| Hotline: 0983.970.780

Làm giả hồ sơ 'cướp' hơn 600 hecta rừng của 116 hộ dân

Thứ Năm 09/09/2021 , 09:38 (GMT+7)

Cán bộ Lâm trường Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ giả mạo để thu hồi đất nhằm hưởng lợi trên mồ hôi, công sức của người dân trên những cánh rừng.

Đang là chủ rừng bỗng trở thành người làm thuê

Bản Hùa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn có hộ hơn 121 hộ dân thì có đến 30 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo, ruộng ít đời sống người dân quanh quẩn, đói nghèo. Thu nhập của người dân ở đây chủ yếu trông chờ vào trồng rừng. Trước đây, đất rừng nhiều, dân thưa, nên đất sản xuất của người dân cũng khá lớn, trung bình mỗi hộ cũng có từ 4 - 6 hecta rừng. Tính về giá trị, mỗi 1 hecta rừng keo sau 7 năm trồng và chăm sóc sẽ cho thu nhập khoảng hơn 70 triệu đồng.

Bản Hùa có 60 hộ gia đình được  huyện Ngân Sơn giao sử dụng tổng cộng hơn 321 hecta đất rừng từ những năm từ những năm 1991 - 1998 của thế kỷ trước để trồng rừng sản xuất. Nhưng đến năm 2014, những hộ dân mới biết toàn bộ đất rừng đang trồng cây được giao trước đây đã bị thu hồi và do Lâm trường Ngân Sơn (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn) quản lý từ năm 2009. Người dân tự nhiên lại trở thành người đi làm thuê trên chính những mảnh rừng của mình đã canh tác và chỉ được hưởng phần trăm rẻ mạt.

Bà Ma Thị Luyến, một hộ dân có rừng trồng ở Bản Hùa, thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) nói: Từ năm 2009 nhà tôi trồng 1 hecta keo, sau 7 năm (tức là đến năm 2016) thì thu hoạch, nhưng chỉ được là hưởng có 15% giá trị, còn Lâm trường Ngân Sơn không làm gì thì được 85%. Làm như thế thì người dân thu nhập không được bao nhiêu.

Một người dân khác là bà Triệu Thị Bền, Bản Hùa, thị trấn Nà Phặc có chung tâm sự: Ruộng vườn ít nên trồng cấy không đủ ăn, thì dân cũng chỉ trông chờ vào đồi rừng thôi. Nhưng khi bị thu hồi đất rừng, Lâm trường trả phần trăm như thế này là quá bèo, không có công. Trong khi từ công phát, trồng cây, làm cỏ, phân bón ... do người dân đầu tư hết.

116 hộ dân ở thị trấn Nà Phặc đang là chủ rừng, lại trở thành người đi làm thuê trên chính mảnh đất mình đang canh tác gần 30 năm. Ảnh: Ngọc Tú.

116 hộ dân ở thị trấn Nà Phặc đang là chủ rừng, lại trở thành người đi làm thuê trên chính mảnh đất mình đang canh tác gần 30 năm. Ảnh: Ngọc Tú.

Lâm trường Ngân Sơn được thành lập từ năm 1972, đến những năm 90 (của thế kỷ XX) thì rơi vào tình trạng khó khăn, sau đó tạm ngừng hoạt động, rừng bị bỏ hoang phí không canh tác. Từ năm 1991 đến năm 1998, để quản lý đất đai và giúp người dân có đất sản xuất, chính quyền địa phương huyện Ngân Sơn lúc đó đã có quyết định giao đất, giao rừng đang bỏ hoang cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn một số xã và thị trấn, để người dân có đất canh tác, phát triển kinh tế.

Nhưng đến năm 2009 với lý do đất đã giao trùng với đất của lâm trường quản lý, kèm theo là các biên bản họp có chữ ký của người dân đồng thuận giao lại đất cho Lâm trường Ngân Sơn, nên UBND huyện Ngân Sơn đã ra quyết định thu hồi đất rừng đã giao. Năm 2014, toàn bộ diện tích hơn 600 hecta sau đó được UBND tỉnh Bắc Kạn giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn sử dụng, các lâm trường cũng chuyển về đơn vị này quản lý. Từ đó đến nay, rừng trồng trên đất khi được thu hoạch thì người dân chỉ được hưởng từ 15 - 25%, phần còn lại là của công ty.

Cán bộ lâm trường làm giả hồ sơ để thu hồi đất

Để có căn cứ thu hồi đất, năm 2004 có 2 biên bản họp thôn đã được lập, thể hiện người dân các thôn Bản Hùa và Tiểu khu 3 của thị trấn Nà Phặc đồng ý giao lại đất đã được cấp. Tuy nhiên, những người có tên trong biên bản khẳng định không được tham gia họp và không được ký vào những biên bản này.

Ông Phạm Văn Thường, Bản Hùa, thị trấn Nà Phặc nói về văn bản đồng ý giao lại đất nói trên: Theo cái biên bản lập vào tháng 11/2004, có nói là các hộ nhất trí để trả lại đất lâm trường, tôi khẳng định đó là biên bản giả mạo, dân chúng tôi không được họp và cũng không được ký vào biên bản đó. Các thành phần trong đó có ông Bí thư Chi bộ là Lê Quang Trình, biên bản ghi sai là Lò Quang Trình, thứ 2 là ông Đinh Quang Tiệp là trưởng thôn lúc bấy giờ thì bị ghi là Đinh Quang Thiệp .

Tương tự như Bản Hùa, biên bản họp về giải quyết đất lâm trường quốc doanh của tiểu khu 3, thị trấn Nà Phặc ngày 9-11-2004, do Lâm trường Ngân Sơn lập cũng bị người dân phản ứng và nghi ngờ về tính chân thực. Nội dung biên bản thể hiện 6 hộ dân ở tiểu khu này có đất được UBND huyện Ngân Sơn cấp trùng với đất lâm trường, tất cả các hộ tham gia họp đều nhất trí trả lại cho cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên, 6 hộ dân có tên trong danh sách họp đều khẳng định không được dự cuộc họp này.

Ông Phạm Văn Vấn, tiểu khu 3, thị trấn Nà Phặc bức xúc: Biên bản cuộc họp thôn được đưa ra làm căn cứ, ghi rằng chúng tôi đồng thuận trả lại đất. Tuy nhiên, chúng tôi không được tham dự cuộc họp đó và cũng không ký bất cứ một biên bản nào. Chúng tôi mong muốn cần làm rõ việc giả mạo biên bản họp thôn.

Trong mục thành phần tham dự có ghi ông Hoàng Đình Dong, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thị trấn Nà Phặc. Tuy nhiên, làm việc với phóng viên, ông Dong khẳng định: Cuộc họp năm 2004 tôi khẳng định là không được tham dự cuộc họp này và không biết nội dung họp như thế nào. Sau khi cán bộ lâm trường mang biên bản này đến ký xác nhận, nên tôi cứ nghĩ là xác nhận thôi thì tôi có ký vào đấy

Cán bộ Lâm trường Ngân Sơn làm giả hồ sơ để ẵm không hơn 600 hecta rừng của người dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cán bộ Lâm trường Ngân Sơn làm giả hồ sơ để ẵm không hơn 600 hecta rừng của người dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Từ biên bản trên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn đã cùng UBND thị trấn Nà Phặc kiểm kê, xác định mốc giới, lập hồ sơ và được Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định 805/QĐ-UBND, ngày 16/5/2014 về việc phê duyệt cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lâm nghiệp tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn. Điều này đã khiến cho những người dân đang quản lý, sử dụng phản đối quyết liệt, gây bức xúc dư luận.

Bà Triệu Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nà Phặc thông tin: Sau khi thu hồi đất lâm nghiệp của bà con, thì rất là bức xúc. Thậm chí là làm đơn tập thể, ý kiến rất nhiều khi tiếp xúc cử tri ở những thôn Bàn Hùa, Bản Cầu, tiểu khu III và Lũng Lịa.

Tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa truy cứu trách nhiệm  người làm trái pháp luật

Sau khi người dân nhiều lần kiến nghị, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, việc thu hồi đất rừng của người dân ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn sau đó cấp cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã không xem xét việc những diện tích này trước đó đã được cấp cho người dân.

Do đó Thanh tra Chính phủ đã đề nghị xem xét trách nhiệm một số tập thể, cá nhân có liên quan và xem xét thu hồi đất đã giao nếu công ty sản xuất không hiệu quả.

Nhưng suốt nhiều năm qua, tỉnh Bắc Kạn vẫn đang loay hoay chưa có giải pháp cụ thể để xử lý những người đã cố ý làm trái pháp luật. Người dân ở huyện Ngân Sơn vẫn mong mỏi, chờ đợi có đất để tiếp tục sản xuất và sớm thoát nghèo.

Sau khi Lâm trường khai thác gỗ trồng, một cánh rừng lại tiếp tục bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Tú.

Sau khi Lâm trường khai thác gỗ trồng, một cánh rừng lại tiếp tục bị bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Tú.

Phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng nghịch lý là dù sống giữa rừng nhưng người dân lại thiếu đất để trồng rừng.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn lại giao hơn 14.000 hecta đất rừng sản xuất giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý và đã bị Thanh tra tỉnh Bắc Kạn kết luận (năm 2021) sai phạm, làm ăn thua lỗ kéo dài, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Trong khi đó, người dân lại phải đi thuê lại đất của của chính mình đã canh tác lâu năm với giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/hecta trong chu kì cây lên tới 7 năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng xung đột lợi ích, khiếu kiện kéo dài, người dân làm đơn kiến nghị lên nhiều cấp, gây mất an ninh, bất ổn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất