Trở lại những vùng đất ngôi trường cũ, cư xá, ngôi nhà của tất cả những người Cu Ba đã cưu mang tôi, có thể viết một cuốn sách. Và tôi hạnh phúc về điều đó.
1. Năm 1984, tôi sang học Đại học Tổng hợp La Habana (thủ đô Cu Ba). Hồi đó hằng năm Cu Ba dành cho sinh viên Việt Nam rất nhiều học bổng như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và các ngành khác như kiến trúc, thú y, báo chí, luật...
Tôi được lựa chọn một vài nước như Hunggary, Liên Xô hay Cu Ba... và cuối cùng tôi chọn Cu Ba. Đất nước với Fidel Castro, rồi Che Guevara đã từng chiến đấu ở đó. Cu Ba đất nước của mía. Cu Ba vùng đảo đẹp. Cu Ba với những tác phẩm văn học...
Trong 5 năm học ở đây (1984-1989), phải nói rằng đấy là một đất nước để lại cho chúng tôi quá nhiều điều không thể nào quên. Bởi vì nền văn hóa và con người ở đó, thêm nữa là quan hệ giữa Việt Nam và Cu Ba hồi đó là quan hệ rất đặc biệt.
Sinh viên Việt Nam trong mắt người Cu Ba được coi như con em của mình, từ các thầy cô, người quản lý nhà trường, những người nấu bếp. Đặc biệt những người da đen Cu Ba nấu bếp, thấy sinh viên Việt Nam lúc nào họ cũng hỏi thêm một câu là “có muốn ăn thêm không?”, lúc nào họ cũng dành cho sinh viên Việt Nam sự ưu ái.
Thấy vắng một sinh viên Việt Nam là họ hỏi ngay. Nếu ốm thì họ sẽ mang cho gạo, gà, trứng, rau quả và các bạn sinh viên Cu Ba hồi đó luôn luôn kèm sát để giúp đỡ sinh viên Việt Nam những ngày đầu tiên học tiếng. Đi đâu mà xưng danh Việt Nam đều được đón tiếp, có thể mời về nhà họ chơi.
Những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ hè, chúng tôi có thể đến bất kỳ những gia đình Cu Ba mà chúng tôi quen trên phố, gần khu cư xá, gần trường đại học... hay thông qua các bạn bè Cu Ba, họ luôn đón tiếp mình như một đứa con trở về nhà.
Một góc Thủ đô La Habana (Ảnh: Business Insider)
2. Tôi nhớ về bà giáo dạy Cu Ba chúng tôi 6 tháng học tiếng ở khoa dự bị trước khi chúng tôi bước vào trường đại học. Khi tôi đi học, con trai tôi chưa sinh.
Hồi đó, gửi thư từ Việt Nam sang, phải mất 2-3 tháng sau mới đến tay người nhận. Thư hồi âm lại cũng mất thời gian lâu như vậy. Khi tôi đi, chỉ còn 1 tháng sau vợ tôi sinh con.
Thời gian đấy đợi chờ rất lâu. Cho đến một hôm tôi nhận được thư gia đình báo vợ tôi sinh con trai. Tôi đọc lá thư đó ngay. Biết chuyện, cô giáo reo lên và cho dừng lớp học. Cô gọi mọi người đi mua bánh, mua hoa. Buổi đó cô làm lễ chúc mừng cho một học sinh lớn tuổi đã có vợ con.
Tôi nhớ về bà giáo người da đen quản lý khoa, nhà ở ngoại ô La Habana. Mùa hè năm nào bà cũng đưa tôi trở về đó và dành cho tôi một phòng để chăm sóc tôi rất cẩn thận, dạy dỗ và chăm sóc về y tế, sức khỏe.
Tôi nhớ về ông già người Nhật Bản tên là Kichi, sống gần cư xá chúng tôi ở. Hằng ngày ông lên trông coi kho sách của nhà trường. Tôi còn giữ hai cuốn sách “Từ điển Tây Ban Nha - Anh” và “Từ điển Anh - Tây Ban Nha”, ông ký tặng tôi thời đó.
Ông ấy người Nhật Bản, sống ở Hirosima, bị ném bom nguyên tử. Gia đình ông mất hết, chỉ mình ông sống sót. Sau những ám ảnh tâm lý, có thể ảnh hưởng đến thần kinh và ông đã chạy càng xa nước Nhật càng tốt vì ông lo sợ có thể một ngày Mỹ sẽ ném bom trở lại nước Nhật.
Ông cứ chạy đi xa mãi, xa mãi cho đến ngày cuối cùng ông nghĩ rằng nơi nào gần Mỹ nhất thì nơi đấy ít nguy hiểm nhất. Ông chạy đến Cu Ba và sinh sống ở đó với những người Cu Ba luôn dành tình cảm cưu mang và chia sẻ với ông.
Ông sống độc thân trong ngôi nhà với chiếc đồng hồ báo thức suốt đêm cứ một phút thì lại có một hồi chuông như trò chuyện cùng ông cả đêm thức trắng và một đàn mèo hoang làm bạn.
3. Tôi sang Mỹ từ năm 1992, khi Mỹ vẫn cấm vận với Việt Nam. Lúc đó Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ, rất nhiều vấn đề căng thẳng và phức tạp. Nhưng tất cả những người Mỹ yêu hòa bình, yêu dân tộc Việt Nam, yêu văn hóa, vẫn nỗ lực kêu gọi.
Một trong số những người nỗ lực mà tôi thấy là John Kerry. Ông là Chủ tịch danh dự của Trung tâm Đại học Massachuset, nơi mà các nhà văn Việt Nam vẫn đến giao lưu và đọc thơ, nơi mà họ vẫn luôn truyền bá văn học cách mạng của chúng ta vào Mỹ một cách đều đặn và có một chiến lược.
Ngay ở đó, trong những câu chuyện buổi tối, ngoài văn chương ra, chúng tôi nói về vấn đề quan hệ. Bởi vì Việt Nam và Mỹ có một lịch sử vô cùng đặc biệt, đó là lịch sử bi thương chứa đựng sự đau đớn, mất mát.
Nhưng ở đó, người dân Việt Nam bằng ý chí của mình, bằng khát vọng của mình để bày tỏ, để chứng minh với thế giới nhân cách của mình, chân dung của dân tộc mình để cho những người Mỹ cuối cùng phải đi đến xóa bỏ cấm vận, chứ không phải chúng ta lệ thuộc vào điều gì hay chúng ta phải chấp nhận những điều kiện gì mà nó không đúng với lòng tự tôn của dân tộc chúng ta. Và, Cu Ba cũng thế. Những câu hỏi của chúng tôi vang lên.
Tôi nói với họ rằng, có những buổi tối tôi ở Cu Ba, đứng bên bờ biển ở Male, thủ đô La Habana, có những người bạn Cu Ba chỉ cho tôi biết, đi rất gần phía bên kia, trong đợt sóng mờ xa kia là nước Mỹ.
Ở đó, bao nhiêu chuyện đau lòng. Những người thân của họ ở đó. Sự thù nghịch ở đó. Sự mất mát cũng ở đó. Sự cản trở đối với phát triển y tế, giáo dục của Cu Ba có thể nói cũng bắt đầu từ đó.
Tất cả đều mong muốn có một ngày cấm vận sẽ bị xóa bỏ. Bởi vì Việt Nam - Cu Ba cùng trong một chiến hào, trong một chiến tuyến, bảo vệ độc lập của mình. Việt Nam - Cu Ba có những điểm giống nhau trong quan hệ với nước Mỹ và Mỹ đã tạo thành chiến dịch cấm vận, thù địch rất lâu dài.
Cả hai dân tộc đã đi đến việc đó bằng chính bản lĩnh của mình, là sự minh chứng cho một dân tộc yêu hòa bình, mong hợp tác, mong một tình bạn trên thế giới, chứ không phải bằng những điều kiện về quân sự hay điều kiện gì khác.
4. Mỹ xóa bỏ cấm vận đối với Cu Ba! Tin đó đã làm xúc động rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt trong đó có tôi và những người tôi tin là đã từng học tập và hoạt động ở Cu Ba. Câu hỏi: Tại sao nước Mỹ vẫn không bỏ cấm vận Cu Ba được chúng tôi hỏi từ khi có quan hệ với những người Mỹ sau chiến tranh.
Những giáo sư, những nhà thơ, nhà văn, họ cũng đặt câu hỏi đó. Những người Mỹ trí thức, những người Mỹ yêu hòa bình, những người Mỹ hiểu biết họ đã lên tiếng rất nhiều lần, rất nhiều năm đòi hủy bỏ cấm vận.
Cho đến bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, quan hệ giữa hai nước đã được hủy bỏ cấm vận. Tôi cho đó là một sự kiện rất lớn không chỉ đối với Cu Ba, không chỉ đối với những dân tộc đã có cảm tình, đã có quan hệ đặc biệt với Cu Ba như Việt Nam, mà đó là một điều gì đó rất quan trọng, rất đặc biệt, đã gây xúc động cho những người yêu tình bạn, yêu hòa bình trên toàn bộ thế giới này.
Và tôi biết rất nhiều người Mỹ, công dân da trắng, sống trong lòng nước Mỹ, những người đã từng lên tiếng kêu gọi xóa bỏ cấm vận đối với Cu Ba, những người đã kêu gọi sự công bằng đối với các dân tộc nhỏ bé hơn cũng sẽ rất vui mừng như vậy.
Tổng thống Obama nói một câu: 50 năm qua, chính sách đó có thể là một chính sách sai lầm khi đã cấm vận Cu Ba. Họ sẽ làm tổn thương nhân dân Cu Ba. Họ sẽ làm tổn thương đến những nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới chứ không giải quyết được việc gì cả.
Chỉ có bằng mối quan hệ, bằng đối thoại, bằng sự chung sống, bằng lợi ích chung thì mỗi quốc gia mới được cởi đi tất cả bên trong mình những ấn ức, những khối nặng nề.
Tôi cho rằng đó là một trong những điều xuất sắc mà Tổng thống Mỹ Obama, cũng như Chính phủ Mỹ, cùng những người khác tác động vào đã làm rất tốt. Điều đó không chỉ tốt cho Cu Ba, mà tốt cho chính cả nước Mỹ.