| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ tối tân của TH True Milk

Thứ Hai 26/11/2012 , 09:40 (GMT+7)

Sau gần 3 năm thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, Cty TH đã chứng minh rằng hướng đi của mình là đúng đắn.

Lâu lắm mới có dịp trở lại vùng đất đỏ Phủ Quỳ, trước mắt tôi là những cánh đồng ngô, cao lương, hoa hướng dương, cỏ... xanh mướt, ngút ngàn như những tấm lụa rộng lớn đủ màu nối liền nhau dệt nên những tấm thảm khổng lồ bao trùm lên hàng nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ.

Còn nhớ, cách đây 3 năm chúng tôi lên đây được tận mắt chứng kiến những vườn cam đã hết chu kỳ, những ha cao su thưa thớt... đang được chính quyền các cấp vận động nhường chỗ cho Cty CP Thực phẩm sữa TH (Cty TH) để thực hiện đại dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á.

Khát khao của chính quyền Nghệ An và nhà đầu tư là dùng dự án này để tạo ra một bước chuyển mình lớn lao trong lịch sử phát triển của vùng đất Phủ Quỳ, giúp Nghệ An cất cánh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau gần 3 năm thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp huyện Nghĩa Đàn, Cty TH đã chứng minh rằng hướng đi của mình là đúng đắn. Bằng công nghệ đầu cuối hiện đại nhất của thế giới với dây chuyền tự động hóa, đồng bộ, khép kín của Israen... sữa TH true milk cung cấp cho người tiêu dùng thực sự là một sản phẩm tươi, sạch được chắt lọc từ thiên nhiên nên được người tiêu dùng đón nhận.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm đàn bò sữa của Cty TH

TỪ NHỮNG ĐỘT PHÁ VỀ CÔNG NGHỆ

Theo chân thạc sỹ Nguyễn Lê Thăng, một cán bộ của Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc về đầu quân cho Cty TH rong ruổi trên những cánh đồng ngô, cỏ Mombasa, cao lương Mỹ...; anh Thăng cho biết: "Ở đây từ khâu làm đất, gieo trỉa, thu hoạch đều được vận hành theo kiểu đại công nghiệp. Hàng ngày, các máy móc liên hợp được nhập khẩu từ Israen về cùng một lúc vừa làm đất, bón phân, vừa làm cỏ, vừa gieo hạt ngay trên cùng một máy nên thời vụ làm rất nhanh gọn và kịp thời. Nếu các nhà máy SX phân bón cung cấp được các loại phân đơn như đạm, lân, kali có bao bì trọng tải 1.000 kg/bao thì quy trình làm đất, bón phân, gieo trỉa, làm cỏ sẽ được tự động hóa 100%.

Hàng ngày chỉ cần một công nhân vận hành máy (người Việt) là có thể xử lý liên hoàn các công đoạn cày bừa + bón phân + phun thuốc diệt cỏ + gieo hạt bình quân từ 3-5 ha/ngày. Sau đó là công việc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư trồng trọt, BVTV đảm nhiệm tiếp từ công tác chăm sóc, dự báo và phát hiện sâu bệnh để đưa ra phác đồ sử dụng thuốc BVTV, thời điểm phun nước chống hạn như thế nào cho từng loại cây trồng cho đến khi thu hoạch.

Trong chăn nuôi bò sữa công nghiệp, nhất là để đáp ứng đủ lượng thức ăn thô cho cùng một lúc trên dưới 25.000 con là điều cực kỳ khó khăn. Thế nhưng, Cty TH đã xử lý tốt và rất hoàn hảo vấn đề này không phải bằng cỏ voi như một số đơn vị bạn vẫn làm.

Đến nay, sở dĩ chúng tôi đã giải quyết được xấp xỉ 90% lượng thức ăn thô cho đàn bò khổng lồ của mình là nhờ các chuyên gia đưa vào thức ăn thô thành phần chủ lực là cây ngô và cây cao lương Mỹ, Anh.


Cánh đồng cao lương thẳng cánh cò bay của TH

Dẫn chúng tôi vào thăm cánh đồng cao lương rộng khoảng 300 ha đang vào thời kỳ kết hạt, anh Thăng cho biết: "Cao lương Mỹ chịu hạn rất tốt. Vụ xuân cây cao tới 4,5 mét, nhưng vụ hè thu nó chỉ cao khoảng 1,8 - 2 mét nên chúng tôi đang tìm giống cao lương khác phù hợp với vụ đông hơn. Còn cây ngô, mỗi năm hàng nghìn ha ngô đơn DK C919, DK C9901 được gieo trỉa chăm sóc từ khi trổ cờ, phun râu và kết hạt xong là bắt đầu thu hoạch toàn bộ từ thân đến ngọn. Máy liên hợp xử lý việc cắt, thái, băm nhỏ ngay trên đồng ruộng và chuyển sang xe tải chở về trung tâm SX thức ăn để cân, đong đo đếm.

Tại đây, thức ăn xanh được hấp sấy để diệt khuẩn, được phối trộn với rỉ mật, muối và nhiều chất dinh dưỡng khác để ủ chua lên men một lúc hàng nghìn tấn cho đàn bò. Hàng ngày các chuyên gia dinh dưỡng Ixraen và người Việt trực tiếp điều hành việc phối trộn thêm với các loại thức ăn tinh như cám, bột đậu nành và các thành phần dinh dưỡng khác theo các công thức đã được đưa vào phần mềm máy vi tính để đưa ra những loại thức ăn phù hợp cho từng loại bò (bò chửa, bò vắt sữa, bò choai và bê sữa...)".

Ông Lê Văn Cần ở Cty TH dẫn chúng tôi đến xem một trong số các cơ sở SX nước tinh khiết cho đàn bò sữa uống tại khu trại số 2. Hai đồng nghiệp không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến nguồn nước uống cho bò lấy từ hồ sông Sào lên lại được “tinh luyện” đến mức như thế! Nước được đưa qua hệ thống lọc thô bằng cát sau đó mới đưa vào tinh lọc bằng 4 dàn máy lọc Amiad rất hiện đại trước khi chảy vào 3 thùng chứa khổng lồ và từ đó theo hệ thống đường ống dẫn nước bằng kẽm chảy về các trang trại cho đàn bò tự cọ vào hệ thống van nước để uống khi khát...

Chúng tôi ghé sang khu vực vắt sữa ở Cty TH, mấy đồng nghiệp đi cùng lại thêm một lần nữa ồ lên khi tận mắt chứng kiến cả dàn hệ thống vắt, lọc, làm lạnh sữa được xếp vào loại hiện đại nhất thế giới.

Ông Cần cho biết Cty TH đang vận hành 5 khu vực vắt sữa tự động, cùng 1 lúc các hệ thống máy này có thể vắt được 600 con bò sữa/lần. Đàn bò sữa trước mỗi lần vắt đều được đưa vào khu vực nhà vệ sinh tại đây cứ 5 phút một lần chúng được hệ thống phun và mát xa bằng nước tắm mát thoả thích và được thổi khô trước khi chuyển sang tại khu vực nhà chờ để nghe thêm 20 phút những bản nhạc tình ca mượt mà của Moza sau đó mới được đưa vào hệ thống máy vắt sữa.

Theo ông Cần việc cho bò tắm mát và nghe nhạc vừa đảm bảo cho đàn bò được vệ sinh sạch sẽ trước khi vắt sữa vừa có tác dụng làm cho dòng sữa của chúng mát và còn có tác dụng tăng sản lượng sữa lên rất nhiều trong mỗi lần vắt. Hệ thống máy vắt sữa hoàn toàn tự động không chỉ làm nhiệm vụ vắt sữa đơn thuần mà còn có chức năng phát hiện những điều không bình thường trong từng cá thể bò.

Chỉ cần xuất hiện một vi sinh vật lạ, hoặc có hàm lượng kháng sinh trong sữa của từng cá thể bò thì lập tức máy sẽ báo đèn đỏ và tự động đóng van hút và báo về máy chủ tại hệ thống điều khiển. Lập tức cá thể bò này sẽ được đưa ra khỏi dây chuyền và chuyển đến khu vực bệnh viện để các bác sỹ thú y chăm sóc và điều trị.

Mỗi ngày một cá thể bò sữa được vắt 3 lần (sáng - trưa - chiều), lượng sữa tươi từ các ống hút được lọc kỹ trước khi chảy vào hệ thống làm lạnh xuống còn 2,5 độ C và chảy vào bể chứa chuyên dụng sau đó lần lượt được hút lên 11 chiếc xe chuyên dụng đưa tới nhà máy chế biến.

Anh Nguyễn Lê Thăng khẳng định: "Tất cả các khâu từ khi gieo trồng các loại cây trồng làm thức ăn xanh cho đàn bò trên các đồng đến khi thu hoạch, chế biến đến cho bò ăn tới các công đoạn vắt sữa, làm lạnh, vận chuyển và chế biến thành sản phẩm đều dùng công nghệ tiên tiến nhất của Israen, được tự động hóa 100%.


Hệ thống xử lý chất thải hiện đại đang vận hành

Do không có một giọt sữa nào của Cty TH thoát ra khỏi quy trình khép kín đó cho tới khi đến tay người tiêu dùng nên có thể nói nó là loại thực phẩm “siêu sạch” là hoàn toàn đúng. Bằng chứng hùng hồn là: Sản phẩm sữa TH true Milk của chúng tôi đã được trên 70 nước công nhận là sữa sạch. Đây cũng là lý do giải thích vì sao sản phẩm này vừa tung ra thị trường đã được người tiêu dùng trong nước nhanh chóng chấp nhận".

ĐẾN NHỮNG GHI NHẬN

Ông Lê Văn Cần tâm sự: Cho đến thời điểm cuối tháng 10/2012, đàn bò sữa của Cty TH đã lên đến 25.000 con, trong đó hiện có 8.000 con bò sữa HF cho sữa mỗi ngày. Năng suất sữa của đạt bò đạt ở mức bình quân thấp nhất từ 38 đến cao nhất 60 lít/ngày. Hiện tổng sản lượng sữa tươi của Cty đã xấp xỉ đạt 270 tấn/ngày. Lượng sữa tươi đã vượt qua ngưỡng công suất chế biến của nhà máy hiện có nên lượng sữa dư thừa đã được dùng cho bê sữa uống.

Do lượng sữa tươi quá nhiều nên đã gây áp lực quá lớn cho đội ngũ lái xe vận chuyển sữa ra nhà máy. Họ phải làm việc liên tục, không được nghỉ kể cả ngày lễ và chủ nhật. Mặc dù công ty đã nhập khẩu và mua trong nước được 9 xe bồn chuyên dụng (tải trọng từ 12 đến 25 tấn sữa/chuyến) nhưng vẫn phải thuê thêm 3 xe chuyên dụng khác để hàng ngày đưa sữa tươi ra nhà máy chế biến.

Thành công thứ 2 từ khi dự án này triển khai chính là nhờ được chuyển giao các tiến bộ khoa học nông nghiệp công nghệ cao của Ixraen. Hiện nay gần như 100% cán bộ kỹ sư người Việt đã có thể tự đảm nhận được các công đoạn SX, chế biến, phối trộn thức ăn, vắt sữa...tại các phân trại. Đây là lý do giải thích vì sao từ chỗ kỹ sư, chuyên gia tư vấn đến công nhân kỹ thuật người Israen có thời điểm lên tới gần 90 người, nay Cty chỉ thuê 8 người trực tiếp điều hành các công việc chính.

Sắp tới, khi đàn bò sữa của Cty TH lên tới 137.000 con, thì diện tích trồng thức ăn cung cấp cho đàn bò sẽ được tiếp tục nhân rộng trong phạm vi 8 huyện, thị xã của Nghệ An với diện tích 11.494 ha. Với tầm nhìn và chiến lược đầu tư dài hạn của Ngân hàng TMCP Bắc Á, hy vọng Cty TH sẽ phát triển bền vững góp phần đưa huyện Nghĩa Đàn vươn lên thành một huyện giàu có của tỉnh Nghệ An vào năm 2020.

Thành công thứ 3 là trước đây, 1 ha đất SX nông nghiệp ở vùng này giao cho các đơn vị được giao quản lý, sử dụng chỉ đạt thu nhập tối đa 70 triệu đồng/năm. Nay nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào các loại cây trồng nên giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đã đạt 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những loại cây trồng mới như cay cao lương Mỹ đã mang lại giá trị trên dưới 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Thành công thứ 4 chính là Cty TH đã trở thành nơi giải quyết công ăn việc làm cho không ít lực lượng lao động tại địa phương. Tính đến thời điểm 20/11/2012, Cty đã thu hút được 1.037 lao động vào làm việc. Điều đáng nói là trong đó có xấp xỉ 80% là con em của bà con nông dân đang sinh sống tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa với mức lương khá cao và ổn định.

Đó là chưa kể việc Cty TH đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có việc cấp 500 con bò lai sind cho các hộ nghèo tại 8 xã thuộc vùng dự án để giúp họ xóa đói giảm nghèo.

Cty TH đang tiếp tục triển khai quy hoạch toàn bộ vùng đất Phủ Quỳ, gắn công tác tái định cư với xây dựng nông thôn mới; đưa các dự án rau sạch, bệnh viện 5 sao... vào hoạt động để thu hút thêm lực lượng lao động trong vùng quy hoạch phát triển của dự án.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.