| Hotline: 0983.970.780

Kinh hoàng ô nhiễm mỏ đá gần thị trấn du lịch Bắc Hà

Thứ Hai 29/06/2020 , 09:12 (GMT+7)

Trong khi huyện Bắc Hà (Lào Cai) đẩy mạnh phát triển du lịch thì hoạt động khai thác đá gần đường vào trung tâm huyện đang gây bức xúc cho người dân, khách du lịch.

Đường qua mỏ đá Cao Hà lầy lội, bụi bẩn và xuống cấp. Ảnh: Hải Đăng.

Đường qua mỏ đá Cao Hà lầy lội, bụi bẩn và xuống cấp. Ảnh: Hải Đăng.

Bụi mù mịt, phủ trắng cây trồng

Mỏ đá Cao Hà do Công ty TNHH Cao Hà (trụ sở tại thị trấn Bắc Hà) khai thác từ nhiều năm nay. Khu vực khai thác đá có điều kiện giao thông khá thuận lợi do mỏ nằm gần huyết mạch giao thông của huyện đi các nơi - tỉnh lộ 153.

Mỏ đá Cao Hà có trữ lượng khoảng 1 triệu tấn, và được khai thác lộ thiên, có sử dụng khoan nổ mìn. Khu mỏ này nằm cách khu dân chỉ vài trăm mét và sử dụng đường giao thông sẵn có bên ngoài để vận chuyển vật liệu.

Ghi nhận tại đây, việc khai thác đá ảnh hưởng tới môi trường, không khí xung quanh. Các xe chở đá của mỏ, các máy phục vụ khai thác, mỗi lần ra vào mỏ để lại lớp khói bụi mù mịt do đường không được tưới nước đủ độ ẩm.

Bất kỳ chiếc xe nào, ô tô hay xe máy qua đoạn đường này vào đúng thời điểm nêu trên đều phải dừng lại vì bụi, không thể nhìn thấy đường đi.

Một chiếc xe ra vào khu vực mỏ đá Cao Hà. Ảnh: Hải Đăng.

Một chiếc xe ra vào khu vực mỏ đá Cao Hà. Ảnh: Hải Đăng.

Lớp bụi từ mỏ đá cuốn lên không trung còn rơi xuống những cánh đồng ngô ven đường, khiến những chiếc lá xanh… hoá thành trắng.

Lo ngại nhất, không chỉ là đất đá rơi vãi ven đường mà về lâu dài nếu không có giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm hữu hiệu thì chất lượng đất trồng hai bên tuyến đường này, xung quanh mỏ sẽ bị thoái hoá. Hiện nay, mỗi ngày trên đất trồng trọt của người dân vẫn gánh chịu lớp bụi mạt đá tích tụ từ mỏ.

Hoạt động khai mỏ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây trồng từ đó làm giảm năng suất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống người dân. Theo người dân, họ cũng đã có ý kiến với chính quyền nhưng không thay đổi được thực trạng khai thác đá.

“Mình cũng có ý kiến với xã rồi, còn dân mình có biết chữ gì đâu mà làm đơn, hơn nữa họ là doanh nghiệp lớn nên không làm được gì đâu”, theo người dân.

Du khách không còn nhận ra đây là con suối nằm cạnh mỏ đá. Ảnh: Hải Đăng.

Du khách không còn nhận ra đây là con suối nằm cạnh mỏ đá. Ảnh: Hải Đăng.

Nguy hại nguồn nước, đất canh tác

Mỏ đá Cao Hà nằm trên phần đất xã Na Hối giáp ranh xã Nậm Mòn của huyện Bắc Hà. Cũng theo người dân, từ khi mỏ đá đi vào hoạt động thì thôn Cồ Dề Chải 2 (xã Nậm Mòn) và thôn Km6 (xã Na Hối) bị hỏng đường nước sinh hoạt do nhà nước đầu tư.

“Sửa chữa nhiều lần rồi sau không còn thấy ống nước chảy vào trong thôn, báo lên xã cũng không thấy làm gì. Vì vậy người dân phải tự lấy nước từ nơi khác về sử dụng”, theo một người dân.

Ghi nhận tại khu vực này, có hộ phải bỏ tiền mua 5 - 6 cuộn dây để dòng nước về nhà. Số tiền mua dây dẫn nước lên tới hàng triệu đồng trong khi họ là những hộ thuần nông nghèo khó.

Bụi tới mức không nhận ra một chiếc xe tải chạy phía trước. Ảnh: Hải Đăng.

Bụi tới mức không nhận ra một chiếc xe tải chạy phía trước. Ảnh: Hải Đăng.

Tại dòng suối cạnh mỏ, đất đá trượt xuống lấp một phần dòng chảy. Theo người dân, khi mưa xuống, nước mưa chảy tràn từ khu vực mỏ kéo theo nhiều bùn đất xuống suối khiến nước đục ngầu. Cá tôm khó có thể sống nổi trong môi trường như vậy và có thể ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.

Từ trên cao cũng dễ dàng quan sát thấy, một số bãi tập kết của mỏ đá bên lề đường (nằm ngoài khu vực mỏ) tràn xuống phần đất canh tác. Ngoài ra, đá tập kết trong khu mỏ cũng chảy tràn ra bên ngoài đường… gây mất an toàn giao thông.

Lãnh đạo UBND xã Na Hối xác nhận khi mưa xuống nước thẩm thấu từ mỏ đá, mạt đá tràn xuống ruộng. Cũng theo vị lãnh đạo xã này, mỏ đá này có phép khai thác, nhưng cụ thể các vấn đề liên quan thế nào thì xã chưa nắm được.

Đá tập kết ven đường. Ảnh: Hải Đăng.

Đá tập kết ven đường. Ảnh: Hải Đăng.

“Vừa rồi tỉnh kiểm tra nhưng xã chưa nắm lại được số liệu do Đại hội Đảng bộ huyện. Vừa đại hội đảng xong tôi chỉ đạo anh em phối hợp với các ngành của huyện có kế hoạch đi kiểm tra trong tuần tới”, vị lãnh đạo xã Na Hối nói.

Còn về vấn đề hỏng đường nước của người dân Cồ Dề Chải 2 thuộc xã Nậm Mòn và bụi mù mịt đường vào thôn, Chủ tịch UBND xã này cho hay do mới nhận công tác 2 - 3 tháng nên chưa nắm được.

Đáng lưu ý là khu mỏ nằm gần nơi bắt đầu đường vào trung tâm thị trấn Bắc Hà nên với việc gây ô nhiễm môi trường của mỏ khiến khách du lịch hết sức bức xúc. 

Trong khi đó, Bắc Hà được thiên nhiên ban tặng như một vùng khí hậu lý tưởng để có thể trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai.

Vì vậy việc đảm bảo môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy du lịch Bắc Hà mới bền vững, lâu dài.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.