại, kẽ hở của hoạt động nhập khẩu cá tầm Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên cả nước kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề tại sao tiếp tục cấp Cites cho các công ty nhập khẩu cá tầm, trong khi việc nhập khẩu cá tầm của các công ty đó hiện vẫn đang chưa khẳng định được là có phù hợp với Giấy phép Cites và quy định pháp luật hiện hành hay không.

Cần thành lập hội đồng khoa học thực hiện thẩm định kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam. Kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra rà soát quy trình cấp Cites từ phía Việt Nam, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp. 

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.