| Hotline: 0983.970.780

Cúm gia cầm - Bài toán nan giải cho ngành chăn nuôi

Thứ Ba 19/12/2023 , 05:57 (GMT+7)

Có thể nói, cúm gia cầm là bài toán nan giải. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống cúm gia cầm không chỉ là công việc của ngành thú y.

Chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp 26,7% cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như vấn đề dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm và hiện tượng kháng kháng sinh. 

Cúm gia cầm gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2023 của Việt Nam ước đạt 1.737 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Các sản phẩm từ chăn nuôi gia cầm không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng đối với người dân Việt Nam mà chăn nuôi gia cầm còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn.

Cúm gia cầm gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đối với các hộ chăn nuôi trong nước.

Cúm gia cầm gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đối với các hộ chăn nuôi trong nước.

Mặc dù là một điểm sáng của ngành nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia cầm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một trong những rủi ro trong chăn nuôi phải kể đến đó là cúm gia cầm. Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Ý vào đầu thập niên 1900. Tại Việt Nam, cúm gia cầm được ghi nhận xuất hiện từ cuối năm 2003. 

Từ khi xuất hiện đến nay, dịch bệnh đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho chăn nuôi gia cầm ở nước ta với hàng trăm triệu con gia cầm bị chết và buộc phải tiêu hủy. Gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 đến 3 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút.

Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

Hộ gia đình ông Trương Văn Phong (xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là một trong những hộ chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch cúm gia cầm, với quy mô lên tới 1 vạn con, đến thời điểm xuất bán, đàn gà chết hàng loạt. Theo ông Phong, lúc đó, cả đàn bỗng nhiên xù lông, khó thở, bại liệt rồi chết rất nhanh.

“Sau khi mổ, người ta kết luận là cúm gia cầm rồi hủy đi. Lúc bấy giờ khổ lắm, gia đình vay mượn nhiều, thiệt hại rất lớn tới kinh tế gia đình”, ông Phong chua xót kể lại.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến cúm gia cầm bùng phát 

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10, cả nước ghi nhận 19 ổ dịch (cúm A H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy 35.706 con. Nguy cơ dịch từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tiếp tục xảy ra rất cao.

Theo Cục Thú y, các ổ dịch cúm gia cầm từ đầu năm đến nay là do virus A/H5N1 phân bố rải rác tại các tỉnh Đông Bắc và miền Trung, chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ.

Chủ quan không tiêm phòng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát cúm gia cầm.

Chủ quan không tiêm phòng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát cúm gia cầm.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, có 3 nguyên chính dẫn đến bùng dịch cúm gia cầm. Nguyên nhân thứ nhất là điều kiện chăn nuôi tại các hộ gia đình nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn sinh học. Nguyên nhân thứ hai là cúm gia cầm còn lưu hành ở các phạm vi rộng. Nguyên nhân thứ ba là nhiều địa phương còn chủ quan lơ là chưa tiêm phòng đàn gia cầm.

“Tôi khẳng định, hiện nay, chúng ta có đủ vacxin, chất lượng vacxin rất là tốt. Bên cạnh đó chúng ta thấy rằng vào dịp cuối năm, việc vận chuyển, buôn bán gia cầm gia tăng, nguy cơ tiếp tục xảy ra dịch bệnh trong thời gian tới và chúng ta phải chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm.

Bùng dịch cúm gia cầm phải nhắc đến yếu tố thị trường

Một vấn đề chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, chúng ta không thể tiêu diệt triệt để tồn dư của virus trong môi trường. Chừng nào còn con người, còn gia súc thì chừng đó vẫn còn virus, còn vi khuẩn. Đó là nhận định của nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của nhà báo Trịnh Bá Ninh, bùng phát dịch cúm gia cầm phải kể đến yếu tố thị trường. Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, giá thịt gia cầm luôn luôn ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào luôn ở mức cao. Nhiều gia đình chỉ nuôi 30 đến 40 con gà, bán đi được khoảng 4 đến 5 triệu đồng, trừ chi phí phòng bệnh nữa có khi hòa vốn. Khi đó, nếu xảy ra dịch bệnh, người dân sẵn sàng tiêu hủy đàn vật nuôi, không cần tiêu độc, khử trùng hay tiêm vacxin phòng bệnh.

Ngoài yếu tố thị trường, việc thống nhất và đồng nhất hệ thống thú y cơ sở chưa được đảm bảo. Hệ thống thú y cơ sở không được củng cố tốt như ngày xưa, nhiều nơi sáp nhập, thậm chí xóa sổ chức danh này (ví dụ như Thanh Hóa). Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều hành xuyên suốt toàn hệ thống từ Trung ương đến cấp xã, thôn. Những nguyên nhân trên cộng hưởng lại, khiến cúm gia cầm khó bị xóa sổ.

Có thể nói, cúm gia cầm là bài toán nan giải. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tại vùng dịch và vùng chưa có dịch không chỉ là công việc của ngành thú y mà còn cần sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, của các ban, ngành liên quan và đông đảo nhân dân. Chỉ như vậy chúng ta mới khống chế và đẩy lùi được dịch cúm gia cầm.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.