Phượng chắp tay:
- Bạch thày, để làm được khóa lễ, cần chuẩn bị những lễ vật gì, xin thày dạy cho, để chúng con chuẩn bị ạ.
- Tốt lễ thì dễ siêu. Khóa lễ này rất quan trọng, nên lễ vật không nên dùng lễ thường, mà nên là lễ thửa. Nhà chùa đã lên sẵn danh sách các vật phẩm cho khóa lễ, xin mời bà xem.
Còn khóa lễ thì tôi sẽ mời thêm mấy vị sư rất cao tay ở những chùa xa, có tiếng trong tỉnh, đến giúp.
Thượng tọa mở hòm, lấy ra một tờ giấy đưa cho Phượng, trong đó ghi kín hai mặt, từ ngựa mã, voi mã, quần áo mã, mũ mã…
Đến các vật phẩm lễ thánh và các vật phẩm lễ phật. Ghi rõ giá cả từng loại, nơi đặt hàng thửa. Xem xong, Phượng đưa tờ giấy cho Thái, và bảo thượng tọa:
- Bạch thày, thày dạy rất đúng, là phải dùng lễ thửa. Con không có điều kiện đi sắm những lễ vật này. Vả lại con cũng không muốn xuất hiện nhiều, sợ người ta để ý rồi lại bàn ra tán vào.
Vậy con xin gửi tiền, nhờ thày biện lễ cho, và xin ủy quyền cho anh Thái đây giúp thày trong công việc chuẩn bị. Được không ạ?
- Được ạ. Khi mọi thứ đã sắm sửa đủ rồi thì tôi thông báo ngày, giờ. Ông bà chỉ cần có mặt đúng giờ, đúng ngày là được.
Sau mấy ngày chuẩn bị, buổi lễ được tổ chức vào 8 giờ sáng ngày thứ Bảy. 7 giờ, vợ chồng Khải cùng Thái đến Cổ Thanh tự, đã thấy ngoài thượng tọa, còn có thêm 4 vị sư khác, đều đã đứng tuổi, và toàn ban khánh tiết.
Ngoài ra, còn 13 người phụ nữ, tuổi trạc từ 30 đến 50, tất cả đều mặc áo dài đỏ, quần trắng, đi hài mỏ phượng đính hạt cườm, đầu đội khăn Nam Phương, mặt xoa phấn.
Riêng một người, có lẽ là người phụ trách, thì ngoài áo dài đỏ, còn thêm một tấm đại bào cũng màu đỏ pha kim tuyến, đầu đội mũ phượng và đi hia.
Thêm 8 người trong đội bát âm. Cả 5 vị sư đều mặc áo pháp màu vàng, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm tích trượng. Đàn đã được lập ở cả chùa lẫn đình, vật phẩm cho buổi lễ đều đã được bày sẵn trên hai đàn lễ.
Sau một tuần trà, buổi hành lễ ở chùa bắt đầu. Thượng tọa Thích Thiện Tâm, người chủ trì buổi lễ, ngồi chính giữa chiếu lễ, 4 vị sư lạ mặt ngồi 4 góc, tượng trưng cho ngũ hành.
Vợ chồng Khải quỳ sau các vị sư. Thái quỳ bên phải, các vị trong ban khánh tiết quỳ bên trái, chỉ riêng 13 người phụ nữ và phường bát âm là vẫn ngồi nguyên trong sân chùa. Tiếng tiu, tiếng mõ rền vang. 5 vị sư tụng kinh còn vợ chồng Khải và mọi người đều niệm “Nam mô A Di đà Phật” điểm theo tiếng tụng.
Hết khóa tụng, thượng tọa hai tay nâng sớ, tiến đến trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai, cầm sớ vái mấy vái rồi ghé sát vào tai tượng mật khẩn. Mật khẩn xong, thượng tọa lại cầm sớ vái mấy vái rồi lui xuống. Khóa tụng thứ hai bắt đầu.
Hết khóa tụng thứ hai, thượng tọa tiến lên, lấy hai đồng tiền trong cái đĩa trên đàn lễ, lâm râm khấn vái một lát rồi gieo xuống đĩa. Tiếng đồng tiền chạm đĩa đánh “keng” khiến vợ chồng Khải thót tim vì hồi hộp. Thượng tọa cầm đĩa xuống, chìa ra trước mặt vợ chồng Khải:
- Lòng thành của ông bà đã thấu tới đức Phật, chỉ gieo một lần là được ngay đây này.
- Nam mô A Di đà Phật.
Sau khóa lễ ở chùa là khóa lễ ở đình. Sân đình đã được giải kín chiếu, dân làng đến xem rất đông. Người phụ nữ mặc đại bào, đội mũ phượng đứng trên một cái ghế bên phải chiếu.
Lúc đó Khải mới biết bà ta là người xướng lễ của đội tế nữ quan. 12 người còn lại cùng vợ chồng Khải, Thái và ban khánh tiết đứng sau bà ta. 8 vị trong đội bát âm ngồi phía bên trái chiếu. Khi tất cả đã tề tựu đông đủ, xướng lễ hô:
- Khởi chinh cổ (nổi chiêng trống)
Chiêng trống lập tức nổi lên inh ỏi. Dứt hồi chiêng trống, xướng lễ lại hô:
- Tấu nhạc. Bài ban (nổi nhạc, đứng vào hàng).
Đội bát âm lập tức cử bài “lưu thủy trường”, 12 người trong đội tế từ phía bên phải chiếu tiến ra theo điệu nhạc ấy, xếp thành hai hàng song song nhau. Tiếp theo, người xướng lễ hô:
- Nhạc chỉ. Chủ tế giả, tựu vị (dừng âm nhạc, chủ tế vào vị trí)
Nhạc dừng, thượng tọa, lúc này đã thay áo pháp màu vàng bằng áo thụng xanh, đầu đội mũ đại quan, chân dận hia đen, bước ra, đứng vào vị trí chủ tế trước đàn lễ, hai bên có hai người bồi tế.
- Quán tẩy (chủ tế rửa tay)
Nghe tiếng hô, thượng tọa vén tay áo thụng, rửa tay vào chậu nước sạch đặt cạnh đàn lễ.
Chủ tế giả, nghệ hương án tiền.
Rửa tay xong, nghe người xướng lễ hô, thượng tọa sửa lại y phục, bước ra trước hương án.
- Quỵ (quỳ xuống)
Thượng tọa và tất cả mọi người có mặt trong sân đều nhất loạt quỳ xuống.
- Thăng hương (dâng hương)
Nghe lời hô, thượng tọa đứng lên, thắp hương, cầm bó hương vái ba vái rồi cắm vào bát hương.
- Bái (lạy). Hơng (lạy xong ngẩng lên). Bái. Hơng. Bái. Hơng
Sau khi mọi người lạy xong ba lần, người xướng lễ tiếp tục hô:
- Hiến tửu - Hiến tắc - Hiến soạn (dâng rượu, dâng xôi, dâng cỗ)
Những người bồi tế làm theo.
- Bái. Hơng. Bái. Hơng. Bái. Hơng
Lại ba lần lạy nữa. Trong mỗi động tác lễ trên, dàn bát âm đều cử nhạc. Lần này thì:
Nhạc chỉ. Độc sớ.
Âm nhạc dừng lại. Trong những lần hội làng bình thường, khi tế, người xướng lễ hô là “Độc chúc”, tức là đọc chúc văn tế thành hoàng. Nhưng lần này là lễ riêng cho Khải, nên chỉ đọc sớ thôi, vì vậy xướng lễ mới hô là “Độc sớ”. Nghe tiếng hô, một người bồi tế tiến lên đàn lễ, lấy tờ sớ đưa cho thượng tọa. Thượng tọa đón lấy, nâng lên vái mấy vái rồi vòng qua đàn lễ, vào hậu cung, ghé sát vào bài vị thành hoàng để mật khẩn.
- Tấu nhạc, vũ.
Nhạc nổi lên. 12 người trong đội tế biểu diễn một điệu múa tế thần rất đẹp mắt. Trong lúc họ múa, thì thượng tọa đã mật khẩn xong, trở lại trước đàn lễ để gieo hai đồng tiền xin âm dương. Điệu vũ kết thúc thì việc gieo hai đồng tiền xin âm dương cũng vừa xong.
- Bái. Hơng. Bái. Hơng. Bái. Hơng
Sau ba lần lạy nữa, xướng lễ lại hô tiếp:
- Thoái ban (lui về chỗ)
Mọi người trong đội tế trở lại vị trí ban đầu, nhưng tất cả đều quỳ xuống.
- Bình thân. Lễ tất (đứng dậy, cuộc lễ kết thúc).
Thế là buổi lễ xong. Thượng tọa cầm cái đĩa có hai đồng tiền đến cho Khải xem:
- Đức đại vương ngài cũng đã chấp nhận lời cầu xin của ông bà. Gieo một lần cũng được ngay. (còn nữa)