| Hotline: 0983.970.780

Còng lưng gom Tết

Thứ Năm 31/12/2009 , 09:58 (GMT+7)

Hằng năm, cứ vào thời điểm giáp Tết, những nông dân vùng miệt vườn lại bươn bả với nghề thời vụ để lo cho gia đình một cái Tết. Họ có thể làm bất cứ nghề gì.

Nhóm nhân công nữ đang chờ việc

Hằng năm, cứ vào thời điểm giáp Tết, những nông dân vùng miệt vườn lại bươn bả với nghề thời vụ để lo cho gia đình một cái Tết. Họ có thể làm bất cứ nghề gì.

Tờ mờ sáng, những nhóm người lao động từ các ngả đường hối hả về hướng sông Lưu, xã Nhơn Phú, huyện Măng Thít (Vĩnh Long). Người đạp xe trên đường, người chèo xuồng ghe dưới sông cùng tập trung đến bến sông Lưu. Công cụ lao động của những người đến họp chợ này chỉ có cái đòn bằng tre, hay gỗ để khiêng gạch và chiếc giỏ đựng cà men cơm trưa.

Mọi người tự chia nhau thành từng nhóm (khoảng 10-15 người) ngồi, nghỉ cùng nhau rôm rả bàn tán đủ thứ chuyện. Chúng tôi để ý, thường những phụ nữ chân yếu tay mềm chọn cùng nhóm và cánh đàn ông cơ bắp khỏe mạnh một nhóm. “Thời điểm cuối năm nào cũng vậy, cứ gà gáy te te là cả khu vực này lại rộn rã tiếng người đi bán công lao động, gọi nhau í ới, họ tụ tập về đây rất đông để chờ chủ ghe mướn làm”- anh Vĩnh, chủ quán nước gần chợ tâm sự. Trời càng về sáng, những người đến họp chợ càng đông, chẳng mấy chốc đã ngồi chật kín bến chợ. Lúc này, tiếng chuyện trò cười nói càng thêm rôm rả nhưng hầu như ai cũng luôn dõi mắt về hướng ngã ba sông.

Khoảng 6 giờ 30, chiếc ghe đầu tiên mang biển số của tỉnh Bến Tre từ từ cập bến. Ông chủ ra đứng đầu mũi ghe vẫy tay, la lớn: “Cần 10 người khiêng gạch, tiền công mỗi thiên 25.000 đồng”. Nghe vậy, những nhóm người đang ngồi họp chợ bỗng nhốn nháo hẳn lên. Đột nhiên có tiếng nói lớn vọng ra từ trong quán nước: “Hôm qua nhóm của chị Ba Mến chưa đi, bữa nay chị đi trước đi, nhóm tụi tôi ngồi chờ ghe sau”. Các nhóm khác cũng hưởng ứng theo: “Ừ thôi để nhóm chị Ba đi trước đi”!

Vụ “giao dịch” nhận việc chỉ diễn ra trong tích tắc rồi những người được ưu tiên nhổm dậy nhảy lên ghe, còn những nhóm khác tiếp tục ngồi chờ mà không hề nghe có tiếng than vãn.

Luật ở đây là vậy, cánh đàn ông, thanh niên không ỷ sức bắt chẹt phụ nữ hay người già yếu, họ không cạnh tranh giành giật mối và đặc biệt cũng không tụ họp la ó, ẩu đả nhau làm ảnh hưởng tới giờ giấc sinh hoạt của người dân địa phương... Nhờ có “luật” này khiến cho cả khu chợ lao động vẫn luôn tồn tại từ nhiều năm qua, chưa bao giờ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.

Ông Lê Văn Cáo, một trong những người “bán sức” lâu năm ở chợ này, cho biết: “Nhóm người đi làm mướn ở đây vừa có dân địa phương và cũng có cả dân nơi khác đến, đụng nhau riết tụi tui cũng quen mặt nhau hết trơn. Chúng tôi thống nhất, thành lập theo từng tổ, có trưởng nhóm. Khi chủ ghe đến mướn công, trưởng nhóm sẽ đứng ra phân công đều, nếu ai không chịu luật sẽ bị tẩy chay và không cho gia nhập nhóm!”.

Theo ông Cáo, khu chợ bưng gạch mướn đã có cách đây gần 20 năm, từ khi làng nghề làm gạch ở Mang Thít mới phát triển. Hằng ngày các tàu, ghe từ khắp nơi ghé mua gạch đi các tỉnh khác bán, khiến nhu cầu mướn lao động bốc gạch cũng bắt đầu “sốt”. Chợ lao động thường nhóm họp từ tờ mờ sáng và tan vào khoảng 12 giờ trưa, mỗi ngày giải quyết việc làm cho hàng trăm thanh niên nông thôn. Ban đầu, chỉ lẻ tẻ chừng chục người đến bưng gạch. Dần dà, cùng với sự phát triển của nghề làm gạch, gốm, đến nay số nhân công họp chợ thường xuyên lên đến trên 200 người; những lúc cao điểm có khi hơn 400 người.

Nghề bưng, khiêng gạch hầu như có việc quanh năm, một lao động kiếm được khoảng 60.000- 80.000đ/ngày. Nhất là vào thời điểm cận Tết, cánh đàn ông, thanh niên nông thôn càng tập trung đông hơn, chủ ghe tuyển người cũng gắt hơn, giá thành khiêng gạch cũng nâng lên chút đỉnh.

Tạm biệt khu chợ lò gạch, chúng tôi tìm đến khu chợ nhân công hái trái cây mướn ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành A (Hậu Giang). Khu chợ này cũng được hình thành từ lâu, nhất là vào những cận Tết, khi hàng bưởi Năm Roi càng đắt hàng khiến các nhà vườn phải đỏ mắt tìm kiếm nhân công hái mướn.

Theo những người làm nghề hái bưởi lâu năm ở đây, mỗi ngày họ được trả công từ 40 - 60.000đồng, còn gánh bưởi thì 30 - 40.000đ/thiên (mỗi thiên 1.400 trái), cơm nước được chủ vườn bao. Do vậy, một lao động làm siêng năng trong vài tuần có thể bỏ túi khoảng dăm trăm ngàn tiêu Tết. Nghề hái bưởi mướn tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người hái phải cẩn thận sao cho quả bưởi còn dính cuống thì chủ vườn mới bán được giá cao.

Không chỉ có chợ lò gạch, chợ hái bưởi, ở ngã ba sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới (An Giang) còn được ví như nơi hội tụ của nguồn cá nước ngọt vùng ĐBSCL, nhiều nhất là cá bông lau. Hằng năm cứ vào thời điểm trước Tết kéo dài đến tháng 4 âm lịch, người dân nơi đây lại rộn ràng kéo lưới. Vì cứ đến mùa này cá lại đổ về nhiều khiến những người dân nghèo ven sông được mùa đánh bắt có tiền xài Tết. Ông Tư Đựng, người dân kì cựu của làng chài cho hay, cá bông lau thường đi theo con nước đêm, chỉ cần thức đêm thả trúng được vài ba con là có thể bỏ túi gần cả trăm ngàn ngon ơ! Do giá cả hấp dẫn nên lực lượng thanh niên địa phương đi làm thuê mướn nơi xa “căn” đến mùa này lại kéo về quê để săn cá. Vào lúc cận Tết như lúc này, mọi nhà dân lại bắt đầu vào mùa chong đèn trắng đêm để tung chài lưới bắt cá bông lau, những mong có được nguồn thu để lo ba ngày Tết.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất