| Hotline: 0983.970.780

Công trình cấp nước sạch cho 27.000 hộ dân kêu cứu

Thứ Bảy 09/04/2022 , 11:41 (GMT+7)

Nam Định Để đường ống nước sạch dưới đáy sông thì khi xảy ra sự cố sẽ khôbg thể phát hiện và sửa chữa...

 

Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân đang cung cấp nước sạch cho hơn 27.000 hộ dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân đang cung cấp nước sạch cho hơn 27.000 hộ dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Công trình nước sạch từng bị “bỏ quên”

Báo NNVN nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh (Công ty Mai Thanh), Chủ dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân được triển khai từ năm 2015 và đi vào vận hành từ năm 2017 đến nay. Hiện, nhà máy cung cấp nước sạch cho hơn 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Tuy nhiên, đến năm 2020, Cụm công trình Kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án Bộ GTVT được Chính phủ giao triển khai – Dự án WB6) được khởi công đã cắt ngang tuyến ống nước sạch cho 9 xã của Công ty Mai Thanh.

Theo hồ sơ, ngày 4/4/2008, Bộ GTVT có Quyết định số 883/QĐ-BGTVT về đầu tư Dự án WB6 sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2008 đến hết tháng 12/2015. Giai đoạn này Hạng mục Kênh nối Đáy – Ninh Cơ chưa thực hiện. Giai đoạn 2, được triển khai khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2094/QĐ-TTg, ngày 2/11/2016, về việc bổ sung vốn Dự án WB6 với tổng vốn 110,8 triệu USD, nêu rõ: “để sử dụng cho các hạng mục: đào kênh nối sông Đáy – Ninh Cơ, xây cầu vượt kênh và âu tàu đảm bảo tàu trọng tải tới 3000 DWT hoạt động; đồng thời xây dựng hoàn trả các công trình hiện hữu khi đào kênh.”

Tuy nhiên, trong hồ sơ của Dự án WB6 kể từ khi triển khai giai đoạn 2 (năm 2016) cho đến khi khởi công Kênh nối Đáy – Ninh cơ (năm 2020) đã không hề cập nhật “công trình hiện hữu khi đào kênh” là tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh cho dù tuyến ống này đã hiện hữu gần 3 năm trước thời điểm đào kênh.

Về phía Nam Định, khi ban hành các Quyết định 1370/QĐ-UBND, ngày 15/07/2015, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch tại huyện Nghĩa Hưng; Quyết định 2758/QĐ-UBND, ngày 06/12/2018 và Quyết định 313/QĐ-UBND ngày 13/02/2019, điều chỉnh nâng công suất Nhà máy từ 8.000 lên 28.000m3/ngày để cấp nước sạch cho 10 xã, UBND tỉnh Nam Định cũng không đề cập đến Dự án WB6 (cắt ngang Dự án nước sạch). Công ty Mai Thanh chỉ biết đến sự hiện diện của WB6 khi UBND huyện Nghĩa Hưng mời đến làm việc vào cuối năm 2019.

Và, phải đến ngày 16/6/2021, tại văn bản 387/UBND-KTHT, UBND huyện Nghĩa Hưng mới có báo cáo chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung Công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc Tiểu dự án GPMB.

Ngày 21/7/2021, Bộ GTVT có Công văn số 7123/BGTVT-CQXD đồng ý và thống nhất với UBND tỉnh Nam Định đưa tuyến nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc Tiểu dự án GPMB để địa phương thực hiện.

Đến ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nam Định mới có Công văn số 517/UBND-VP5 giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư Hạng mục hoàn trả tuyến ống cấp nước sạch.

Lúc này, Hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã triển khai gần 5 năm và chỉ còn 11 tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB. Trong bối cảnh đó, công trình phải hoàn trả cho tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh phải chịu sức ép nặng nề về áp lực tiến độ của dự án WB6 cùng “nhiều yếu tố ngoài chức năng, nhiệm vụ” như huyện Nghĩa Hưng từng thừa nhận.

Đó là văn bản số 587/UBND-TNMT, ngày 30/9/2020, UBND huyện Nghĩa Hưng đề nghị Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý Dự án Đường thủy thực hiện hoàn trả công trình nước sạch giống như công trình hệ thống điện vì “có nhiều tố kỹ thuật ngoài chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghĩa Hưng”.

Cụm công trình Kênh nối Đáy – Ninh Cơ đang được triển khai. 

Cụm công trình Kênh nối Đáy – Ninh Cơ đang được triển khai. 

Đường ống nước sạch đi ngầm dưới kênh được ví như “cài bom nổ chậm”?

Sau khi UBND tỉnh Nam Định chính thức giao nhiệm vụ, để không ảnh hưởng đến kết cấu cầu vượt, UBND huyện Nghĩa Hưng đã lựa chọn và phê duyệt phương án hoàn trả tuyến ống đi ngầm dưới đáy kênh.

“Ở phương án này, hồ sơ tư vấn kỹ thuật khuyến cáo: “xảy ra sự cố thì không thể phát hiện và khắc phục nên phải đảm bảo công tác thi công”. Vậy thì khác gì “cài bom nổ chậm” vào hệ thống công trình nước sạch của chúng tôi trong suốt 48 năm còn lại của Dự án”, Giám đốc Công ty Mai Thanh nói.

Để đảm bảo tính pháp lý và kỹ thuật, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu hoàn trả công trình tuyến ống nước sạch phải có giá trị tương đương về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và khi sự cố xảy ra có thể khắc phục trong vòng 72 giờ theo đúng quy định, Công ty Mai Thanh đã đề xuất phương án đi nổi (có trụ đỡ độc lập hoặc đi dọc 2 bên thân cầu). Nhưng đề xuất này không được UBND huyện Nghĩa Hưng và phía chủ dự án WB6 chấp nhận.

Công ty Mai Thanh đã làm đơn khiếu nại tới UBND huyện Nghĩa Hưng. Nhưng huyện này không giải quyết đơn khiếu nại theo qui định của Luật Khiếu nại mà ra Quyết định cưỡng chế vào ngày 8/3/2022 buộc Công ty Mai Thanh phải cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ GTVT.

“Bộ GTVT chia sẻ với doanh nghiệp về những vụ việc như thế này”

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sáng ngày 7/4, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với Công ty Mai Thanh về việc hoàn trả công trình nước sạch của Dự án WB6. Tham gia buổi làm việc có Thanh tra Bộ GTVT, Ban Quản lý các dự ấn Đường thủy (QLDAĐT) – đại diện Chủ đầu tư Dự án WB6 và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

Giám đốc Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại buổi làm việc, Công ty Mai Thanh đề nghị phương án hoàn trả tuyến ống đi nổi trên thân cầu, không chấp nhận phương án đi ngầm dưới đáy kênh. Đồng thời đề nghị: Tạm dừng cưỡng chế; các bên ngồi lại với nhau trên cơ sở Bộ GTVT là đơn vị chủ trì cùng cơ quan liên quan đưa ra phương án bồi thường, hoàn trả công trình đáp ứng yêu cầu tương đương về tiêu chuẩn kỹ thuật theo luật định.

Lãnh đạo Bộ GTVT đã lắng nghe, trao đổi và cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Mai Thanh trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu: “Đề nghị Công ty Mai Thanh cũng rà lại những nội dung mà Bộ đã trao đổi. Phía Bộ GTVT phải nghiên cứu các đề xuất của Công ty Mai Thanh liên quan đến “đi nổi”, mặc dù tôi hiểu về mặt thẩm quyền không phải của Bộ.  Bộ đã có sử dụng tư vấn kiểm tra lại để đưa ra góp ý có cơ sở khoa học cho tỉnh về phương án, nhưng tôi vẫn rất muốn các anh rà lại.

Phía Thanh tra Bộ hôm nay đã làm việc với doanh nghiệp, đề nghị tham mưu cho tôi về trình tự thủ tục để trả lời. Tôi rất muốn các bên làm việc, trao đổi để hiểu nhau rõ hơn, kể cả làm việc lại với tỉnh về nội dung này. Và cần phải triển khai sớm.”

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.