| Hotline: 0983.970.780

Dân kêu trời vì đất ruộng trộn lẫn cao lanh

Thứ Ba 07/07/2020 , 10:16 (GMT+7)

Cao lanh rơi vãi xuống đường, xuống ruộng lúa ảnh hưởng việc trồng cấy của bà con nông dân huyện Văn Bàn (Lào Cai). Sự việc trên đã diễn ra trong thời gian dài.

Ruộng ven đường của người dân Hô Phai bị ảnh hưởng từ hoạt động của mỏ cao lanh. Ảnh: H.Đ.

Ruộng ven đường của người dân Hô Phai bị ảnh hưởng từ hoạt động của mỏ cao lanh. Ảnh: H.Đ.

Lo ngại môi trường sống

Khu mỏ cao lanh Fenspat Làng Giàng có diện tích khoảng 150ha, hiện đang được Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai khai thác. Khu mỏ này nằm trên địa bà xã Làng Giàng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) có địa hình thoải, đồi núi thấp nên khai thác theo phương pháp lộ thiên, sử dụng nhiều phương tiện cơ giới là máy xúc, ô tô tải trọng lớn...

Tuy nhiên, đường ra vào mỏ đang tận dụng một phần đường nông thôn mới của thôn Hô Phai (xã Làng Giàng). Con đường ra vào mỏ chỉ vừa một thân xe, những xe tải trọng lớn chở quặng, lầm lũi đi qua gây tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân ven đường.

Ông Triệu Văn Hưng, một người dân địa phương cho biết, có khi một lúc hàng chục xe rầm rầm đi qua. Ở trong nhà xem tivi mà không nghe tiếng. Nhà tôi phải mua cái loa to về cắm vào tivi mà cũng vẫn không nghe nổi, xe của mỏ họ chạy ồn quá.

Xe ra vào mỏ có lúc hoạt động suốt ngày đêm, bấm còi inh ỏi trong khi người dân đang ngủ. Nhất là trẻ con bất chợt tỉnh giấc vì tiếng động ảnh hưởng phần nào đến việc học, sức khỏe của chúng.

Ngoài ra, mỗi lần xe chạy cuốn bụi lên tận mái nhà, vào sân len lỏi tới các ngõ ngách, phủ đồ đạc trong nhà một lớp nhờ nhờ. “Khi ăn cơm lúc đúng chiều gió là bị hết. Có khi bát canh đang ăn phải đổ đi do bụi rơi vào” – ông Hưng nói.

Không chỉ đồ ăn, nước uống cũng bị ảnh hưởng, đáy bể một số hộ dân được che chắn cẩn thận nhưng bụi cao lanh lâu ngày lắng xuống đóng dày đáy bể.

Tuy nhiên, lo lắng nhất của những hộ dân là hằng ngày xe chở quặng rơi vãi cao lanh, đất đá xuống đường và xuống ruộng.

“Sắp đến vụ cấy, mà mặt ruộng còn đầy cao lanh trắng xóa. Anh xem như thế này làm sao trồng cấy được, bảo công ty rồi mà họ cứ lờ lơ không cho người ra xúc trả bề mặt ruộng cho dân”, vừa nói ông Hưng nhảy xuống bốc nắm cao lanh lẫn đất đá cho chúng tôi xem.

Cách đây mấy hôm, trận mưa lớn, khiến nước mưa hòa cao lanh rơi vãi trên đường chảy xuống ruộng. Chắc chắn thứ nước hỗn hợp này sẽ thẩm thấu xuống đất và lâu dài đất sẽ bị thoái hóa. Ảnh hưởng việc trồng cấy của bà con là rõ ràng, nhưng nhiều hộ dân cho rằng có như thế cũng không biết kêu ai.

Mỗi chuyến xe ra vào mỏ cao lanh là nỗi ám ảnh của người dân Hô Phai. Ảnh: H.Đ.

Mỗi chuyến xe ra vào mỏ cao lanh là nỗi ám ảnh của người dân Hô Phai. Ảnh: H.Đ.

Khôi hài nhất là Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai có đề tấm biển ở ngay đường ra vào mỏ: “Công ty xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong suốt quá trình khai thác và chế biến quặng. Mỏ cao lanh Fenspat Văn Bàn chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững nếu như đảm bảo được việc bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư xung quanh”.

Công ty hứa nhiều lần

Mặc dù, xe ra vào mỏ hầu hết là xe tải trọng lớn, tuy nhiên, việc kè hai bên đường nhằm tránh sạt lở chỉ được làm bằng cọc tre và phên tre. Lâu ngày, nắng mưa các cọc và phên tre yếu ớt không đỡ nổi khiến đất đá cũng như cao lanh rơi vãi, sạt xuống ruộng.

Người dân cho biết, “mỏ hứa làm kè nhưng họ chỉ đóng cọc và lót phên tre tạm bợ thế thôi, nên được thời gian ngắn là hỏng. Xe chạy, kè bị xệ xuống rồi bụi đất, quặng rơi xuống ruộng. Cứ tới mùa cấy, lại phải xúc lớp đất quặng này đi thì cây mới lên, chứ đất thế này cây nào sống được. Lâu dài cũng phải ảnh hưởng đến năng suất chứ”.

Nhà ông Hoàng Văn Trần, một số hộ xung quanh dùng vầu làm hàng rào nhưng do đường quá nhỏ, xe ra vào mỏ đi qua lại va vào khiến hàng rào nát hết. Người dân báo lên chính quyền xã, nhưng khi xã xuống giải quyết được chỉ được một hai hôm sau rồi mọi việc… vẫn như cũ. Công ty cũng mặc kệ, ai làm được gì thì làm.

Xe ra vào mỏ chạy còn chẹt vào chó, gà, vịt của các hộ dân. Cách đây mấy ngày, xe từ mỏ đi ra gây tai nạn, chèn vào xe máy của người đi đường. Chủ xe máy được đền 7,5 triệu đồng. Số tiền tuy cũng lớn với người dân ở đây nhưng lo ngại hơn cả là an toàn tính mạng của họ đang bị đe dọa.

Ông Hoàng Văn Thưởng - Trưởng thôn Hô Phai (xã Làng Giàng) – xác nhận, việc xe chở quặng rơi vãi xuống ruộng lúa, bụi bẩn vào nhà dân diễn ra từ lâu. “Bà con nhân dân kêu ca, trong thôn bản cũng đề nghị các cấp các ngành giúp đỡ nhưng một hai ngày tưới nước xong, bụi bặm lại như cũ”, ông Thưởng nói.

Xe từ mỏ cao lanh đi ra chẹt vào xe người dân. Ảnh: H.Đ.

Xe từ mỏ cao lanh đi ra chẹt vào xe người dân. Ảnh: H.Đ.

Cũng theo ông Thưởng, trước đây người dân trong thôn hiến đất làm đường nông thôn mới rộng 3m. Khi mỏ vào hoạt động, mỏ hứa hỗ trợ một phần thôn bản làm đường bê tông hoặc rải nhựa để mở rộng đường thêm mỗi bên 1m, nhưng từ 2012 đến nay không thực hiện.

“Bà con nhân dân hồi trước cũng ra rào đường, xã cũng xuống can thiệp mấy lần. Công ty lại bảo đường chưa cứng, chưa làm được nhưng 8 năm rồi chưa làm”, ông Thưởng nói.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai khai thác khoáng sản tại địa phương nhưng trong thôn cũng không có ai làm việc ở mỏ và công ty không có công trình xã hội hỗ trợ người dân ở đây.

Trước sự việc trên, cán bộ UBND xã Làng Giàng cho biết, người dân đã gửi đơn lên xã phản ánh những vấn đề môi trường, đường giao thông của mỏ. Tuy nhiên, công ty muốn mở rộng đường để có làn riêng cho xe quặng đi, song còn vướng mắc đền bù ở một số hộ.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất