- Bạch thày, vị thí chủ đi cùng tôi hôm nọ muốn cúng tiến một khoản tiền để làm lại cả chùa lẫn đình, làm mới, nhưng theo đúng quy mô cũ. Vậy phiền thày lập dự toán xây dựng, cả nội thất lẫn ngoại thất, xem hết bao nhiêu, để tôi về trình với vị thí chủ đó, vị ấy sẽ xuất tiền.
- Mô phật, thật quý hóa quá. Nhưng thưa ông, việc tính toán xây dựng thì tôi không thạo, phải nhờ đến một ông thợ cả trong làng này, ông ấy đã mang thợ đi làm mấy cái đình, cái chùa ở tỉnh xa. Vậy phiền ông, một tuần sau ông quay lại đây, được không?
- Vâng. Vậy tôi về, mong thày làm nhanh cho.
- Vâng. Xin ông cho tôi biết quý danh của vị thí chủ đó. Và việc cúng tiến này có kèm theo điều kiện gì không?
- Bạch thày, chỉ có hai điều kiện thôi. Một là sau khi vị thí chủ trao tiền, xin thày làm cho một khóa lễ, cầu phật, cầu thánh âm phù cho hoạn lộ của người ấy hanh thông, vượt qua đối thủ để đến được đích như mong muốn.
Hai là tên của vị thí chủ đó chỉ được mật khẩn trước đức Phật và đức Ngô Đồng đại vương, chứ không được để cho đại chúng biết.
- Mô phật. Cả hai việc đó, nhà chùa đều đáp ứng được cả.
Tiễn Thái về xong, thượng tọa lập tức mời ban khánh tiết đến chùa, thông báo lại sự việc. Cả ban khánh tiết đều mừng rỡ, đều nhất trí nhờ ông Huỳnh, thợ cả, tính toán chi phí giúp, đồng thời lập tờ trình với Ủy ban nhân dân xã, xin xã đứng ra làm các thủ tục để xin phép các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng cho phép dựng lại chùa, đình.
Nhận được tờ trình của ban khánh tiết, trong đó nói rõ sẽ xây dựng lại cả đình lẫn chùa theo như quy mô cũ, và ban khánh tiết cam đoan rằng đã có nguồn kinh phí tài trợ đủ, không phải huy động trong dân.
Cả Chủ tịch lẫn Bí thư xã đều rất mừng, vì tuy đã biết đây là nguyện vọng chính đáng, không chỉ của dân trong xã mà còn là của dân cả vùng. Nhưng xã nghèo, kinh phí hạn hẹp, không biết lấy đâu ra. Nay nếu đã có nguồn, đình và chùa được xây dựng lại, tức là xã có thêm một công trình văn hóa - tâm linh rất hoành tráng, thì còn gì bằng. Thế nên cả hai vị đều nhiệt liệt ủng hộ. Công việc được tiến hành rất nhanh.
Đúng một tuần sau, khi Thái quay lại, thì thượng tọa và cả ban khánh tiết đã chờ sẵn. Thượng tọa đưa cho Thái một bảng kê, trong đó ghi rõ gạch dùng hết bao nhiêu, xi măng, cát, đá, sỏi, sắt thép, gỗ… Mỗi thứ hết bao nhiêu, thành tiền là bao nhiêu, công thợ hết bao nhiêu. Cộng thành tiền, tổng số là 3 tỷ đồng. Đọc xong, Thái bảo:
- Bạch thày và các vị. Cứ theo như thỏa thuận giữa thày và tôi, thì khi tôi tác động để có nguồn kinh phí này, phần tôi được trích lại là 20 phần trăm. Như vậy trong 3 tỷ đồng này, phần trích cho tôi là 600 triệu, chỉ còn 2,4 tỷ đồng, như vậy không đủ. Vì vậy, để có đủ 3 tỷ đồng như dự toán, các vị phải kê tăng lên. Thôi thế này vậy. Các vị cứ kê làm sao cho tròn con số 3 tỷ rưỡi. Phần tôi 700 triệu đồng. Tôi cúng vào chùa 200 triệu, chỉ lấy 500 triệu thôi, như vậy, các vị vẫn còn đủ 3 tỷ đồng.
Mất thêm gần một ngày tính toán lại, rồi ban khánh tiết cũng “đôn” các loại giá vật liệu lên, để thành con số 3,5 tỷ đồng. Thái nhận bản dự toán ấy, về đưa cho Khải.
Mấy hôm sau nữa, có một chiếc xe ôtô đen bóng ghé vào Cổ Thanh tự. Từ trên xe, một người phụ nữ trạc 40 tuổi, ăn mặc rất sang trọng, dáng điệu quý phái, xách theo một chiếc cặp đen bóng, bước xuống, theo sau là Thái. Dẫn người phụ nữ ấy vào chùa, Thái giới thiệu với thượng tọa và ban khánh tiết:
- Bạch thày, thưa các vị. Đây là vợ của vị thí chủ đã phát tâm cúng tiến cho việc xây chùa, xây đình. Hôm nay vị thí chủ bận, nên cho vợ mang số tiền cúng tiến đến giao cho các vị.
Thượng tọa chắp tay:
- Mô phật. Mời bà và ông ngồi xơi nước. Thưa bà, nhà chùa rất cảm ơn tấm lòng của ông bà. Công đức của ông bà thật là vô lượng, vô biên, không biết lấy gì mà đền đáp, nhà chùa chỉ biết cầu phật, cầu thánh phù hộ cho ông bà và toàn gia mạnh khỏe, hạnh phúc, quan lộ hanh thông, cầu được ước thấy.
- Con xin cảm ơn thày. Bạch thày, cho con thắp hương lễ phật, lễ thánh đã.
Trao cái cặp cho Thái, người đàn bà sửa lại y phục, theo thượng tọa vào chùa, vào hậu cung đình thắp hương, lầm rầm khấn vái một lúc sau mới quay ra, bảo Thái:
- Nhờ anh trao tiền cho các vị.
Thái mở cặp, lấy ra 7 cọc tiền có mệnh giá 500 ngàn đồng, mỗi cọc 1.000 tờ, đặt trước mặt mọi người, khiến các vị trong ban khánh tiết tròn mắt. Trong cuộc đời mình, đây là lần đầu tiên họ được ngồi trước một đống tiền lớn như thế. Rất nhiều tiếng xuýt xoa nổi lên. Chờ cho cơn “chấn động tâm linh” của mọi người lắng xuống, Thái mới lên tiếng:
- Xin thày và các vị kiểm lại tiền đi, rồi lập biên bản, với nội dung là tôi, Phan Hồng Thái, thay mặt cho vị thí chủ, đã trao đủ số tiền 3,5 tỷ đồng, là tiền vị thí chủ đó cúng tiến cho việc xây dựng lại đình, chùa, cho các vị tại Cổ Thanh tự vào hồi 12 giờ ngày… tháng… năm…Sau đó mọi người ký vào dưới chữ “người nhận tiền”, tôi sẽ ký dưới chữ “người giao tiền”. Còn về việc quản lý số tiền này, thì theo tôi, các vị nên chọn lấy một vị đứng tên, mang số tiền này đi gửi ngân hàng, gửi không kỳ hạn. Rồi làm đến đâu thì lấy ra đến đấy, cho an toàn.
- Mô phật, lạy thánh mớ bái. Xin nhất trí hoàn toàn với ông. Riêng việc kiểm lại tiền thì xin miễn cho.
Biên bản được lập rất nhanh, sau khi ai nấy đã ký tá đầy đủ, mọi người xúm vào đề cử ông Hạnh, phó ban khánh tiết, làm người quản lý số tiền, và sau khi cả ban khánh tiết cùng ông mang số tiền lên ngân hàng ngay lúc ấy, trong chùa chỉ còn thượng tọa, Thái và Phượng, vợ Khải. Thái nói với thượng tọa:
- Bạch thày, vị thí chủ sinh vào giờ Tỵ, ngày 18, tháng 11, năm Canh Tuất, tức là năm 1970. Vậy xin thày chuẩn bị làm lễ cho.
Thượng tọa bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm tính toán:
Giờ Tỵ, ngày mười tám tháng mười một, tuổi Canh Tuất. Tuổi này, quan lộ đoạn trước thì hanh thông. Nhưng đoạn sau thì gặp nhiều trắc trở. Quan lộ, nó cũng như con đường người ta đi trên trần gian. Gặp vực sâu, bụi rậm chắn đường, gặp kẻ ghen ăn tức ở, gặp ma quỷ nó quấy phá, nó xô đẩy vào bụi rậm hay xuống vực, nó dẫn dụ vào mê lộ, là chuyện bình thường. Làm lễ này là để cầu phật, cầu thánh hóa giải tất cả những tai ách đó, thì đường đi lại hanh thông. (Còn nữa)