Thưa ông, gần đây, các doanh nghiệp, hiệp hội đã có những kiến nghị về việc hợp quy TĂCN và TĂCN bổ sung, Cục Chăn nuôi có nắm được việc này không?
Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y Việt Nam đã liên hệ với Cục chăn nuôi đề nghị có buổi làm việc về hợp quy TĂCN. Cục đã tổ chức buổi làm việc với Hiệp hội, tham dự có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) để trao đổi, làm rõ những nội dung Hiệp hội quan tâm.
Ngày 17/5/2021, Cục Chăn nuôi tiếp tục nhận được văn bản kiến nghị ngày 12/5/2021 của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y Việt Nam về một số điểm bất cập trong thủ tục hợp quy TĂCN. Hiện Cục đang dự thảo văn bản trả lời Hiệp hội.
Vậy quan điểm của Cục Chăn nuôi trước các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội như thế nào thưa ông?
TĂCN thuộc Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2, có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT ban hành kèm Thông tư số 14/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.”
Điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước trước khi đưa ra thị trường phải: “Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm thuộc nhóm 2”
Khoản 2 Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định đối với với sản phẩm nhập khẩu như sau: Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này.
Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định: “Đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc.”
Một số nội dung bất cập mà Hiệp hội nêu về thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở chuyên ngành Cục Chăn nuôi ghi nhận và sẽ có kiến nghị gửi Bộ NN-PTNT để Bộ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
"Quy định về công bố hợp quy TĂCN tại Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn là phù hợp với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật." Ông Dương Tất Thắng.
Vậy, với những kiến nghị có cơ sở của doanh nghiệp các cơ quan, ban ngành cần làm gì để giải quyết các bất cập này? Yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ và triển khai theo lộ trình hay cần tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp?
Như đã trao đổi ở trên, việc thực hiện công bố hợp quy TĂCN tại Luật Chăn nuôi còn phụ thuộc vào các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo đó công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công bố hợp quy TĂCN có một số bất cập. Đó là một số quy định tại Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi tiếp tục lắng nghe góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội và người chăn nuôi để tổng hợp đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý TĂCN nói chung và công bố hợp quy TĂCN nói riêng để báo cáo, đề xuất Bộ NN-PTNT kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công bố hợp quy TĂCN.
Theo Nghị quyết 01 của Thủ tướng Chính phủ, cần cải cách thủ tục hành chính, trong khi thủ tục hợp quy lại đi ngược với Nghị quyết của Thủ tướng, vậy Cục Chăn nuôi có vai trò gì trong việc này?
Việc thực hiện công bố hợp quy TĂCN không phải mới, đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc đã được thực hiện từ năm 2011, ngay sau khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn dưới luật có hiệu lực.
Qua 10 năm thực hiện, các nội dung quản lý nhà nước về hợp quy TĂCN đã đi vào cuộc sống, doanh nghiệp thuộc nhóm này đã chấp hành rất tốt quy định này. Kế hoạch xây dựng quy chuẩn TĂCN của Cục Chăn nuôi phải thực hiện theo lộ trình đối với từng loại/nhóm thức ăn, trong đó nhóm sản phẩm thức ăn bổ sung được hoàn thiện quy chuẩn muộn nhất (năm 2020).
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng nhận thấy một số bất cập nêu trên, nhất là bất cập về quy định lô thức ăn nhập khẩu được miễn giảm kiểm tra nhưng vẫn phải công bố hợp quy quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP.
Hiện Chính phủ đang xây dựng Nghị định về kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, Cục Chăn nuôi sẽ có ý kiến tham gia để xây dựng Nghị định này theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với việc công bố hợp quy TĂCN nhập khẩu, đồng thời tham mưu Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan, trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.
Được biết, ngày 1/7 tới là thời điểm bắt buộc các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hợp quy TĂCN, TĂCN bổ sung, vậy Cục có nên kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tạm hoãn để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp hay không?
Như đã trao đổi ở trên, việc thực hiện công bố hợp quy TĂCN không phải là mới. Riêng QCVN 01:190 đối với thức ăn bổ sung đã có hiệu lực từ 1/7/2020. Sau 9 tháng thực hiện QCVN, đến nay chúng tôi nắm được đã có 131 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung trong nước đã và đang thực hiện thủ tục công bố hợp quy. Một số công ty khác cũng đang bắt đầu thực hiện để công bố hợp quy trước ngày 1/7/2021 theo quy định.
Như vậy, chỉ còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện. Hơn nữa, trong thời gian qua, Cục cũng không nhận được phản ánh nào từ doanh nghiệp về bất cập khi thực hiện công bố hợp quy theo QCVN 01-190. Gần đây, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y mới có ý kiến về việc này.
Chúng tôi thấy rằng, quy định công bố hợp quy TĂCN đã và đang được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Nếu trì hoãn thực hiện công bố hợp quy đến năm 2024 như đề nghị của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y có nghĩa chúng tôi không ủng hộ sự nỗ lực chấp hành pháp luật nghiêm túc của hơn 130 công ty đã công bố hợp quy.
"Riêng những điểm bất cập được các doanh nghiệp, Hiệp hội nêu ở trên về hợp quy, chúng tôi ghi nhận và sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để cùng báo cáo các cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị định trong thời gian sớm nhất." Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng.
Xin cảm ơn ông!