| Hotline: 0983.970.780

CPO Lâm nghiệp góp phần tạo vị thế cho ngành lâm nghiệp

Thứ Năm 13/01/2022 , 15:29 (GMT+7)

Trong các Ban CPO thuộc Bộ NN-PTNT, CPO Lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, tuy nhiên đã có những đóng góp rất quan trọng cho thắng lợi của ngành lâm nghiệp.

Ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị tổng kết, đánh giá công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Ban quản lý (BQL) các dự án lâm nghiệp (CPO Lâm nghiệp).

Làm chủ 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng

Năm 2021, CPO Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT giao làm chủ 10 dự án với tổng vốn đầu tư 9.088 tỷ đồng (trong đó vốn ODA là 7.171 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 1.900 tỷ đồng). Trong đó, có Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2); Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 (KfW8); Dự án Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR)...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc. 

Trong đó, 3 dự án đã kết thúc và quyết toán hoàn thành gồm Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam; Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; Dự án Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai.

Cũng trong năm 2021, CPO Lâm nghiệp đã tập trung chỉ đạo để hoàn thành khối lượng công việc như trồng rừng và phục hồi gần 1.600 ha rừng tập trung, đạt 80% kế hoạch; trồng rừng dưới tán 151 ha, đạt 100% kết hoạch; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh không trồng bổ sung hơn 5.400 ha, đạt 100% kế hoạch; tỉa thưa rừng thông và keo 249 ha, đạt 100% kế hoạch...

Trao đổi qua đầu cầu trực tuyến, ông Bùi Xuân Hiển, Giám đốc BQL Dự án FMCR tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo kế hoạch năm 2021, BQL Dự án được giao trồng 325.000 ha rừng ngập mặn với kinh phí 38 tỷ đồng, nhưng đến hết năm mới hoàn thành trồng được 180 ha với kinh phí 18 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do trong năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là hai đợt bùng phát diện rộng vào tháng 1 - 2 và tháng 7 - 8. Trong khi đó, thời vụ trồng rừng ngập mặn là từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, các thời điểm khác không thể trồng rừng.

Mặt khác, đặc thù của Dự án FMCR là phải thực hiện quy trình tuần tự từ khảo sát đo đạc, lập hồ sơ thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng từ cấp xã đến cấp huyện, bầu BQL cộng đồng, tập huấn cộng đồng tham gia trồng rừng ngập mặn... nên tiến độ triển khai không đạt như mong muốn.

Nỗ lực triển khai dự án trong điều kiện khó khăn

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Trong các Ban CPO thuộc Bộ NN-PTNT, CPO Lâm nghiệp là khó khăn nhất bởi nguồn vốn của các dự án thường không lớn, địa bàn triển khai lại rộng, thường là vùng sâu, vùng xa, ven biển.

Hầu hết các dự án lâm nghiệp được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, ven biển, mang ý nghĩa về môi trường. Ảnh: TL.

Hầu hết các dự án lâm nghiệp được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, ven biển, mang ý nghĩa về môi trường. Ảnh: TL.

Trong khi đó, quy định triển khai thực hiện các dự án lại rất phức tạp, ngặt nghèo, chủ yếu liên quan đến các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, trồng rừng, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và phát triển sinh kế của cộng đồng. Các dự án đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, hỗ trợ hoạt động chế biến... gần như không có.

Vụ Hợp tác quốc tế đề nghị lãnh đạo CPO Lâm nghiệp cần sát cánh với Bộ NN-PTNT trong việc tìm kiếm lĩnh vực hợp tác mới như chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, cấp chứng chỉ rừng, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ để tiếp cận thị trường, giải quyết các tranh chấp thương mại...

CPO Lâm nghiệp cũng cần chuyển dần từ hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tập huấn sang đầu tư công trình lâm sinh, nếu không thì quy mô dự án không thể lớn được.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, thắng lợi chung của ngành Lâm nghiệp trong những năm qua, đặc biệt là năm 2021 có đóng góp góp quan trọng của CPO Lâm nghiệp.

Trong năm 2022, ngành lâm nghiệp được giao xây dựng 7 văn bản quy phạm pháp luật, trồng 240.000 ha rừng, giá trị xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai các hoạt động bảo vệ rừng, ứng dụng công nghệ số trong chuỗi hoạt động của ngành lâm nghiệp.

Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam nâng cao năng lực quản lý rừng của cộng đồng. Ảnh: TL.

Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam nâng cao năng lực quản lý rừng của cộng đồng. Ảnh: TL.

Bởi vậy, Tổng cục Lâm nghiệp mong muốn CPO Lâm nghiệp sẽ phối hợp hiệu quả với Tổng cục để lồng ghép các nội dung nhiệm vụ vào các dự án, từ đó góp phần đạt kết quả chung của toàn ngành. Đặc biệt, cần quan tâm đến chất lượng rừng và cơ cấu hài hoà các loại rừng, phát triển kinh tế rừng, nhất là kinh tế dưới tán rừng, phát triển liên kết chuỗi.

Ông Lee Jeongho, Giám đốc Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng ĐBSH (KFS) chia sẻ: Dự án KFS là dự án ODA đầu tiên do Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Đến nay, dự án đã đạt được thành công tốt đẹp. Có được thành quả trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, CPO Lâm nghiệp, trực tiếp là Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

Tạo vị thế cho ngành lâm nghiệp

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Lâm nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, ngành đã lập nên kỷ lục ngoạn mục khi giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt gần 16 tỷ USD, thặng dư gần 13 tỷ USD, vượt kế hoạch trồng rừng. Độ che phủ rừng cũng vượt 42%...

Qua đây, đã chứng minh cho thế giới thấy rằng, ngành lâm nghiệp Việt Nam đang phát triển bền vững. Rừng tự nhiên vẫn đóng cửa. Chúng ta nhập nguyên liệu gỗ không nhiều, chủ yếu là từ rừng sản xuất.

Trong thành quả chung đó, có sự nỗ lực và đóng góp quan trọng của CPO Lâm nghiệp và các địa phương. Mặc dù tổng nguồn vốn triển khai các dự án lâm nghiệp không nhiều (chỉ 325 tỷ đồng) nhưng địa bàn thực hiện trải rộng ở 42 tỉnh, toàn những nơi khó khăn, đời sống người dân dựa vào rừng. Đặc biệt, các dự án chủ yếu nghiêng về các vấn đề môi trường, xã hội chứ không trực tiếp tạo ra sản phảm kinh tế.

Các dự án về lâm nghiệp đã có đóng góp lớn về môi trường, an sinh xã hội cho các vùng đồng bào thiểu số. Ảnh: NNVN.

Các dự án về lâm nghiệp đã có đóng góp lớn về môi trường, an sinh xã hội cho các vùng đồng bào thiểu số. Ảnh: NNVN.

Tuy vậy, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, việc CPO Lâm nghiệp chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giải ngân nguồn vốn của năm 2021 ngoài các trở ngại từ khách quan, vẫn còn nguyên nhân chủ quan của CPO Lâm nghiệp.

Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị CPO Lâm nghiệp phải hoàn thành báo cáo chi tiết từng dự án, gửi đến Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và các đơn vị liên quan trước ngày 15/2/2022. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị sẽ họp bàn để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, không để những “nút thắt” của dự án tích tụ.

Thứ hai, CPO Lâm nghiệp phải rà soát, xem tất cả các quy định, văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trước khi trình các đơn vị và lãnh đạo Bộ xem xét, thông qua để tránh mất thời gian. Bởi, bản chất nguồn vốn ODA là vốn vay, chúng ta sử dụng tiền thuế đóng góp của người dân để trả lãi cho các nhà tài trợ, nên không thể cứ kéo dài dự án mãi được. Nếu thấy hạng mục nào, dự án nào không khả thi thì phải báo cáo Bộ để trả lại cho Chính phủ xem xét, đầu tư vào các dự án khác hiệu quả hơn.

Về kinh nghiệm quản lý dự án, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, lãnh đạo CPO và Ban quản lý các dự án phải phải có sự đổi mới căn bản, quyết liệt, thậm chí “sôi sùng sục” để đôn đốc từng việc cụ thể. Đặc biệt, phải tăng cường về địa phương để kiểm tra, giám sát và chỉ đạo. Có như vậy, những vướng mắc mới được giải quyết kịp thời, không để chậm tiến độ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.