Mở đường cho xe quặng đi dưới suối
Tại suối thôn Hẻo Trang (xã Tả Phời, TP Lào Cai), khi chúng tôi có mặt tại đây, hoạt động khai thác quặng apatit của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, ba chiếc xe “hổ vồ” chuyên chở hàng chục tấn quặng vẫn nằm chờ tại khu vực này.
Xung quanh dấu vết xe cơ giới cỡ lớn, dấu vết gàu xúc, đất đá bị xới tung tóe một góc đồi tiếp giáp suối, mà theo người dân cả nghìn tấn quặng đã bị lấy đi.
Cũng theo người dân, suối ở Hẻo Trang đã bị tôn tạo, nắn dòng bởi Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai. Ở khu vực này không có đường cho ô tô vào nên buộc công ty khai thác phải mở lối đi dưới lòng suối.
Để làm việc này, công ty đã đưa máy móc, thiết bị vào san gạt một phần lòng suối cho bằng phẳng. Các viên đá, sỏi lớn to như bát tô được máy móc móc lên từ con suối rồi đắp thành đống, thành kè… ở gần khu vực khai thác.
Xe chở quặng cứ thế từ bên này đi qua suối rồi men theo lối mở để chở quặng tới nơi tập kết được định sẵn. Các vệt bánh xe còn hằn rõ trên con đường mà công ty này tôn tạo trong lòng suối Hẻo Trang.
Chưa kể đến việc rơi vãi đất đá, quặng apatit dọc đường thì việc can thiệp thô bạo vào dòng chảy tự nhiên khi mà mùa lũ đang đến cực kỳ nguy hiểm cho người dân sinh sống tại đây...
Liên quan việc công ty bồi thường cho dân để lấy đất khai thác, gia đình ông Ngô Văn Tem, bà Hoàng Thị Yên cho biết, chúng tôi cũng đã được thông báo thu hồi đất nhưng người ta trả cả nhà, ao, ruộng, vườn, đồi… rẻ quá nên chúng tôi chưa đồng ý. Cũng không biết họ lấy đất nhà chúng tôi rồi cho định cư ở đâu, sinh sống thế nào khi không còn đất canh tác.
Bà Yên cho rằng, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai đã thỏa thuận và bồi thường xong với một hộ gia đình khác trong thôn rồi đưa máy móc vào khai thác quặng luôn.
Tuy nhiên, ruộng của gia đình bà nằm ở vị trí giáp ranh hộ này nên công ty lợi dụng, cố tình múc xung quanh, lâu ngày mưa lũ sạt lở, cuốn trôi mất ruộng thì khó mà kêu ai. Trong khi, gia đình còn chưa thống nhất việc đền bù.
Ghi nhận tại đây, không chỉ đất đá bị xới tung mà hàng chục mét kênh mương nội đồng đã bị đập phá để nước không thể dẫn tới ruộng canh tác. Theo người dân cách này để buộc họ phải chấp nhận thỏa thuận với công ty.
Thu hồi đến đâu, khai thác đến đấy?
Từ khi các xe ra vào khai thác, “ăn quặng” tại thôn Hẻo Trang, ao cá của gia đình ông Trần Văn Khang, bà Hoàng Thị Sủn bị cạn kiệt nước.
“Khổ lắm, khi họ khai thác quặng thì thiếu nước luôn, nhà tôi bắc ống nước từ bên kia suối để cho nước vào ao cá nhưng ống thấp quá nên xe quặng không chạy qua được. Họ qua xin đưa ống nước lên cao nhưng nước cứ cạn khô thế nên họ đành mở đường bên kia kia suối”, bà Sủn cho biết.
Tại bờ bên kia, đất đã được san gạt từ lưng chừng đồi xuống lòng suối tuy nhiên phần san gạt làm lộ một phần chìm trong đất của một ngôi mộ. Trong khi, công ty chưa thực hiện đền bù, nên hộ gia đình có ngôi mộ này cương quyết chặn lại.
Cũng trong quá trình tiếp xúc với người dân, họ liên tục nhắc tới tên của nhân vật đi thỏa thuận đền bù của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai với các hộ dân không mấy thân thiện là ông Hùng “nuôi”. Cũng theo xác nhận của bà Vi Thị Hởi – Chủ tịch UBND xã Tả Phời – ông Hùng “nuôi” tức ông Nguyễn Mạnh Hùng là Phó Giám đốc của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai.
Chúng tôi đã may mắn được tiếp cận nhân vật này ngay tại khai trường của công ty. Một phần đất trước đây là đất của nhà ông Nho đã sang tên cho một chủ khác thì nay đã thuộc về công ty. Nơi này cũng là điểm tập kết quặng đã khai thác được và có đường công vụ mà Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai mở từ suối lên đi xuyên qua khu đồi thông phụ nữ…
Ông Hùng chia sẻ về công việc, quặng này sau này cũng phải bán cho nhà máy phốt pho, nếu chỉ sản xuất riêng cho công ty thì với công suất đó lỗ luôn. Vì ở đây chủ yếu là quặng loại 2, rất ít quặng loại 1. Quặng loại 2 làm cực tốt thì lãi 150 nghìn đồng/tấn… vì phải khai thác sâu, phải nổ mìn.
Cũng theo ông Hùng, 15m3 đất đá bóc vứt đi mới lấy được 1 tấn quặng nên chi phí rất tốn kém chứ không phải móc đất lên là bán, quặng ở đây mà bóc theo đúng bài bản thì đi ăn cám.
Trước đây, ngày xửa ngày xưa theo thiết kế của Liên Xô đúng bài bản có thời gian xây dựng cơ bản xong thì mới khai thác, nhưng khi kinh tế thị trường nổi lên thì người ta không làm bài đó nữa mà khai thác song song để có nguồn mà nuôi luôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã yêu cầu Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai dừng ngay mọi hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất đối với diện tích chưa được cấp giấy phép khai thác, chưa được thuê đất và hoàn thiện các thủ tục theo quy định...
Chưa có quyết định được thuê đất
Trước thực trạng trên, bà Vi Thị Hởi – Chủ tịch UBND xã Tả Phời – cho biết, từ năm 2018, xã đã họp với người dân công bố quy hoạch, mời tất cả các hộ dân để thông tin về việc khai thác quặng của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai trên địa bàn.
Khi thực hiện thống kê, áp giá đền bù cho người dân cũng đã được công khai và xã chưa nhận được phản ánh gì từ người dân.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã này, việc thống kê đền bù tiếp tục thực hiện hết năm 2020. Còn Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai sử dụng xe cơ giới vào khai thác ở khu vực suối thôn Hẻo Trang xã đã lập biên bản, báo cáo sự việc lên thành phố.
Theo biên bản làm việc của UBND xã và các cơ quan liên quan và Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai, khu vực giáp suối đang khai thác quặng apatit có diện tích 3.100m2 nằm trong khu vực giấy phép, nhưng công ty chưa thuê đất.
Theo báo cáo của công ty, khu vực khai thác từ đầu tháng 5/2020 đến nay và đã khai thác vận chuyển 1.000 tấn quặng apatit loại 2 từ khu vực giáp suối chở về nhà máy phân lân của công ty tại Tân thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai)…
Về việc phá vỡ kênh mương nội đồng, rồi múc vào xung quanh ruộng của hộ dân chưa thống nhất đền bù, bà Hởi cho rằng, họ có đưa máy móc vào nên có phần ảnh hưởng.
“Thực ra họ chưa phá, mà khi máy móc đi qua thì đất đá lấp mất, công ty cũng đang khắc phục đảm bảo nước cho bà con tưới tiêu”, bà Hởi hồn nhiên trả lời. Trong khi thực tế tại hiện trường hàng chục mét kênh mương nội đồng đã bị phá hỏng hoàn toàn.
Về ngôi mộ chưa di dời, theo bà Hởi, hộ dân chưa phối hợp với xã, nhưng xã cũng đã làm việc với hộ dân đó để thông tin việc ngôi mộ nằm trong quy hoạch dự án và phải di chuyển.
Bà Hởi cho rằng, “có khung đền bù nhưng gia đình chưa đồng ý, họ cứ đòi lấy mấy trăm triệu cho ngôi mộ đó”.
Còn việc tôn tạo lòng suối để công ty cho xe quặng chạy, Chủ tịch UBND xã Tả Phời xác nhận và cho biết, tất cả các nội dung này xã đã nắm được và làm việc với phía công ty để khắc phục ngay.