| Hotline: 0983.970.780

Hành trình từ xứ sở thần tiên trở về Việt Nam thời chiến

Công lao của người Việt với Tân đảo

Thứ Hai 07/03/2022 , 06:42 (GMT+7)

'Tiến sĩ nước mắm' Trần Thị Dung nhớ lại ký ức về Tân đảo và những chuyến tàu hồi hương gần 60 năm trước của gia đình mình và cộng đồng Việt kiều ở đây…

Từ tù chính trị đến dân hai chân bị trói buộc

Ngày còn nhỏ chúng tôi mải ăn, mải học nên chẳng để ý mấy chuyện xung quanh mình ở Tân đảo. Hội Việt kiều trên đảo có cái nhà công đoàn để họp hành, lợp bằng tôn và rất rộng kiểu như nhà thép tiền chế bây giờ, khi nào trẻ con học người ta mới kê bàn ghế ra. Các lớp học tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 5 chỉ cách nhau bởi cái bảng.

Khi nào họp hành, bàn ghế học sinh được xếp lại, nhà công đoàn trở thành nơi liên hoan, hội hè. Đầu những năm 1960, các cuộc họp ở nhà công đoàn càng ngày nhiều hơn khi ông Vũ Hoàng - đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang vận động kiều bào về nước.

'Tiến sĩ nước mắm' Trần Thị Dung. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Tiến sĩ nước mắm” Trần Thị Dung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xin được nói qua về lịch sử người Việt ở Tân đảo. Theo tài liệu của ông JeanvanJean (tên thật là Nguyễn Văn Đại - một Việt kiều Tân đảo thế hệ thứ hai), sự hiện diện của người Việt Nam đầu tiên ở Tân đảo (New Hebrides - Vanuatu tên những đảo nằm ở ngoài đại dương, về sau hình thành quốc đảo Vanuatu nằm ở phía đông lục địa châu Úc, phía bắc gần Indonesia, phía nam gần New Zeland) vào quãng năm 1900 - 1910. Họ là ai? 

Chắc chắn họ không phải là dân đi phu mộ mà chính là những người làm chính trị chống lại chính quyền bảo hộ và vua quan phong kiến ở Việt Nam. Họ bị bắt tù giam ở Côn đảo (Poulo Condor) và lưu đầy cấm cố sang Tân Thế giới (New Caledonia) từ những năm 1891. Rồi sau đó một số được thuyên chuyển sang cấm cố ở Tân đảo.

Quyết định về việc tuyển mộ lao động Bắc Kỳ cho Tân đảo được ký kết ngày 19/10/1920. Nhưng mãi đến năm 1922 - 1923, ông Lăng-Xông (Lançon) điền chủ ở đảo Ê-pi đã tự động về Việt Nam làm thủ tục đưa người phu mộ Bắc kỳ đi sang Tân đảo. Chuyến tàu chở phu mộ theo hợp đồng chính thức thực hiện vào tháng 4/1923.

Bố mẹ và các chị em, Trần Thị Dung khi ấy mặc váy cắt tóc mái đứng bên tay trái bố, bên phải là cô em mặc đồ nam nhưng cao hơn. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Bố mẹ và các chị em, Trần Thị Dung khi ấy mặc váy cắt tóc mái đứng bên tay trái bố, bên phải là cô em mặc đồ nam nhưng cao hơn. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Do tình hình thiên tai lũ lụt kéo dài ở miền Bắc Việt Nam dẫn đến nạn đói khổ triền miên, buộc nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ ồ ạt đăng ký đi phu mộ. Đa số phu mộ được tuyển để làm cao su ở miền Nam Việt Nam, số còn lại đi Tân Thế giới làm cu-li mỏ kền và đi Tân đảo làm phu đồn điền trồng dừa, cà phê…

Trong văn bản "Sự giúp đỡ của xứ Đông dương đối với Tân đảo" có ghi rõ: “Trong những năm 1919 - 1920, tình hình trở nên bi đát ở Tân đảo. Việc chặt phá rừng khai hoang chưa phải công việc nặng nhọc nhất. Công đoạn tiếp theo mới vất vả hơn nhiều. Cần phải có một lực lượng nhân công nhất định để thu hái cà phê, nậy cùi dừa, thu hái ca cao và hàng trăm công việc khác như phát cỏ, làm vệ sinh đồn điền…

Uy lực xâm hại cực nhanh của rừng nhiệt đới có thể tiêu diệt cả một đồn điền rộng lớn trong chớp nhoáng nếu không được giữ gìn duy tu hàng ngày. Vấn đề khó khăn bí bách trong việc tuyển mộ nhân công nội địa đã bị bế tắc hoàn toàn. Làm tê liệt tất cả bộ máy khai thác sản xuất, có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực và thành quả lao động mà các điền chủ đã đầu tư tiền tài và sinh mạng trong suốt hơn 40 năm qua, nhằm mục đích bảo vệ và củng cố quyền lợi của nước Pháp tại Tân đảo.

Những điền chủ ở Tân đảo khao khát và mong muốn có được một đội ngũ nhân công tương tự như các cộng sự đồng hương của họ ở bên New Caledonia đang sở hữu lúc bấy giờ... Trong thời gian này có một điền chủ người Pháp lần đầu tiên tìm đường về xứ Đông Dương để làm việc với các quan chức thuộc địa ở đây nhằm tìm giải pháp hữu hiện cho vấn đề này.

Ông ta có tên là Lăng-xông điền chủ ở đảo Ê-pi. Ông Lăng-xông quê gốc ở Đô-phi-nê (Dauphiné). Một điều lạ ở Tân đảo là hiếm có một người có kiến thức cao như ông. Ông đã xây dựng và sở hữu một số doanh nghiệp quan trọng. Để tưởng nhớ đến quê hương của mình, ông đã đặt tên cho vùng đất của ông là đồn điền A-lô-brô-dơ. Trước đây, chính quyền Pháp ở Tân đảo cũng đã từng có cuộc thương thuyết với chính quyền Pháp tại Đông Dương về vấn để tuyển dụng lao động Bắc kỳ, nhằm mở rộng đất đai canh tác, điều mà bên láng giềng Tân Caledonie đã và đang làm. Nhưng các cuộc thương thuyết diễn biến quá chậm chạp gần như bế tắc.

Một cây khổng lồ ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Một cây khổng lồ ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Do không có thông tin chính xác, nên chính quyền Đông Dương vẫn tỏ ra dè dặt. Họ quan ngại rằng nếu không cẩn thận dễ trở thành nạn nhân của một đất nước còn rất xa lạ, lại man rợ và lạc hậu, rằng chính quyền Pháp còn phải gánh vác trách nhiệm đối với công dân dưới quyền bảo trợ của họ. Khác với chính quyền Tân đảo, ông Lăng-xông đã được đón tiếp nồng nhiệt ở xứ Đông Dương. Tài hùng biện của ông trong việc thuyết trình có tình có lý về tình trang khẩn cấp ở Tân đảo đầy tính thuyết phục, đã được chính quyền Đông Dương chấp thuận. Thời gian ông Lăng-xông có mặt ở Đông Dương vào quãng năm 1922 - 1923.

Chính quyền Đông Dương đã cấp giấy phép đặc biệt mang tính chất thử nghiệm cho ông Lăng-xông trở về đảo Ê-pi mang theo một số công nhân và người lao động Bắc kỳ. Giấy phép đặc biệt đã được xác nhận theo quyết định ký ngày 31/7/1923… Nó được áp dụng tạm thời đánh dấu cho việc ông Lăng-xông được phép tuyển dụng nhân công xuất xứ từ Bắc kỳ đến làm việc tại Tân đảo qua hai chuyến tàu tháng 4 và tháng 8/1923”.

Họ đi theo hợp đồng lao động với thời hạn 5 năm, khi hết hạn, có thể ký tiếp hợp đồng 3 năm một lần với mức lương: 80 franc 2 năm đầu, nâng 90 franc năm thứ 3 và 100 franc 2 năm cuối. Chủ phải chi trả 4.000 franc mỗi đầu người cho cơ quan tuyển dụng lao động gồm các khoản chi phí hợp đồng, chuyển nhượng và hồi hương sau này.

Một góc của Tân đảo ngày ấy. Ảnh: Tư liệu.

Một góc của Tân đảo ngày ấy. Ảnh: Tư liệu.

Theo tư liệu của tác giả Virginie Riou thì: “Điều kiện hợp đồng đăng ký đi phu mộ sang Tân Thế giới - Tân đảo hết sức hấp dẫn. Ngoài khoản tiền được ứng trước, tiền lương thoả thuận hàng tháng đối với lao động nam là 80 franc, nữ là 60 franc.

Khẩu phần ăn hàng ngày: 500g gạo, 250g bánh mì, 250g thịt hoặc cá... hơn hẳn khẩu phần tính toán theo lý thuyết đối với một người dân sinh sống ở Đông Dương là 315g. Theo thoả thuận, họ được chu cấp quần áo, nhà ở, thuốc thang chữa trị bệnh miễn phí, kể cả việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ và một nhà hộ sinh (nhưng trên thực tế đã bị chủ cắt giảm không điều kiện).

Một số thoả thuận khác đã hứa là một tuần làm việc 5 ngày rưỡi (chiều thứ bẩy và chủ nhật nghỉ), mỗi ngày làm 9 tiếng. Thay vào đó, một khi đã ký kết giao kèo, người lao động sẽ mất quyền tự do đi lại và buộc phải có giấy thông hành (trên thực tế họ mất cả tên thật của mình vì thay vào đó là một số báo danh vì chủ cho là tên Việt rất khó gọi)… Sau này ở Tân Caledonie, do hoàn cảnh điều kiện nào đó người lao động phu mộ đã tự đặt cho mình một cái tên là “chân đăng” đồng nghĩa với hai chân bị trói buộc...

Đem máy chém xử tử 6 người Việt

Năm 1923 có 145 người phu mộ đến Port Vila (thủ phủ của Tân đảo) theo hợp đồng tuyển mộ chính thức. Tính đến 1940 đã có 21.915 người phu mộ lần lượt đến và đi. Đa số là dân Nam Định, Thái Bình còn lại là Hải Dương, Kiến An (Hải Phòng), Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh... Cứ 5 người nam có 1 người nữ.

Diện tích khai phá bùng nổ từ năm 1920 đến 1930, trồng dừa, cà phê, ca cao tăng từ 8.000ha lên 16.000ha. Thu hoạch từ 3.000 tấn lên 14.000 tấn. Dân Melanesian không đồng ý với chủ thì họ tự ý bỏ về nước. Dân Việt Nam không có đường thoát thân nên phải gắn bó với chủ.

Đoàn thanh niên Liên Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Đoàn thanh niên Liên Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1928, các kho hàng Hãng Ballande ở Port Vila Tân đảo đã bị đốt cháy rụi gây thảm hoạ 16 người chết cháy, trên 20 bị thương nặng, thiệt hại lên tới hơn 10 triệu franc. Dù không công khai nhưng người ta cũng nghi ngờ đây là vụ phá hoại có liên quan đến phu mộ Việt Nam. Năm 1929, một vụ trọng án xảy ra tại Malo-Pass.

Không chịu khuất phục trước sự tàn bạo độc ác của bọn chủ, 4 người phu mộ Việt Nam đã tổ chức hạ sát tên chủ đồn điền Xơ-va-liê (Chevalier). 4 người này cộng với 2 người gây án mạng khác đã bị toà án kết án tử hình. Tàu “Regulus” đã chở họ sang Nouméa giam ở Nouville. Ngày 27/7/1931, tàu “La Pérouse” đã chở máy chém và 6 tử tù Việt nam từ Nouméa về Port Vila.

Máy chém đã được dựng lên trong đêm hôm đó để sáng sớm hôm sau thi hành án tử hình tại trại lính bảo an bên cạnh nhà tù ở Port Vila. Ngày 28/7/1931, đúng 6h00 sáng, lần đầu tiên trong lịch sử ở Tân đảo diễn ra cuộc hành hình đẫm máu bằng máy chém sát hại 6 tử tù người Việt Nam.

Hầu hết người Việt Nam làm trong các đồn điền ở các đảo đã nghỉ việc để phản đối việc chém 6 tử tù người Việt. Họ đeo khăn tang để truy điệu và tưởng nhớ những người đã hy sinh vì tự do và công lý.

Ban văn nghệ thanh niên Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Ban văn nghệ thanh niên Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1930 - 1937, khủng khoảng kinh tế ở Tân đảo khiến 15.000 tấn sản phẩm cây công nghiệp xuất khẩu giảm xuống còn 10.000 tấn, tổng giá trị 39 triệu franc giảm xuống 11 triệu franc. Do khủng khoảng kinh tế ở Tân đảo, phải tạm ngừng du nhập lao động từ Việt Nam, tổng số hơn 5.000 giảm xuống còn 2.300 người.

Năm 1938 - 1940, kinh tế ổn định trở lại, tiếp tục tuyển mộ người lao động Đông Dương cho đến đầu năm 1940 thì ngừng hẳn do chiến tranh ở Việt Nam và khởi đầu cuộc thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương…

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Gần 1 triệu lượt khách tới Khánh Hòa dịp lễ 30/4 - 1/5

Dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Khánh Hòa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng.